Cơ hội, thách thức và giải pháp đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Một số nét về CMCN 4.0
CMCN 4.0 kế thừa những thành tựu lớn của cách mạng công nghiệp lần 3 để lại, hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), SMAC (Nền tảng công nghệ phát triển thông minh bao gồm Social, Media, Mobile, Analytics, Cloud), công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới....
CMCN 4.0 bao gồm các xu hướng hiện thời của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất như: hệ thống thực - ảo (cyber-physical system - CPS), IoT, điện toán đám mây và điện toán nhận thức (cognitive computing).
CMCN 4.0 tạo ra những nhà máy thông minh (smart factory). Trong các nhà máy thông minh với cấu trúc kiểu môđun, hệ thống thực - ảo giám sát các quy trình thực tế, tạo ra một bản sao ảo của thế giới thực và đưa ra các quyết định phân tán. Qua IoT, các hệ thống thực - ảo giao tiếp, cộng tác với nhau, với con người trong thời gian thực, cùng với sự hỗ trợ của Internet dịch vụ (Internet of Services), dịch vụ nội hàm và dịch vụ phối hợp giữa các tổ chức được cung cấp cho các bên tham gia chuỗi giá trị sử dụng.
Ba trụ cột quan trọng để phát triển công nghiệp 4.0 là: công nghệ vật lý, công nghệ số và công nghệ sinh học. Trong đó, công nghệ số liên quan đến rất nhiều ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, học máy, điện toán đám mây, blockchain.…
CMCN 4.0 là môi trường thông minh, có kết nối Internet, có tập hợp dữ liệu lớn, với những đặc điểm như: Tốc độ thay đổi nhanh chóng; Tác động rộng và sâu (mọi mặt cuộc sống và mọi chủ thể -cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, quốc gia và toàn cầu); Kết nối, chia sẻ dữ liệu là nhân tố chính; Có tác động tích cực về lâu dài nhưng tiêu cực trong ngắn hạn; Kết hợp nhiều công nghệ, hoạt động khác nhau; Kết nối giữa thực và ảo; Thay đổi dòng (flows) thông tin - dữ liệu, tri thức, vai trò của doanh nghiệp và cá nhân.
Cơ hội và thách thức về an toàn thông tin đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0
Đối với hoạt động ngân hàng Việt Nam nói chung, CMCN 4.0 sẽ mang lại cơ hội cho việc ứng dụng công nghệ quản trị thông minh bằng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa trong quy trình nghiệp vụ; đẩy nhanh tiến trình hướng tới mô hình chuẩn trong tương lai, trong đó bao gồm hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Đồng thời, những tiến bộ từ cuộc CMCN 4.0 là động lực giúp các ngân hàng trong nước phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Một số ảnh hưởng của CMCN 4.0 như Internet, điện toán đám mây, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn (big data), IoT,… sẽ giúp các ngân hàng thương mại trong nước định hình lại mô hình kinh doanh, quản trị, thanh toán điện tử, hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số thông minh trong tương lai.
Hình 1. Dự báo số người dùng dịch vụ ngân hàng số tại Châu Á (theo McKinsey 2015) (đơn vị tính: triệu người)
Công nghệ số sẽ góp phần thay đổi dịch vụ, doanh thu và hiệu quả kinh doanh. Đến năm 2018, việc kinh doanh sử dụng công nghệ số sẽ đóng góp 44% doanh thu ngân hàng (so với mức 32% năm 2014 theo Tập đoàn BamBoo Capital). Đến năm 2020, tài sản do các chuyên gia tư vấn trực tuyến tự động (robo-adviser) quản lý sẽ tăng 68%/năm, lên đến 2.200 tỷ USD (theo công ty tư vấn kinh doanh AT Kearney 2015); 60% đầu tư công nghệ thông tin (CNTT) sẽ dành cho điện toán đám mây (theo IDC 2015). Bên cạnh đó, việc lưu trữ dữ liệu lớn và phân tích kinh doanh (business analytics) sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng tạo ra một số thách thức đối với lĩnh vực thanh toán và hoàn thiện hành lang pháp lý, phục vụ hoạt động thanh toán điện tử. Trong đó, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các dịch vụ, phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới, hiện đại, tiền ảo, thẻ ảo, tiền điện tử,… là những vấn đề mới và phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế và sự phát triển nhanh chóng của CNTT và viễn thông.
Riêng đối với các tổ chức tín dụng, thách thức còn tồn tại là việc mô hình kinh doanh, quản trị và thanh toán có thể cần được xem xét lại để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh trí tuệ nhân tạo (AI), mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy, ngân hàng số, thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tối đa hóa trải nghiệm của khách hàng trong lĩnh vực thanh toán để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng trong thời đại CMCN 4.0.
Đặc biệt, sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số cũng kéo theo sự gia tăng lỗ hổng bảo mật, khiến tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng thường xuyên. Đối với lĩnh vực thanh toán, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán thẻ qua POS, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Do vậy, thách thức cho toàn bộ ngành Ngân hàng Việt Nam nói chung và cho lĩnh vực thanh toán nói riêng trong bối cảnh CMCN 4.0 chính là vấn đề an toàn cho hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán, vấn đề bảo mật thông tin và vấn đề về các loại tội phạm công nghệ cao, cũng như thách thức về trình độ, năng lực, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ CNTT.
Năm 2016, công ty tư vấn và phân tích thị trường ORC (Mỹ) đã tiến hành khảo sát 568 đơn vị tại 74 quốc gia. Kết quả cho thấy, 10 nguy cơ hàng đầu đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng bao gồm: tấn công mạng, lỗ hổng dữ liệu, cắt điện thiết bị CNTT không theo kế hoạch, khủng bố, sự cố gây mất an toàn thông tin, gián đoạn cung cấp tiện ích, gián đoạn chuỗi cung ứng, thời tiết bất lợi, thiếu cán bộ có tay nghề và an toàn và sức khỏe.
Bảng 1. Tình hình triển khai ngân hàng số tại Việt Nam
Về tài chính số tại Việt Nam, qua khảo sát kết quả cho thấy, từ 2014 - 2017, có khoảng 15 - 20 ngân hàng đã triển khai ngân hàng số (Bảng 1). Từ năm 2008, ngân hàng Nhà nước cho thí điểm ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính FINTECH (Financial Technology), cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, đến nay, đã có khoảng 40 công ty fintech hoạt động, chủ yếu cung cấp dịch vụ thanh toán. Việc thanh toán qua mã QR gia tăng nhanh chóng, từ đầu năm 2017 đến hết tháng 9/2017, thanh toán qua mã QR đã tăng 120%. Dự báo đến hết năm 2018, sẽ có 50.000 điểm thanh toán qua mã QR, so với 5.000 vào tháng 9/2017.
Trước những thách thức trong CMCN 4.0, hệ thống các ngân hàng Việt Nam cần có một thế hệ nhân viên mới am hiểu công nghệ, có khả năng đa nhiệm, tự tin, độc lập và học hỏi cầu tiến.
Giải pháp đối với hệ thống ngân hàng
Để tận dụng ưu thế và hạn chế những tác động tiêu cực của CMCN 4.0 đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng Việt Nam thời gian tới, các giải pháp cần được tập trung thực hiện bao gồm:
Một là, đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng các công nghệ hiện đại thông qua việc xây dựng và hoạch định chiến lược về phát triển CNTT của khu vực tài chính, ngân hàng. Trong đó, nhiệm vụ xuyên suốt là nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại của CMCN 4.0.
Hai là, các tổ chức tài chính nói riêng và các định chế tài chính nói chung cần tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, hỗ trợ cho sự phát triển của toàn hệ thống.
Ba là, tăng cường ứng dụng chuỗi cung ứng thông minh. CMCN 4.0 sẽ tạo ra một mô hình chuỗi cung ứng mới gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của khách hàng. Do đó, chuỗi cung ứng mới này sẽ tạo ra một cơ sở dữ liệu duy nhất, làm cho chuỗi cung ứng thông minh, minh bạch và hiệu quả hơn ở mọi giai đoạn, từ khi phát sinh nhu cầu cho đến khi bàn giao dịch vụ, sản phẩm. Như vậy, đứng trước kỷ nguyên CMCN 4.0, các ngân hàng trong nước cần tìm kiếm những giải pháp toàn diện cho dịch vụ tài chính, ngân hàng thông qua sử dụng các dữ liệu thông minh và hợp tác với nhiều ngành kinh doanh.
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện chiến lược tài chính toàn diện, trong đó nhấn mạnh vai trò ứng dụng CNTT, khuyến khích sự phát triển hợp tác giữa ngân hàng và các công ty tài chính công nghệ fintech; Thúc đẩy hệ sinh thái fintech phát triển, trở thành một phần của hệ sinh thái trong chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại.
Năm là, chú trọng quản lý an ninh mạng. CMCN 4.0 đã đẩy cao mức độ chia sẻ thông tin, từ đó tạo ra một nhu cầu rất lớn về bảo mật và an toàn thông tin. Theo đó, các ngân hàng và các định chế tài chính cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu (khôi phục dữ liệu sau thảm họa); Nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao; Đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động (nếu có) được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài.
Sáu là, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành tài chính, ngân hàng. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, tăng khả năng ứng dụng CNTT. Việc đào tạo, quan tâm tới chất lượng nguồn nhân lực công nghệ cao được thực hiện trên toàn hệ thống tài chính.
Bảy là, cần tham gia xây dựng khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh cho việc triển khai và phát triển ngân hàng số.
TS. Cấn Văn Lực, Ngân hàng BIDV