Email lừa đảo phần lớn có nguồn gốc từ Đông Âu
Theo phân tích vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng mạng của trên hơn hai tỷ email từ dữ liệu của báo cáo Các điểm chính của các mối đe dọa mạng (Threat Spotlight) của công ty Barracuda Networks, các nhà nghiên cứu đã thống kê số lượng email lừa đảo (phishing) dưới dạng tỷ lệ phần trăm của tổng số thư được gửi từ các khu vực trên toàn cầu.
Số liệu phát hiện ra rằng, 5 quốc gia có tỷ lệ email lừa đảo cao nhất đều đến từ Đông Âu, theo thứ tự giảm dần, đó là: Lithuania, Latvia, Serbia, Ukraine và Nga. Các quốc gia tiếp theo trong danh sách đến từ châu Mỹ và châu Á bao gồm: Bahamas, Puerto Rico, Colombia, Iran, Palestine và Kazakhstan.
Mặc dù tại một số quốc gia nhất định ghi nhận số lượng lớn email lừa đảo, nhưng số lượng tổng thể email được gửi từ các quốc gia cho thấy, tỷ lệ email lừa đảo thực sự là thấp. Ví dụ: 129.369 email lừa đảo được gửi từ Hoa Kỳ, chiếm 0,02% tổng số email. Theo báo cáo, hầu hết các quốc gia đều có xác suất email lừa đảo từ 10% trở xuống.
Công ty Barracuda cũng lưu ý rằng, email lừa đảo có nhiều khả năng được chuyển qua nhiều quốc gia hơn email hợp lệ. Trong khi tỷ lệ email lừa đảo đi qua hai hoặc ít hơn hai quốc gia là 60%, thì tỉ lệ này đối với email hợp lệ là 60%.
Một phát hiện khác, Amazon, Microsoft và Twitter có lượng email lừa đảo được gửi từ địa chỉ cơ sở hạ tầng của họ cao nhất.
Theo ông Chris Ross, Phó Chủ tịch Cấp cao quốc tế tại Barracuda Networks, sẽ là vô lý khi “blacklist” (đưa vào danh sách đen) tất cả các email đến từ các quốc gia có tỉ lệ email lừa đảo cao. Tuy nhiên, nghiên cứu này có thể cung cấp cho các nhà quản lý CNTT và Giám đốc An ninh thông tin những thông tin cần thiết để sàng lọc hoặc gắn cờ một số email với các tính năng nhất định - chẳng hạn như email có chuyển qua nhiều quốc gia và có nguồn gốc từ một trong những quốc gia được coi là mối đe dọa cao...
Ông Chris cũng cho biết, việc triển khai bảo mật email sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp thiết lập quy trình phát hiện và gắn cờ các hành vi bất thường trong giao tiếp, cũng như phát hiện một số mối đe dọa nhằm vượt qua các biện pháp bảo vệ email cơ bản. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức về bảo mật thông qua đào tạo sẽ giúp phát hiện các lỗ hổng về bảo mật trong một tổ chức và cải thiện các giao thức quản lý dữ liệu về lâu dài.
Đỗ Đoàn Kết
(Theo InfoSecurity)