Ban Cơ yếu Chính phủ góp phần xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia

12:00 | 26/09/2022 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Trong những năm qua Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng chuyển đổi số và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập sâu sắc về chuyển đổi số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược, trong đó có nội dung: “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Ngày 07/3/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đây là Nghị quyết quan trọng làm tiền đề cho công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia.

Với tinh thần chuyển đổi số một cách toàn diện, với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và nhà nước nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Có thể nhận thấy, trong các Chiến lược và Chương trình về chuyển đối số của Việt Nam thì việc sử dụng các nền tảng số được xác định là giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ quá trình này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, hiện tại và trong tương lai, tất cả các hoạt động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân đều sẽ được đưa lên không gian số. Các nền tảng số cũng ngày càng phát sinh lượng lớn dữ liệu quan trọng như thông tin cá nhân người dùng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay tài liệu của cơ quan nhà nước… Cũng từ đó nhu cầu bảo mật, an toàn thông tin cho các dữ liệu này đã trở thành yếu tố sống còn của các nền tảng số và của cả chính phủ số, nền kinh tế số.

Trong các hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, dù trên môi trường giấy tờ hay môi trường số, Ban Cơ yếu Chính phủ (CYCP) đều phải đảm bảo an toàn, bảo mật, xác thực cho những dữ liệu quan trọng này. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại các văn bản quy phạm pháp luật, hiện nay Ban CYCP tập trung vào 04 nhiệm vụ chính: (1) Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, bảo đảm tuyệt đối bí mật nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang trong mọi tình huống; (2) Triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cho việc triển khai Chính phủ điện tử và các hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước; (3) Triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; (4) Quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Đối với các nhiệm vụ được giao, để đảm bảo an toàn, xác thực, bảo mật trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Ban CYCP đã triển khai thực hiện và đạt được nhiều thành quả quan trọng.

TRIỂN KHAI XÁC THỰC, BẢO MẬT THÔNG TIN CHO HỆ THỐNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ VÀ SẢN XUẤT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN CÓ GẮN CHIP ĐIỆN TỬ, HỘ CHIẾU CÓ GẮN CHIP ĐIỆN TỬ

Ban CYCP đã phối hợp với Bộ Công an xây dựng và triển khai các giải pháp bảo mật, xác thực cho Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư:

Toàn bộ dữ liệu công dân được thu thập, cập nhật, sửa đổi, truyền nhận trên hệ thống mạng công nghệ thông tin đều được mã hóa bảo mật và xác thực, đảm bảo tính toàn vẹn, chính xác. Toàn bộ các cá nhân, tổ chức tham gia vào vận hành, quản lý, nhập liệu, thêm, sửa, xóa dữ liệu trong CSDLQG về dân cư đều được xác thực định danh sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Đây là mức xác thực định danh mức độ an toàn cao nhất (hiện nay, khoảng 40 nghìn cá nhân, tổ chức đã được cấp phát chứng thư số để đăng nhập vào hệ thống CSDLQG về dân cư). Các cán bộ công an thực hiện thu thập dữ liệu, cập nhật, sửa đổi dữ liệu, phải ký số các dữ liệu thu thập hoặc sửa đổi để đảm bảo tính xác thực, toàn vẹn, chống chối bỏ.

Khi cập nhật dữ liệu thu thập hoặc sửa đổi, hệ thống sẽ kiểm tra chữ ký số trên dữ liệu để xác thực tính toàn vẹn, chống chối bỏ của dữ liệu, đảm bảo an toàn, xác thực thực dữ liệu. Đây là giải pháp rất quan trọng để chống lại việc sửa đổi dữ liệu trái phép trên hệ thống CSDLQG về dân cư.

Sử dụng thiết bị di động để kiểm tra dữ liệu, cập nhật, sửa đổi dữ liệu của dân cư, đây là giải pháp mang tính đột phá của Bộ Công an để có thể nhanh chóng cập nhật dữ liệu trên hệ thống CSDLQG về dân cư, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh, an toàn. Chính vậy, các chuyên gia của Ban CYCP đã phối hợp xây dựng giải pháp đảm bảo an toàn cho thiết bị di động sử dụng trong hệ thống CSDLQG về dân cư. Cụ thể, các thiết bị di động sẽ được cá thể hóa với hệ điều hành riêng, kết nối có bảo mật đến hệ thống CSDLQG về dân cư bằng mạng riêng; Sử dụng SIM PKI do Ban CYCP cung cấp để thực hiện xác thực đăng nhập, ký số dữ liệu gửi về hệ thống CSDLQG về dân cư. 

Đối với Dự án sản xuất thẻ Căn cước công dân (CCCD) điện tử có gắn chip, Ban CYCP đã triển khai sản xuất, cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng thư số theo phục vụ CSDLQG về dân cư; thiết lập, quản lý, vận hành hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất gần 70 triệu CCCD gắn chip điện tử đảm bảo an toàn, liên tục. Dữ liệu cá nhân của thẻ CCCD gắn chip được ký số và lưu trữ trên chip điện tử để đảm bảo an toàn, xác thực.

Đối với Dự án sản xuất Hộ chiếu có gắn chip điện tử, theo quy định tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Ban CYCP đã nâng cấp, mở rộng hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ để phục vụ triển khai Hộ chiếu có gắn chip điện tử. Hiện nay, Ban CYCP đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng/Bộ Quốc phòng để triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ sản xuất và kiểm tra Hộ chiếu có gắn chip điện tử.

TRIỂN KHAI HỆ THỐNG CHỨNG THỰC CHỮ KÝ SỐ CHUYÊN DÙNG CHÍNH PHỦ

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 Ban CYCP đã tích cực, chủ động trong việc bảo đảm cung cấp, triển khai chữ ký chuyên dùng Chính phủ phục vụ các bộ, ngành, địa phương, góp phần tích cực trong việc cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử. Đến nay, Ban CYCP đã cấp phát gần 600 nghìn chứng thư số. Trong đó, đối với cơ quan cấp bộ, ngành, địa phương đã cấp 93/93 (đạt 100%) chứng thư số cho tổ chức và 405/431 (đạt 94%) chứng thư số cho lãnh đạo; đối với cấp vụ, cục, sở và tương đương đã cấp 5.192/5.318 (đạt 97,6 %) chứng thư số cho tổ chức và 18.113/18.391 (đạt 98,5%) chứng thư số cho lãnh đạo; đối với cấp xã, phường và tương đương đã cấp 10.452/10.614 (đạt 98,4%) chứng thư số cho tổ chức và 22.390/37.149 (đạt 60,2%) chứng thư số cho lãnh đạo.

Trong đó, đối với các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Ban CYCP đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ các cơ quan nhà nước xác thực định danh và ký số dữ liệu. Từ khi triển khai đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.680 DVCTT mức độ 3, 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký; hơn 473 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 1 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,2 nghìn tỷ đồng.

Để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; trong đó, Ban CYCP có nhiệm vụ đảm bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan bộ, ngành, địa phương; hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng ký số dữ liệu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa, cấp đủ 100% chứng thư số cho cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp liên quan đến số hóa 25 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022.

PHỐI HỢP VỚI VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ TRIỂN KHAI CÁC ỨNG DỤNG QUY MÔ QUỐC GIA

Tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ bảo mật và ký số văn bản điện tử: Trong 06 tháng đầu năm 2022, số lượng văn bản điện tử có chữ ký số gửi, nhận trên Trục là trên 3,7 triệu văn bản, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, Hệ thống có tổng số hơn 12,8 triệu văn bản điện tử có chữ ký số được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Tích hợp dịch vụ ký số trên thiết bị di động vào Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet): Trong 06 tháng đầu năm 2022, Hệ thống đã phục vụ 11 phiên họp Chính phủ và xử lý 204 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 71 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy). Đến nay, Hệ thống đã phục vụ 54 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.208 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 431 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy);

Tích hợp dịch vụ ký số vào Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Đến nay, Hệ thống đã kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, CSDL có chức năng báo cáo của 15 bộ, cơ quan và 59 địa phương; đã cung cấp thông tin, dữ liệu của 15/151 chế độ báo cáo trên Hệ thống; 152/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và 04/12 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 Quốc hội giao Chính phủ được cung cấp trên Hệ thống;

CHUYỂN ĐỔI SỐ HỖ TRỢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19

Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát phức tạp lại là cơ hội rất lớn cho chuyển đổi số, các cơ quan nhà nước triển khai làm việc từ xa, văn bản điện tử có chữ ký số được sử dụng thường xuyên từ cấp Trung ương đến cấp Xã. Ban CYCP đã nỗ lực triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để phục vụ các cơ quan Bộ, ngành, địa phương làm việc từ xa, phòng chống dịch. Trong thời gian này, Ban CYCP đã triển khai các giải pháp bảo mật, xác thực cho các máy tính cá nhân để các cán bộ, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ có thể làm việc từ xa, trong thời gian giãn cách, phòng chống dịch COVID-19. Ngoài ra, Ban CYCP cũng đã phối hợp với Bộ Y tế triển khai dịch vụ ký số để ký số phát hành Hộ chiếu vaccine, đến nay cả nước mới có khoảng 42 triệu người có hộ chiếu vaccine.

GIÁM SÁT, BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Trong thời gian vừa qua, Ban CYCP đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp: đánh giá an toàn thông tin, giám sát an toàn thông tin và ứng cứu các sự cố an toàn thông tin cho các hệ thống mạng công nghệ thông tin trọng yếu của Đảng và Nhà nước. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Hệ thống giám sát an toàn thông tin của Ban CYCP đã kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý, ngăn chặn gần 900 nghìn nguy cơ tấn công mạng vào các hệ thống mạng công nghệ thông tin của các cơ quan Đảng, Chính phủ.

Trong đó, gần 800 nghìn các cuộc tấn công mạng khai thác lỗ hổng bảo mật; hơn 34 nghìn các cuộc tấn công mạng liên quan đến các hình thức truy cập trái phép; hơn nữa số lượng tấn công liên quan đến mã độc lên đến hơn 21 nghìn cuộc tấn công. Đặc biệt, đã phát hiện hơn 927 tấn công từ chối dịch vụ và gần 8 nghìn loại hình tấn công khác. Đây là những hình thức tấn công tinh vi, phức tạp, khó phát hiện và có khả năng gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho các hệ thống công nghệ thông tin trọng yếu.

Để đảm bảo giám sát an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng của Chính phủ, hiện nay, Ban CYCP đang triển khai dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, giải pháp công nghệ phục vụ giám sát an toàn thông tin cho Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ quản lý.

Trải qua hơn 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ngành Cơ yếu Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Trong tình hình mới với sự phát triển của khoa học công nghệ, định hướng chiến lược của Chính phủ trong xây dựng và phát triển Chính phủ số, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên mọi lĩnh vực, ngành Cơ yếu đã có những thay đổi kịp thời để đáp ứng các yêu cầu mới, chuyển dịch hoạt động bảo đảm an toàn, xác thực, bảo mật thông tin trên môi trường số, sẵn sàng ứng phó với các tình huống chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền của Việt Nam trên không gian mạng.

Lê Quang Tùng (Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới