Ban Cơ yếu Chính phủ: Tăng cường quản lý nhà nước về mật mã dân sự

09:25 | 09/01/2015 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Để tăng cường triển khai thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về mật mã dân sự, Nghị định của Chính phủ đã quy định thành lập Cục quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã là tổ chức trực thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.

Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang tích cực phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng vào các hoạt động kinh tế - xã hội.  Trong bối cảnh đó, một yêu cầu cấp thiết đặt ra là vấn đề bảo đảm bí mật và an toàn thông tin và tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đặc biệt là quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Nhiệm vụ này đã được giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ và được quy định trong Nghị định số 73/2007/NĐ-CP, ngày 08/5/2007 của Chính phủ về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước. 

Đôi nét về hoạt động mật mã dân sự
Tại nhiều nước trên thế giới, chính sách quản lý mật mã dân sự được xây dựng nhằm khuyến khích sử dụng mật mã theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn dữ liệu và bảo vệ bí mật riêng tư, hỗ trợ cho thương mại điện tử và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Các quốc gia thường có các chính sách quản lý về mật mã khác nhau hoặc dựa trên một chính sách chung cho nhóm tổ chức các nước mà quốc gia đó tham gia như OECD hay Công ước Wassenaar Arrangement/COCOM. Một số quốc gia nghiêm cấm việc xuất khẩu các sản phẩm phần mềm mật mã, các thuật toán mã hóa hoặc các phương pháp thám mã. Một số nước khác yêu cầu có giấy phép đối với việc xuất khẩu các phần mềm mã hóa. Các vấn đề liên quan đến chính sách quản lý về mật mã thường tập trung vào các nhóm: Nghiên cứu, phát triển, xuất, nhập khẩu mật mã, sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã, sử dụng sản phẩm mật mã, đánh giá sự phù hợp và hợp tác quốc tế. 

Hiện nay, phần lớn các nước phát triển đều có cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về mật mã dân sự. Cơ quan này có trách nhiệm cấp phép hoạt động kinh doanh; cấp chứng nhận cho các sản phẩm, dịch vụ; tổ chức kiểm định sản phẩm mật mã... dựa trên  hệ thống các văn bản quản lý, chính sách, hệ thống tiêu chuẩn chất lượng…. Tuy mức độ và phương thức quản lý có những điểm khác nhau, nhưng các quốc gia trên thế giới đều thống nhất quan điểm phải kiểm soát việc sử dụng mật mã nhằm bảo vệ lợi ích  của nhà nước, của công dân và  đảm bảo an ninh quốc gia.

Tại Việt Nam, từ thực trạng ứng dụng CNTT - TT cho thấy, nhu cầu phát triển và sử dụng các sản phẩm mật mã, an toàn thông tin ngày càng tăng, cả về quy mô, số lượng, chủng loại. Sản phẩm mật mã không chỉ sử dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước mà còn được sử dụng  ngày càng rộng rãi để bảo vệ thông tin trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã cũng không ngừng tăng lên, hình thức kinh doanh ngày càng đa dạng như: sản xuất, lắp ráp, xuất khẩu, nhập khẩu.... Nhiều công ty, tập đoàn kinh tế lớn ở Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông... đã sử dụng các sản phẩm mật mã để bảo mật thông tin. Tuy nhiên, các sản phẩm mật mã đang sử dụng trên thị trường Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài.

Qua khảo sát, Việt Nam hiện có hơn 100 công ty hiện đang kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, trong đó có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT - TT. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng đã tiến hành các hoạt động đầu tư, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ sản xuất và kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự. Thời gian vừa qua, một số tổ chức, doanh nghiệp đã được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự trên thị trường Việt Nam. 

Tăng cường quản lý nhà nước về mật mã dân sự
Thực trạng về sản xuất, kinh doanh và sử dụng MMDS cho thấy, việc tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với mật mã dân sự đang trở nên cấp bách. Nội dung quản lý được thể hiện trên các mặt: xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển khoa học -  công nghệ mật mã phục vụ mục đích dân sự; xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và quản lý, hướng dẫn, thực hiện việc cấp phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự; đánh giá và chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự; quản lý an toàn, an ninh trong sử dụng sản phẩm, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực mật mã dân sự…. Các hoạt động này được triển khai trên cơ sở nền tảng là chính sách quản lý nhà nước đối với mật mã dân sự.

Từ năm 2007, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động mật mã dân sự đã được thể hiện trong các văn bản pháp luật (Nghị định 73/2007/NĐ-CP), bao gồm: 

- Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý nhà nước về hoạt động trong lĩnh vực mật mã dân sự.

- Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ phục vụ hoạt động trong lĩnh vực mật mã dân sự.

- Khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm mật mã dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu mật mã dân sự; sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm mật mã dân sự theo quy định của pháp luật.

- Khuyến khích mở rộng hợp tác quốc tế về lĩnh vực mật mã dân sự.

Việc hiện thực hóa chính sách của Nhà nước về mật mã dân sự cần được thể hiện qua  những nội dung chính sau:

- Về pháp lý: Nghiên cứu, xây dựng bổ sung và hoàn thiện một số văn bản luật và dưới luật quy định về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Hoàn thiện hệ thống pháp lý về hoạt động đánh giá, kiểm định sản phẩm mật mã dân sự. Tiếp tục nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mật mã dân sự.... Nghiên cứu ban hành các quy định về quản lý phí, lệ phí cho hoạt động quản lý cấp phép sản xuất, kinh doanh và cấp chứng nhận sản phẩm mật mã dân sự.

- Về cơ sở hạ tầng: Xây dựng cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc điều hành, quản lý, giám sát, đánh giá, kiểm định, cấp chứng nhận sản phẩm mật mã dân sự; Triển khai xây dựng chương trình phát triển mật mã dân sự; Đầu tư cho chương trình phát triển sản phẩm mật mã quốc gia; Trên cơ sở công nghệ tiên tiến, tiến hành triển khai một số dự án phần mềm và phần cứng để đảm bảo cung cấp các sản phẩm mật mã phục vụ an toàn, bảo mật thông tin trong lĩnh vực kinh tế xã hội....

- Về tổ chức và nguồn lực: Việc tổ chức quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước được xác định là rất phức tạp, đa dạng. Bởi vậy cần phải có những tổ chức chuyên trách, đội ngũ cán bộ đủ năng lực chuyên môn và năng lực quản lý. 

Thực hiện trách nhiệm được giao, trong thời gian qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ mật mã, xây dựng cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng và nâng cao trình độ nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác quốc tế. Đứng trước tình hình mới, Ban Cơ yếu Chính phủ đang tập trung triển khai những nội dung quản lý nhà nước về mật mã dân sự và đầu tư xây dựng tổ chức, nhân lực của cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới