Facebook, Twitter bị phạt 3000 rúp do vi phạm Luật Bảo vệ thông tin cá nhân của Nga
Nguyên nhân của vụ việc bắt đầu từ cuối năm ngoái, khi Facebook và Twitter tiếp tục từ chối chuyển dữ liệu người dùng Nga về lưu trữ trong lãnh thổ Liên bang Nga. Khi đó, Roskomnadzor (Cơ quan liên bang về giám sát trong lĩnh vực thông tin liên lạc, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng thuộc Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng Liên bang Nga) đã gửi thông báo cho các công ty này, nhắc họ phải tuân thủ luật pháp. Vào tháng 1/2019, Roskomnadzor đã nhận được phản hồi từ Facebook và Twitter, nhưng nội dung không khiến cơ quan này hài lòng, bởi nó "không chứa các thông tin cụ thể". Do vậy, Roskomnadzor đã tiến hành khởi kiện. Điều này làm cho Facebook và Twitter phải đối mặt với án phạt đến 5000 rúp (khoảng 1,8 triệu VNĐ đồng), căn cứ vào Điều 19.7 Luật Xử phạt vi phạm hành chính (lỗi không cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng).
Trong lần xử thứ ba này, tòa đã bác đề nghị của đại diện Twitter về việc đình chỉ vụ án, cũng như bác bỏ quan điểm rằng Twitter không có nghĩa vụ phải trả lời yêu cầu của Roskomnadzor. Đại diện bên bị đơn cho rằng Twitter không có chủ ý thu thập thông tin cá nhân (khái niệm này không được định nghĩa trong luật mà chỉ được nhắc đến trong các văn bản dưới luật) mà chỉ gợi ý để người dùng cung cấp. Cụ thể, để đăng ký tài khoản Twitter người dùng chỉ cần cung cấp một địa chỉ email và lựa chọn một nickname bất kỳ... và đây không phải là thông tin cá nhân.
Không chấp nhận các biện hộ nêu trên, tòa đã ban hành phán quyết xử phạt Twitter 3000 rúp (khoảng 1,1 triệu VNĐ đồng). Hơn một tuần sau, Facebook cũng phải chịu mức phạt này. Trước đó, vào năm 2016, LinkedIn đã bị chặn trên toàn nước Nga do không tuân thủ quy định trong Luật Bảo vệ thông tin cá nhân.
Khoản 5 Điều 18 Luật Bảo vệ thông tin cá nhân của Liên bang Nga quy định "Chủ quản hệ thống thu thập thông tin cá nhân, bao gồm việc thu thập qua mạng Internet, phải thực hiện lưu trữ, phân loại, tích lũy, hiệu chỉnh (cập nhật, sửa đổi), truy vấn thông tin cá nhân của công dân Liên bang Nga với việc sử dụng cơ sở dữ liệu nằm trong lãnh thổ Liên bang Nga". |
Nguyễn Anh
Tạp chí Hacker, số 04 (241) 2019