Giải pháp nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế cho các tạp chí khoa học

13:00 | 01/08/2024 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Hiện nay, trên thế giới có quá nhiều tạp chí khoa học, điều này gây ra không ít khó khăn trong việc xác định một bài báo cũng như một tạp chí đáng tin cậy. Lựa chọn bài báo chất lượng để kế thừa kết quả là việc rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nghiên cứu và độ tin cậy của phương pháp nghiên cứu. Bên cạnh đó, công bố khoa học quốc tế, nhất là công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín đang là tiêu chí quan trọng để đánh giá khoa học với các nhà nghiên cứu.

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG TẠP CHÍ KHOA HỌC UY TÍN

Hiện nay, tạp chí khoa học của các quốc gia phát triển đều hướng tới các chuẩn mực được đông đảo cộng đồng các nhà khoa học thừa nhận, cụ thể như: Tạp chí được cho là là đáp ứng tiêu chuẩn công bố quốc tế hay tạp chí quốc tế uy tín là tạp chí được trích dẫn trong các cơ sở dữ liệu khoa học - công nghệ uy tín, bao gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học Web of Science (WoS) của Clarivate Analytics; cơ sở dữ liệu khoa học Scopus của công ty xuất bản Elsevier; hệ thống trích dẫn Đông Nam Á (Asean Citation Index - ACI). Tại Việt Nam, có Cơ sở dữ liệu khoa học Việt Nam gồm các tạp chí khoa học uy tín do Hội đồng Giáo sư nhà nước (HĐGSNN) bình chọn và quản lý.

Tiêu chí đánh giá tạp chí khoa học của Scopus

Scopus là một nguồn dữ liệu uy tín đối với các nhà nghiên cứu khoa học. Từ năm 2005, Scopus đã thành lập Hội đồng cố vấn và thẩm định nội dung CSAB - Content Selection & Advisory Board để lựa chọn, thẩm định các tạp chí khoa học mới bổ sung vào cơ sở dữ liệu của Scopus, đồng thời đánh giá loại khỏi cơ sở dữ liệu những tạp chí không đảm bảo chất lượng. CSAB bao gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý thư viện chuyên ngành từ mọi ngành khoa học, vùng lãnh thổ. Chức năng chính của Hội đồng này là hỗ trợ ban lãnh đạo Scopus trong tuyển chọn, thẩm định nội dung và xây dựng chiến lược.

Từ tháng 10/2009, Scopus sử dụng hệ thống tính điểm STEP nhằm thẩm định các tạp chí khoa học dựa trên 5 tiêu chí được trình bày trong Bảng 1.

Bảng 1. Tiêu chí chính dùng để tính điểm tạp chí khoa học của Scopus

Để được xem xét bình duyệt, tất cả các tạp chí phải đáp ứng các tiêu chí tối thiểu sau:

- Bao gồm nội dung được bình duyệt ngang hàng và có bản mô tả công khai về quy trình bình duyệt.

- Được xuất bản thường xuyên và có Số sê-ri tiêu chuẩn quốc tế (ISSN).

- Có nội dung phù hợp và độc giả quốc tế có thể đọc được, nghĩa là có tóm tắt và tiêu đề bằng tiếng Anh.

- Có tuyên bố về đạo đức xuất bản và sự xuất bản có sẵn công khai (được xuất bản trực tuyến).

Hệ thống trích dẫn Đông Nam Á

Khu vực Đông Nam Á đã hình thành hệ thống trích dẫn danh mục tạp chí ACI. Mục tiêu của ACI là cung cấp một cơ sở dữ liệu toàn diện các bài báo khoa học của các nước khu vực Đông Nam Á, đồng thời, làm cầu nối để các tạp chí tham gia vào các cơ sở dữ liệu quốc tế khác như Web of Science, Scopus,... Hiện nay, hệ thống ACI đã bao gồm đầy đủ 10 nước Đông Nam Á tham dự.

Quy trình tổng thể xét duyệt các tạp chí để đưa vào danh mục tạp chí thuộc ACI áp dụng từ năm 2024 gồm 2 Bước:

+ Bước 1 - Sơ duyệt: Tất cả các tạp chí cần phải đạt các tiêu chí chính trước khi được đánh giá (Không chấm điểm), bao gồm:

1. Xuất bản định kỳ, không hoãn lùi hoặc chậm lịch xuất bản.

2. ISSN được đăng ký tại www.issn.org, với tên tạp chí bằng tiếng Anh.

3. Trang web của tạp chí có thông tin đầy đủ và cập nhật.

4. Định dạng bài viết tốt/phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

5. Trang web của tạp chí phải công khai chi tiết đạo đức xuất bản.

6. Phí xuất bản bài báo cần được công khai minh bạch trên trang web của tạp chí.

Chỉ khi thỏa mãn Bước 1, tạp chí mới được xét tiếp ở Bước 2.

+ Bước 2 bao gồm 9 tiêu chí mềm (mỗi tiêu chí sẽ được chấm điểm, tổng điểm là 15), cụ thể:

1. Trang web của Tạp chí phải bao gồm chi tiết về Đạo đức xuất bản (1 điểm).

2. Chính sách của tạp chí về phí xuất bản hoặc phí xử lý bài báo phải được công bố rõ ràng trên trang web của tạp chí (2 điểm).

3. Thành viên Hội đồng biên tập phải đa dạng về đơn vị công tác (2 điểm).

4. Tác giả của tạp chí có sự đa dạng về đơn vị công tác (2 điểm).

5. Các tạp chí có trích dẫn tài liệu tham khảo với hình thức nhất quán (2 điểm).

6. Có hệ thống gửi bài, thực hiện quy trình phản biện và xuất bản trực tuyến (1 điểm).

7. Mỗi bài viết phải bao gồm lịch sử đánh giá bài viết với đầy đủ thông tin như: ngày nhận bài, ngày sửa đổi, ngày chấp nhận đăng bài (1 điểm).

8. Các tạp chí nhận được trích dẫn bài báo từ một tạp chí đã trong ACI (1 điểm).

9. Cung cấp cho ACI 05 bài báo điển hình để hội đồng ACI sẽ đánh giá và cho điểm(từ 0-3 điểm).

Kết quả đánh giá

Với các tiêu chí trên, tạp chí được đưa vào chỉ mục trong cơ sở dữ liệu ACI là tạp chí:

- Đáp ứng đầy đủ tất cả các tiêu chí chính và đạt tổng điểm tối thiểu 12/15 đối với các tiêu chí mềm.

- Các tạp chí đã được lập chỉ mục trong Scopus hoặc WoS sẽ được chấp nhận lập chỉ mục trong ACI mà không cần đánh giá thêm.

Trong trường hợp tạp chí không vượt qua được các yêu cầu của ACI (không thiếu bất kỳ tiêu chí nào trong các tiêu chí chính, tổng số điểm tiêu chí phụ dưới 12) thì tạp chí không được nộp lại đơn đăng ký trong vòng 1 năm để cải thiện chất lượng của tạp chí.

Cách thức phân hạng của các tạp chí quốc tế

Nếu xếp các tạp chí thuộc cùng một ngành/lĩnh vực trong danh mục WoS (hay Scopus) theo chỉ số IF (hay CiteScore) hay SCImago được xếp hạng từ cao xuống thấp, tương ứng Q1, Q2, Q3, Q4.

- Q1: các tạp chí có IF (hay CiteScore) thuộc top 25%.

- Q2: các tạp chí có IF (hay CiteScore) thuộc nhóm 25-50%.

- Q3: các tạp chí có IF (hay CiteScore) thuộc nhóm 50-75%.

- Q4: các tạp chí có IF (hay CiteScore) thuộc nhóm 75-100%.

Các tạp chí khoa học danh tiếng trong một ngành/lĩnh vực chiếm hầu hết hạng Q1.

Do IF và CiteScore khác nhau, nên hạng Q của một tạp chí ở WoS không nhất thiết trùng với hạng Q của tạp chí đó ở Scopus.

Lưu ý: Số trích dẫn và chỉ số IF của WoS hay CiteScore của Scopus, rất khác biệt giữa các lĩnh vực, các ngành khoa học. Do đó, việc so sánh IF hay CiteScore giữa các tạp chí chỉ có ý nghĩa trong từng ngành, từng lĩnh vực khoa học.

MỘT SỐ THÀNH TỰU CỦA TẠP CHÍ KHOA HỌC VIỆT NAM ĐẠT ĐƯỢC TRONG CÁC HỆ THỐNG TRÍCH DẪN UY TÍN

Các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu khoa học Việt Nam

Hiện nay, HĐGSNN đang có hơn 400 tạp chí được tính điểm khoa học trong 28 ngành và liên ngành nằm trong cơ sở dữ liệu khoa học Việt Nam do HĐGSNN quản lý. Trong đó, ngành có nhiều Tạp chí được tính điểm khoa học nhất là ngành Kinh tế với hơn 127 tạp chí. Việc xếp rank của tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu khoa học Việt Nam được thể hiện bằng việc chấm điểm các tạp chí dựa trên các tiêu chí đề ra của HĐGSNN.

Ấn phẩm Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực An toàn thông tin của Tạp chí An toàn thông tin đang được tính điểm khoa học trong 03 Hội đồng chuyên ngành của HĐGSNN (Công nghệ thông tin: 0,75 điểm; Liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hoá: 0,75 điểm và Toán học: 0,75 điểm).

Các Tạp chí khoa học của Việt Nam trong ACI

Hiện nay Việt Nam có 20 tạp chí khoa học nằm trong ACI, so với năm 2021 đã có 26 tạp chí nằm trong hệ thống này. Như vậy 06 tạp chí khoa học đã không đạt được tiêu chí của ACI và bị loại ra khỏi danh sách.

Các Tạp chí khoa học của Việt Nam trong các hệ thống trích dẫn quốc tế uy tín

Thông tin các Tạp chí khoa học Việt Nam trong các hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế uy tín được nêu cụ thể trong Bảng 2.

Bảng 2. Các tạp chí khoa học của Việt Nam được chỉ mục trên Scopus và Web of Science

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TẠP CHÍ ĐỂ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Yếu tố quan trọng nhất để đánh giá chất lượng tạp chí khoa học đó là chất lượng của các kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí đó. Tuy nhiên, khi các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu tốt thì họ sẽ tìm đăng ở các tạp chí đã có uy tín. Điều này sẽ làm khó khăn cho nhiều tạp chí Việt Nam đang trong quá trình nâng cao chất lượng, uy tín và hội nhập. Để giải quyết đồng thời cả hai yêu cầu là thu hút bài báo tốt và nâng cao uy tín, hội nhập quốc tế đối với nhiều tạp chí khoa học của Việt Nam đòi hỏi có sự chung tay, hỗ trợ của cơ quản lý nhà nước, các cơ quản chủ quản tạp chí và cộng đồng khoa học.

Căn cứ vào thực tế hoạt động của các tạp chí trong nước và các tiêu chí đánh giá chất lượng tạp chí khoa học như đã trình bày ở phần trên. Phần này sẽ đề xuất một số giải pháp chuẩn hóa và nâng cao chất lượng, uy tín các tạp chí khoa học tiến tới gia nhập các hệ thống trích dẫn quốc tế uy tín.

Đăng ký chỉ số ISSN

Chỉ số ISSN (International Standard Serial Number) là mã số tiêu chuẩn quốc tế dưới dạng một dãy số gồm tám chữ số được dùng để nhận dạng một ấn phẩm xuất bản nhiều kỳ như tạp chí, báo, bản tin, chuỗi sách, chuỗi kỷ yếu hội thảo,... Ví dụ, Tạp chí Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực An toàn thông tin đã được cấp chỉ số ISSN là 2615- 9570, có thể tra cứu các thông tin này tại website www.issn.org.

Sử dụng đúng yêu cầu về ngôn ngữ và thông tin thể hiện trong các bài báo

Thực tế cho thấy, các nhà khoa học sử dụng tiếng Anh để công bố các kết quả nghiên cứu của mình vẫn sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc giao lưu với các đồng nghiệp trên thế giới so với việc sử dụng tiếng bản địa. Tuy không đòi hỏi bắt buộc là mọi công trình khoa học phải được thể hiện bằng tiếng Anh. Song điều kiện đặt ra là phải có tiêu đề bài viết, tóm tắt công trình nghiên cứu và thông tin của tác giả bằng tiếng bản địa và tiếng Anh.

Tăng cường sự đa dạng quốc tế của hội đồng biên tập

Nhiệm vụ chính của hội đồng biên tập tạp chí là xác định/định hướng các chủ đề nội dung khoa học sẽ được trao đổi và thẩm định tính khoa học đối với các công trình sẽ được công bố. Một tạp chí khoa học có uy tín quốc tế, có tác động và vai trò quan trọng đối với cộng đồng khoa học trên thế giới cần phải được một đội ngũ các nhà khoa học có uy tín thuộc những quốc gia khác nhau trực tiếp tham gia vào công việc xác định các chủ đề nội dung cần trao đổi cũng như thẩm định và đánh giá bản thảo các công trình nghiên cứu để có thể đủ cơ sở khoa học cho việc phổ biến rộng rãi. Thông thường các tạp chí có uy tín trên thế giới đều xây dựng, tổ chức và duy trì một đội ngũ các nhà khoa học có uy tín tại nhiều cộng đồng khoa học khác nhau trên thế giới tham gia vào hội đồng biên tập.

Mở rộng tính đa dạng quốc tế của đội ngũ tác giả

Việc một tạp chí khoa học (nhất là tại các nước đang phát triển) thường xuyên công bố công trình của các tác giả nước ngoài chứng tỏ tạp chí đó đã trở thành diễn đàn đối với các nhà khoa học ở nước ngoài, phạm vi ảnh hưởng của tạp chí đã vượt ra ngoài lãnh thổ của quốc gia đó. Mặt khác, cũng nhờ việc công bố các công trình khoa học của các tác giả nước ngoài mà cơ hội tiếp nhận những thông tin và thành tựu nghiên cứu mới, quá trình giao lưu khoa học trên phạm vi khu vực và quốc tế đối với các nhà khoa học bản địa trở nên sâu sắc và bền vững hơn. Khi một nhà khoa học nước ngoài chủ động liên hệ và thường xuyên gửi bài đăng trên tạp chí là cơ sở để khẳng định tạp chí đã trở thành diễn đàn của giới khoa học trên thế giới.

Hai yếu tố: Tính đa dạng quốc tế của hội đồng biên tập và tính đa dạng quốc tế của đội ngũ tác giả là vô cùng quan trọng, trực tiếp quyết định chất lượng khoa học của các công trình được công bố và chất lượng khoa học của tạp chí.

Tăng số lượng trích dẫn của tạp chí

Một tạp chí được trích dẫn nhiều lần luôn được đánh giá là có chất lượng và uy tín cao. Bởi vậy các thống kê về số lượt trích dẫn đến tạp chí (tạm gọi là số lượt trích dẫn) là tham biến quan trọng:

Cách tính hệ số trích dẫn trong các cơ sở dữ liệu quốc tế uy tín: WoS sử dụng chỉ số IF (Impact factor, chỉ số ảnh hưởng), trong khí đó, Scopus dùng chỉ số CiteScore (điểm trích dẫn). Như vậy IF và CiteScore đều là 2 chỉ số có bản chất như nhau để đo mức độ ảnh hưởng của tạp chí thông qua số lượng trích dẫn; là số trích dẫn trung bình tính trên 1 bài báo của tạp chí trong 1 khoảng thời gian xác định (lấy tổng số trích dẫn của các bài báo của tạp chí chia cho tổng số bài báo trong khoảng thời gian tính). Khi so sánh giữa các tạp chí trong cùng danh mục, tạp chí nào có IF hay CiteScore càng lớn thì ảnh hưởng hay uy tín càng cao. Ngoài ra, hiện nay có Scimago Journal & Country Rank là một cơ sở dữ liệu trực tuyến chứa thông tin về các tạp chí khoa học của các quốc gia.

Tại Việt Nam, các tham số để xếp hạng, đánh giá, phân loại, và so sánh các tạp chí đã được HĐGSNN Việt Nam công nhận và cho điểm tương ứng với cách đánh giá và xếp hạng Tạp chí do các Hệ thống trích dẫn uy tín trên công nhận.

Nâng cao mức đánh giá cho các bài báo tốt đăng trên các tạp chí khoa học trong nước

Hội đồng Giáo sư nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khuyến khích, đánh giá cao các kết quả nghiên cứu tốt được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước. Cụ thể là trong các tiêu chí xét duyệt chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư và quá trình đánh giá, xét tốt nghiệp nghiên cứu sinh.

Hỗ trợ kinh phí cho các bài báo chất lượng tốt đăng trên tạp chí khoa học trong nước

Thực tế là số công trình nghiên cứu của Việt Nam đăng trên các tạp chí nước ngoài tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Phần lớn các tác giả phải trả một lượng kinh phí không nhỏ để đăng bài trên tạp chí nước ngoài, nếu đăng trên tạp chí trong nước thì gần như không mất phí. Xét theo một khía cạnh nào đó, thì chúng ta đang vừa chuyển tiền ra nước ngoài và vừa hạn chế sự phát triển của tạp chí trong nước. Vậy chúng ta cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, kinh phí công bố kết quả nghiên cứu nhưng kinh phí đó phải được quay lại phát triển tạp chí khoa học của Việt Nam, để đến một tương lại không xa, các tạp chí khoa học trong nước đủ mạnh và uy tín, cùng tham gia một sân chơi chung với các tạp chí chất lượng cao trên thế giới.

ThS. Hoàng Thị Thu Hằng, Tạp chí An toàn thông tin

Tin cùng chuyên mục

Tin mới