Chìa khóa vàng cho sản phẩm, dịch vụ ATTT Việt Nam
Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã khởi động Chương trình bình chọn danh hiệu “Chìa khóa vàng”. Đây là hoạt động thường niên trong khuôn khổ sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam của VNISA, tiếp nối và thay thế cho chương trình bình chọn các danh hiệu “Sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao”, “Sản phẩm an toàn thông tin mới xuất sắc” và “Dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu” đã được tổ chức từ năm 2015.
Được triển khai trên cả nước với thời hạn tiếp nhận hồ sơ kéo dài đến hết tháng 8/2020, chương trình bình chọn danh hiệu “Chìa khóa vàng” có đối tượng tham gia là những sản phẩm, dịch vụ bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) và sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) có tính năng an toàn, bảo mật do doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam (đã được cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTT) sở hữu, làm chủ công nghệ, có khả năng sản xuất hàng loạt, đã được thương mại hóa hoặc cung cấp cho thị trường.
Quy chế của Chương trình nêu rõ, việc tổ chức bình chọn và công nhận danh hiệu “Chìa khóa vàng” nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng ATTT xuất sắc, tiêu biểu, góp phần hỗ trợ hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.
Chương trình cũng góp phần thúc đẩy phát triển, phổ cập các sản phẩm, dịch vụ ATTT và CNTT nội địa, đồng thời hưởng ứng chương trình Chuyển đổi số quốc gia và chiến lược “Make in Vietnam”.
Chương trình sẽ bình chọn và trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” của năm theo từng hạng mục bình chọn cụ thể cho các sản phẩm, dịch vụ xuất sắc và tiêu biểu, được đánh giá đạt các tiêu chí theo quy định.
Căn cứ vào thực tế phát triển sản phhiệp ẩm và dịch vụ ở Việt Nam, trong từng thời kỳ, VNISA chọn lọc và quy định cụ thể danh sách và tên gọi các hạng mục sản phẩm và dịch vụ tham gia bình chọn danh hiệu “Chìa khóa vàng”.
Quy chế của Chương trình cũng quy định cụ thể những tiêu chí cơ bản cho từng nhóm đối tượng bình chọn. Cụ thể, với sản phẩm ATTT, các tiêu chí bình chọn gồm có: Tính năng và hiệu quả ứng dụng; Khả năng công nghệ và chất lượng sản phẩm; Tính sáng tạo và đột phá; So sánh với các sản phẩm đã có; Khả năng thay thế sản phẩm nhập ngoại; Kết quả thương mại (hoặc khả năng thương mại hóa) và thực tế triển khai; Hồ sơ tài liệu hướng dẫn sử dụng, tính pháp lý và bản quyền sở hữu.
Đối với dịch vụ ATTT, các tiêu chí cơ bản bao gồm: Nhu cầu và hiệu quả khi sử dụng dịch vụ; Công nghệ và nhân lực đảm bảo chất lượng dịch vụ; Tính quy trình, tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật liên quan; Thị trường và quy mô triển khai dịch vụ; Hồ sơ tài liệu hướng dẫn sử dụng, tính pháp lý và bản quyền sở hữu.
Còn với sản phẩm, giải pháp CNTT an toàn, những tiêu chí bình chọn cơ bản gồm: Tính năng và hiệu quả ứng dụng; Thiết kế và chức năng an toàn, bảo mật thông tin; Khả năng công nghệ và chất lượng kỹ thuật bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin; Khả năng thương mại và kết quả ứng dụng thực tiễn; Hồ sơ tài liệu hướng dẫn sử dụng, tính pháp lý và bản quyền sở hữu.
Năm nay, Chương trình tiếp tục nhận được sự bảo trợ của Bộ TT&TT. Là đơn vị tham gia phối hợp cùng VNISA tổ chức hoạt động này, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã có văn bản kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đã được Bộ TT&TT cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng tích cực tham gia Chương trình từ cuối tháng 7/2020.
Tuệ Minh