Huawei: Những mục tiêu phát triển trái chiều hay đồng thuận?
Giới thiệu về công ty Huawei
Công ty Hoa Vị (Huawei) có tên đầy đủ là Công ty trách nhiệm hữu hạn kỹ thuật Hoa Vị và là một tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông được thành lập ngày 15/9/1987, có trụ sở tại Thẩm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Từ năm 2018, Huawei là nhà sản xuất điện thoại thông minh đứng thứ hai trên thế giới, vượt Apple và chỉ đứng sau Samsung. Bên cạnh đó, Huawei cũng là nhà cung cấp hệ thống truyền tải mạng không dây lớn nhất thế giới, vượt trên cả Ericsson và Nokia. Công ty này hiện là doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất Trung Quốc (doanh thu năm 2017 là 92 tỷ USD với lợi nhuận kinh doanh là 8,6 tỷ USD) với doanh số gấp hơn 5 lần ZTE và cũng đang là công ty có lượng hàng hóa xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Giám đốc điều hành đồng thời là Nhà sáng lập (từ năm 1988) là ông Nhậm Chính Phi, từng là một kỹ sư của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, ông Nhậm được cho là người đã xây dựng lên hệ thống truyền thông liên lạc trong giới quân sự trước khi tách ra để thành lập hãng điện tử vào năm 1987. Bản thân ông có quan hệ gần gũi với Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc. Tài sản của ông ước tính vào khoảng 3,5 tỷ USD.
Tính đến tháng 9/2015, Huawei có hơn 170 nghìn nhân viên với khoảng 76 nghìn người tham gia vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong 21 viện nghiên cứu tại Trung Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Pakistan, Phần Lan, Pháp, Bỉ, Đức, Colombia, Thụy Điển, Ireland, Ấn Độ, Nga, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Các sản phẩm của công ty này được triển khai tại hơn 170 quốc gia.
Những mục tiêu phát triển: thuận lợi và thách thức
Trung Quốc dưới thời ông Đặng Tiểu Bình đã tiến hành hiện đại hóa đất nước với mục tiêu thận trọng “Bình tĩnh quan sát, lặng lẽ chờ thời, kiên quyết không đi đầu, giải quyết từng việc” để tránh trở thành đối thủ bất đắc dĩ của các cường quốc công nghiệp. Đến thời “Made in China 2025” thì ông Tập Cận Bình hướng đến 10 lĩnh vực phát triển công nghiệp, trong đó có phần mềm và công nghệ thông tin, thiết bị viễn thông thế hệ mới mà tiềm ẩn trong đó là vấn đề bảo mật và an toàn thông tin.
Những ngành công nghiệp kể trên đều có thể được nhận hỗ trợ từ chính phủ bằng những khoản vay lãi suất thấp, miễn phí thuê đất đai và thậm chí là miễn thuế nhằm đánh bại các đối thủ cạnh tranh trên thế giới trong những lĩnh vực này. Những kế hoạch này không chỉ nhắm đến việc đưa các nhà sản xuất nội địa thống trị thị trường trong nước, mà nhắm tới việc đưa Trung Quốc thống trị toàn thế giới. Có nguồn tin cho biết, để biến Trung Quốc thành siêu cường quốc chế tạo trên thế giới, chính phủ Trung Quốc đã không ngần ngại đổ vào dự án này khoảng 300 tỷ USD.
Ngoài trợ cấp nhà nước, chính phủ Trung Quốc cũng sử dụng nguồn lực nhà nước giúp các công ty Trung Quốc thu mua công nghệ và các ngành công nghiệp sản xuất chiến lược của nước ngoài, dùng nhu cầu tiếp cận thị trường Trung Quốc để ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, thậm chí dùng cả cơ quan tình báo quốc gia tham gia hoạt động gián điệp thương mại. Huawei là công ty đứng đầu trong danh sách được quan tâm và hưởng lợi của Chính phủ Trung Quốc và đương nhiên cũng cần thực thi các nhiệm vụ mà Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng.
Kế hoạch “Made in China 2025” đã đẩy Trung Quốc rơi vào thế đối đầu về kinh tế mậu dịch không công bằng với Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây. Hơn thế nữa, nó còn động chạm đến an ninh và chiến lược của Mỹ, vì phần lớn trong số 10 lĩnh vực phát triển công nghiệp mà Trung Quốc lựa chọn đều là lĩnh vực độc quyền của các công ty phương Tây, nhất là Hoa Kỳ. Do đó, kế hoạch này đã trở thành mối đe dọa với vị thế thống trị của Hoa Kỳ trong những ngành trên.
Huawei cũng là công ty đứng đầu danh sách hứng chịu cơn thịnh nộ của Tổng thống Donald Trump và các đồng minh thân cận, cụ thể là đối mặt với vấn đề bảo mật vô cùng phức tạp. Các sản phẩm của Huawei luôn bị gắn mác hiểm họa an ninh ở nhiều quốc gia. Tức là, trong các sản phẩm viễn thông tin học của Huawei được bán trên thị trường thế giới có chứa các cửa hậu giúp cho chính phủ Trung Quốc kiểm soát được từ xa và tiến hành hoạt động gián điệp tại các quốc gia, trong các mạng viễn thông tin học trọng yếu nơi cài đặt các sản phẩm này phục vụ cho các mục tiêu chính trị của chính phủ Trung Quốc. Hoa Kỳ thậm chí đã ban hành lệnh cấm vận và ngăn chặn toàn bộ giao dịch với công ty. Nhiều cường quốc phương Tây cũng làm theo cách của Hoa Kỳ cho dù họ chưa có cách nào để đưa ra bằng chứng về sự tồn tại các cửa hậu trong các sản phẩm viễn thông, tin học của Huawei.
Huawei, ở vào vị trí của mình cũng chưa đủ khả năng chứng minh rằng trong các sản phẩm viễn thông tin học mà họ xuất khẩu cho các cường quốc phương Tây (trong đó có Hoa Kỳ) là không chứa các cửa hậu như đã bị kết tội. Nếu Huawei giấu được các cửa hậu trong sản phẩm của mình thì họ chứng tỏ cho thế giới là trình độ bảo mật và an toàn thông tin của họ quá cao siêu cho dù họ đã phản bội niềm tin của các khách hàng. Trên thực tế, nhiều sản phẩm của Huawei còn tồn tại các lỗ hổng bảo mật có thể dễ dàng bị khai thác chưa hẳn đã là cửa hậu, mà có thể do Huawei chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo mật và an toàn thông tin sản phẩm.
Song thực tế, Huawei vẫn tồn tại và phát triển bất chấp sự tẩy chay sản phẩm của nhiều quốc gia lớn và mạnh trên thế giới (như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức và Australia). Vậy Huawei đã tồn tại và phát triển như thế nào trong cuộc “người xiếc đi trên dây” này? Hơn ai hết, Huawei đủ năng lực để hiểu rằng mình vừa phải đáp ứng các kỳ vọng của chính phủ Trung Quốc, đồng thời cũng phải thỏa mãn các yêu cầu niềm tin của những khách hàng để tồn tại và vươn lên các thứ bậc cao trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ cao của mình.
Vấn đề mâu thuẫn giữa các mục tiêu kinh doanh của công ty Huawei được dẫn về vấn đề “ai thắng ai” về trình độ bảo mật và an toàn, an ninh thông tin để có thể phát hiện ra các cửa hậu trong sản phẩm của Huawei nếu quả thực nó tồn tại, hoặc ngược lại là chứng minh rằng cửa hậu là không tồn tại nếu thực tế nó không tồn tại.
Những khuynh hướng và góc nhìn khoa học khách quan
Vậy trình độ an toàn an ninh thông tin cao trong công nghệ tin học và viễn thông là như thế nào để đủ khả năng phát hiện ra các cửa hậu được thiết lập trong các sản phẩm của Huawei, hoặc Huawei chứng minh rằng không tồn tại các cửa hậu trong sản phẩm của mình?
Trả lời khách quan cho các câu hỏi này chỉ có thể là phân tích thực trạng tình hình kỹ thuật của tất cả các lĩnh vực công nghệ phức tạp liên quan. Đó là vấn đề niềm tin và an toàn an ninh thông tin; Cơ sở tính toán tin cậy giữa các thành phần được đặt ra; Hiểu sâu về hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông ICT từ các thành phần phần cứng lên đến các phần mềm ứng dụng; Thậm chí là cả các hạ tầng và các hệ thống phân tán.
Phát triển các hệ thống ICT bao gồm phát triển phần cứng, phần mềm và cả việc duy trì và cập nhật an toàn, an ninh. Phát hiện ra các mã độc hại hay hành vi độc hại trong các hệ thống ICT bao gồm cơ sở nền tảng khoa học của hệ thống ICT; Kỹ nghệ dịch ngược mã chương trình; Phát hiện mã độc hại bằng các phương pháp tĩnh và các phương pháp động; Phương pháp hình thức phát hiện mã độc hại; Quản lý chất lượng và quản lý phần mềm bao gồm các phương pháp từ kiểm thử đến kiểm tra hình thức và thậm chí là thẩm duyệt mã chương trình. Kiểm tra sản phẩm có chứa các môđun không đáng tin cậy. Một hạ tầng quan trọng phải đảm bảo dù cho có nhiều thành phần không đáng tin cậy hoạt động vẫn không làm cho hạ tầng rơi vào thảm họa hoặc ít nhất không kiểm soát được hoạt động. Sử dụng công cụ mật mã để bảo vệ thông tin truyền trên các hệ thống ICT. Chính các sản phẩm mật mã tích hợp cũng cần được kiểm tra đánh giá.
Kết luận
Mặc dù những cáo buộc về nghi ngờ các sản phẩm tiềm ẩn hiểm họa về bảo mật, an toàn thông tin chống lại Huawei, nhưng các nhà chức trách vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể. Nếu các công ty viễn thông Trung Quốc nói chung và Huawei nói riêng là mối đe dọa đặc biệt đối với an ninh quốc gia thì tại sao Hoa Kỳ và các nước phương Tây không hành động mạnh tay hơn? Huawei vẫn tiếp tục con đường kinh doanh của mình, Hoa Kỳ và các cường quốc phương tây không ngừng tẩy chay sản phẩm của Huawei. Các quyết định của mỗi bên vẫn đến từ mục tiêu kinh tế hoặc chính trị đơn thuần mà chưa bao giờ được minh chứng bằng thực tế khoa học khách quan về bảo mật và an toàn thông tin. Có điều là để không bị thất bại một cách có bằng chứng rõ ràng trước đối thủ của mình, thì không bên nào được ngừng nghỉ nâng cao trình độ khoa học công nghệ an toàn, an ninh thông tin. Chính vì vậy mà cuộc chiến “ai thắng ai” một bên mua muốn tìm ra bằng chứng cửa hậu và bên bán muốn chứng minh không có cửa hậu ngày càng sâu sắc và chưa hứa hẹn hồi kết.
Trần Quang Kỳ