Hiện trạng bảo vệ các ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước

14:00 | 04/07/2009 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Theo số liệu điều tra của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, năm 2006, 2007, trên 60% các cơ quan chính quyền cấp Tỉnh có mạng nội bộ (mạng LAN), trên 80% có cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ các hoạt động tác nghiệp của cơ quan, trong đó trên 80% sử dụng CSDL quản lý kế toán, hơn 55% có CSDL quản lý công văn, trên 40% sử dụng CSDL quản lý nhân sự.

Theo kết quả điều tra, mới có trên 50% số cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước thường xuyên sử dụng máy tính trong công việc. Trong số những người sử dụng máy tính thường xuyên, gần 100% sử dụng để soạn thảo văn bản, hơn 70% sử dụng để truy cập internet, 60% sử dụng máy tính để quản lý công việc và gần 60% sử dụng để gửi/nhận thư điện tử.

Các hệ thống thông tin ở các bộ, ngành, địa phương chủ yếu được xây dựng để quản lý thông tin nội bộ. Phổ biến nhất là hệ thống thông tin phục vụ điều hành tác nghiệp như quản lý công văn đi/đến, lịch công tác, báo cáo nhanh, hệ thống thông tin quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, quản lý cán bộ, kế toán hay thi đua khen thưởng.

Trong những năm vừa qua, theo báo cáo của các trung tâm an ninh mạng như VNCERT, BKIS… sự lây lan virus và các loại mã độc trên mạng máy tính tại các cơ quan đơn vị là rất lớn và gần như không thể diệt hoàn toàn. Hiện tại chưa có thống kê chính thức về thiệt hại kinh tế, chính trị và xã hội liên quan đến vấn đề này, mặc dù cũng đã có một số công văn nhắc nhở của Chính phủ cho các cơ quan, bộ, ngành để cảnh báo về vấn đề này.

Hiện tại vẫn đang thiếu những hướng dẫn để xây dựng các hệ thống đảm bảo ATTT cho các ứng dụng CNTT&TT đối với các cơ quan nhà nước, do đó các đơn vị đầu tư có tính chất tự phát và không hề có hệ thống đánh giá mức độ ATTT cho các hệ thống CNTT của mình. Việc thiếu các chính sách ATTT (khuyến nghị và bắt buộc) cho các cơ quan nhà nước cũng như chuẩn hoá nguồn nhân lực đảm bảo ATTT cũng là một vấn đề chưa giải quyết được.

Việc cung cấp các dịch vụ công trên mạng (phục vụ mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử) bắt đầu được triển khai ở một số website và cổng thông tin điện tử của Chính phủ, bộ, ngành và các tỉnh thành. Tuy nhiên, hầu hết các dịch vụ công trực tuyến đều mới chỉ ở mức độ cung cấp thông tin về dịch vụ, một số ít có cung cấp biểu mẫu điện tử cho phép doanh nghiệp và người dân tải về sử dụng. Việc chậm triển khai ứng dụng này một phần do năng lực triển khai, khả năng đầu tư cũng như nhận thức của người sử dụng, tuy nhiên một rào cản khá lớn và không thể phủ nhận là lo lắng về mất ATTT không chỉ từ phía người dân mà còn cả từ phía các cơ quan, đơn vị này. Theo nhiều báo cáo về an ninh mạng trong một số năm gần đây, các chuyên gia đều chỉ ra các vấn đề nghiêm trọng gây mất ATTT với các website và cổng thông tin điện tử. Nhiều báo cáo còn chỉ ra, có rất nhiều các website và cổng thông tin điện tử của các cơ quan chính phủ có các lỗ hổng chưa được vá lỗi mà có thể bị hacker kiểm soát và gây mất ATTT.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới