Hội nghị Hội đồng biên tập Tạp chí An toàn thông tin năm 2021
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí trong Hội đồng biên tập Ấn phẩm An toàn thông tin và Ấn phẩm Khoa học và công nghệ trong lĩnh vực an toàn thông tin; các cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí An toàn thông tin. Do phải thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh Covid, với các thành viên Hội đồng biên tập ngoài ngành Cơ yếu, Tạp chí An toàn thông tin đã gửi báo cáo và xin ý kiến góp ý qua email của Tạp chí.
Thiếu tướng Lê Xuân Trường, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng biên tập hai ấn phẩm của Tạp chí phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Hiện nay, các thách thức về chiến tranh thông tin, chiến tranh trên không gian mạng đang hiện hữu và ngày càng quyết liệt; tốc độ ứng dụng CMCN 4.0 và chuyển đổi số đang được đẩy nhanh áp dụng trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh kéo dài, nhu cầu làm việc từ xa tăng lên, kéo theo đó là tình trạng mất an toàn thông tin đang ngày một gia tăng. Do đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin càng trở nên cấp thiết với người dùng. Đặc biệt là trong giai đoạn các Ban, Bộ, ngành, tổ chức và doanh nghiệp đang triển khai mạnh mẽ chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số.
Tạp chí An toàn thông tin ra đời cách đây hơn 15 năm, là cơ quan báo chí duy nhất chuyên sâu tuyên truyền trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin. Đến nay, Tạp chí đã trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện với nhiều loại hình ấn phẩm khác nhau (Tạp chí in, Tạp chí điện tử, bản tin video), là cơ quan báo chí hàng đầu trong lĩnh vực bảo mật và ATTT tại Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của một cơ quan báo chí, truyền thông của Ban và ngành Cơ yếu, bảo đảm nhu cầu thông tin về bảo mật và ATTT của toàn hệ thống chính trị và xã hội, có khả năng hội nhập với hoạt động báo chí trong khu vực và quốc tế.
Các ấn phẩm của Tạp chí ngày càng được nâng cao chất lượng về nội dung, hình thức và mở rộng phát hành tới các cơ quan, đơn vị trong cả nước. Tạp chí An toàn thông tin điện tử luôn đưa thông tin nhanh chóng và kịp thời đến đông đảo độc giả; Ấn phẩm Chuyên san KHCN mang đến sự chuyên sâu trong học thuật và khoa học cho các cán bộ, chuyên gia....
Để đạt được những thành công như vậy, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí, Tạp chí đã luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, Hội đồng biên tập, các cơ quan đơn vị, cộng tác viên và đông đảo bạn đọc. Qua đó giúp Tạp chí An toàn thông tin ngày càng phát triển vững mạnh hơn.
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng biên tập đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng về định hướng phát triển của Tạp chí; công tác thẩm định, phản biện và đánh giá nội dung các bài gửi đăng Tạp chí; công tác biên tập nhằm nâng cao chất lượng bài viết, mở rộng phát hành tạp chí….
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thiếu tướng Lê Xuân Trường, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ biểu dương những thành tích mà Tạp chí An toàn thông tin đã đạt được trong bối cảnh tình hình an toàn, an ninh mạng ngày càng diễn biến phức tạp. Đồng chí nhấn mạnh vai trò của báo chí, truyền thông nói chung và của Tạp chí An toàn thông tin nói riêng trong bối cảnh hiện nay. Để phát huy vai trò, khẳng định vị thế của Tạp chí trong thời gian tới, Thiếu tướng Lê Xuân Trường đề nghị:
Thứ nhất, Tạp chí An toàn thông tin cần tiếp thu toàn bộ các ý kiến của các đồng chí trong Hội đồng biên tập; phối hợp chặt chẽ với các thành viên của Hội đồng, để lên kế hoạch nội dung, chủ đề cho từng số, từng giai đoạn của Tạp chí; tăng cường việc thẩm định, phản biện và đánh giá nội dung các bài gửi đăng, nhằm nâng cao chất lượng các ấn phẩm của Tạp chí.
Thứ hai, Tạp chí cần đưa ra yêu cầu cụ thể tranh thủ sự hỗ trợ của các thành viên, các nhà khoa học trong việc kết nối các cộng tác viên, nhà khoa học từ các đơn vị có chức năng nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành an toàn thông tin như Học viện Kỹ thuật mật mã, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Học viện Kỹ thuật quân sự; Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội... Từ đó, mở rộng mạng lưới liên kết khoa học trong và ngoài nước.
Thứ ba, Tạp chí cần chủ động tạo lập các nhóm trên mạng xã hội để tiện cho việc liên hệ, trao đổi giữa các thành viên trong hội đồng, nhưng phải đảm bảo an toàn thông tin. Giao Tạp chí là đầu mối của Ban Cơ yếu Chính phủ để Phối hợp, đồng tổ chức các sự kiện, hội thảo khoa học về lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin để mở rộng mạng lưới cộng tác viên, tăng cường các bài chuyên sâu, bài báo khoa học cho các ấn phẩm.
Thứ tư, Tạp chí cần không ngừng nâng cao chất lượng các ấn phẩm. Đặc biệt cần nghiên cứu đề xuất tăng kỳ xuất bản ấn phẩm Khoa học - Công nghệ trong lĩnh vực An toàn thông tin. Phấn đấu đến năm 2023, Ấn phẩm Khoa học - Công nghệ được nâng điểm công trình khoa học lên 0,75 - 1 điểm trong 02 Hội đồng giáo sư chuyên ngành (Công nghệ thông tin và Hội đồng liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hoá).
Thứ năm, với các đồng chí trong Hội đồng biên tập hai ấn phẩm, cần phát huy vai trò, trách nhiệm và có nhiều đóng góp thiết thực, cụ thể đối với sự phát triển của Tạp chí An toàn thông tin.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Ban Cơ yếu Chính phủ
Trong thời gian tới, Chính phủ điện tử, chuyển đổi số và các thành tựu của CMCN 4.0 tiếp tục được đặc biệt quan tâm. Việc đảm bảo an toàn, bảo mật trên không gian mạng, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, chiến tranh mạng, lực lượng tác chiến không gian mạng vẫn luôn được ưu tiên hàng đầu. Do đó, nhu cầu và trách nhiệm truyền thông tới các Bộ, ngành, địa phương và xã hội về chức năng, nhiệm vụ của ngành Cơ yếu, nâng cao nhận thức về an toàn và bảo mật thông tin để cùng chia sẻ, phối hợp với ngành Cơ yếu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới là rất cần thiết. Tạp chí ATTT với nhiệm vụ truyền thông về bảo mật và an toàn thông tin sẽ không ngừng nâng cao chất lượng các ấn phẩm của Tạp chí và mở rộng hợp tác với các tổ chức/doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ATTT ở trong và ngoài nước.
Bích Thủy