Lễ công bố và trao tặng danh hiệu Chìa khóa vàng 2022

18:00 | 09/12/2022 | AN TOÀN THÔNG TIN
Chiều ngày 09/12/2022 tại Hà Nội, Lễ công bố và trao tặng danh hiệu Chìa khóa vàng 2022 đã được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức trang trọng để vinh danh các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, từng bước khẳng định những ưu thế về chất lượng và khả năng đáp ứng thị trường của sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin Việt Nam.

Năm 2022 là lần thứ 7 chương trình bình chọn được triển khai và là năm thứ 3 chính thức mang tên “Chìa khóa vàng”. Những năm vừa qua, chương trình luôn thu hút được sự hợp tác, hưởng ứng và tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam và sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thông tin.

Tại lễ trao giải, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA cho biết lễ trao tặng danh hiệu Chìa khóa vàng 2022 nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ và doanh nghiệp an toàn thông tin (ATTT) Việt Nam xuất sắc, tiêu biểu; góp phần hỗ trợ hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, hưởng ứng chương trình “Make in Vietnam” và Chiến lược bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chương trình Chìa khóa vàng 2022 cũng góp phần thúc đẩy ứng dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ Chuyển đổi số tại Việt Nam.

Qua chương trình này, Hiệp hội cũng muốn đưa ra những khuyến nghị với các doanh nghiệp rằng, với các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin đã khẳng định trên thị trường, nên có hướng tiếp tục phát triển tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế nhằm từng bước phát triển thị trường thế giới.

Danh hiệu “Chìa khóa vàng” được coi là chứng chỉ chuyên ngành tin cậy, khẳng định và tôn vinh chất lượng, tính ưu việt, tính hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin; doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam xuất sắc.

Phát biểu tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, chiến lược An toàn, an ninh mạng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 80% người sử dụng Internet có cơ hội tiếp cận hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Bộ TT&TT mong muốn rằng, các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng, với việc thiết kế các sản phẩm, dịch vụ đơn giản, dễ sử dụng, chi phí thấp sẽ góp phần vào thực hiện mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Lễ trao giải

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, việc làm chủ, chiếm lĩnh thị trường không chỉ là của doanh nghiệp, mà cần có sự tham gia phối hợp của nhiều bên. Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cần phát huy vai trò hơn nữa trong việc quy tụ, định hướng, tạo điều kiện cho các thành viên. Đôi khi chỉ cần đưa ra nhận định, phát hiện vấn đề cũng là một chỉ dẫn quan trọng để doanh nghiệp tham gia vào một thị trường mới. Ví dụ, về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, lúc ban đầu xuất phát từ một vài cá nhân, một vài gia đình, sau đó có thể hình thành một thị trường rất lớn. Doanh nghiệp sớm nhận ra nhu cầu sẽ chiếm lợi thế cao trong việc chiếm lĩnh thị trường.

Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết sẽ luôn quan tâm, kiến tạo thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho tất cả doanh nghiệp an toàn thông tin mạng thông qua các chính sách thúc đẩy, các quy định bảo đảm ATTT, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm, các thông tin thống kê giúp cho doanh nghiệp có thể hoạch định chiến lược phát triển tốt nhất.

​Nối tiếp thành công của những năm trước, chương trình bình chọn năm 2022 đã được triển khai trên toàn quốc từ tháng 6/2022. “Chìa khóa vàng” 2022 được trao cho 04 nhóm hạng mục sản phẩm, giải pháp, dịch vụ ATTT, bao gồm: Sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao xuất sắc, Sản phẩm an toàn thông tin triển vọng xuất sắc, Giải pháp CNTT An toàn tiêu biểu cho chuyển đổi số và Dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu. 

Bên cạnh đó, năm nay, Chương trình cũng trao danh hiệu cho 04 nhóm hạng mục bình chọn dành cho các doanh nghiệp ATTT Việt Nam, bao gồm: Top doanh nghiệp Việt Nam về kiểm tra và đánh giá ATTT mạng, Top doanh nghiệp Việt Nam về giám sát và ứng cứu sự cố ATTT mạng, Top doanh nghiệp Việt Nam về mật mã, xác thực và chữ ký số và Top doanh nghiệp chống mã độc và chống tấn công mạng. Đây là những doanh nghiệp ATTT Việt Nam hàng đầu có nguồn nhân lực, tài chính, năng lực công nghệ và kết quả hoạt động, kinh doanh tốt nhất trong các lĩnh vực bình chọn.  

Chủ tịch Hội đồng bình chọn năm 2022 là ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT. Hội đồng có gồm 22 thành viên, là các cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia hàng đầu về an toàn thông tin; đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức, trường đại học lớn trong lĩnh vực an toàn thông tin và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Cục Quản lý Mật mã Dân sự & Kiểm định Sản phẩm Mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ), Cục A05 (Bộ Công An), Bộ tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng)….

Quy trình thẩm định, đánh giá của các Tiểu ban thuộc Hội đồng bình chọn thực hiện qua các bước: thẩm định hồ sơ, nghe báo cáo, giải trình của doanh nghiệp và tới khảo sát, thẩm định trực tiếp các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp an toàn thông tin tại thực địa triển khai.

Theo Ban tổ chức, kết quả bình chọn năm nay cho thấy sự phát triển và đa dạng của các sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin của các doanh nghiệp trong nước, với mức độ nội địa hóa và tự phát triển giải pháp khoa học kỹ thuật rất cao, hoàn toàn làm chủ công nghệ trong nhiều lĩnh vực.

Chương trình năm nay đã cho thấy sự lớn mạnh vượt bậc của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó nổi bật là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT. Tại Giải thưởng Chìa khóa Vàng 2022, Tập đoàn VNPT được trao tặng Chìa khóa vàng cho 08 sản phẩm, dịch vụ và 02 lượt Top doanh nghiệp. Công ty An ninh mạng Viettel được trao tặng Chìa khóa vàng cho 03 sản phẩm, dịch vụ và 03 lượt Top doanh nghiệp. Ngoài ra, các công ty đạt 3 danh hiệu bao gồm: Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT, Công ty Cổ phần BKAV, Công ty TNHH An ninh An toàn thông tin CMC, Công ty Cổ phần dịch vụ công nghệ tin học HPT và Công ty cổ phần công nghệ SAVIS.

Các giải thưởng được trao năm nay cụ thể như sau:

Sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao xuất sắc được trao cho 03 sản phẩm khoa học, công nghệ bảo đảm an toàn thông tin xuất sắc về công nghệ và thành công về thương mại. Đây là các sản phẩm hoàn chỉnh xuất xứ từ Việt Nam, có khả năng sản xuất hàng loạt, đã được thương mại hóa và cung cấp cho thị trường, do các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam đã được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm ATTT/MMDS sở hữu và làm chủ công nghệ, bao gồm: Nền tảng số hóa quy trình đăng ký tài khoản và dịch vụ - FPT Digital Onboarding Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT của Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT; Giải pháp cập nhật tri thức an ninh mạng - Viettel Threat Intelligence Công ty An ninh mạng Viettel của Công ty An ninh mạng Viettel; Giải pháp phát hiện và ứng cứu sự cố điểm cuối VNPT (VNPT Smart Incident Response) của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng (thứ 3 từ trái sang) và đ.c Hồ Văn Hương, Cục trưởng Cục MMDS&KĐSPMM (thứ 2 từ trái sang) trao tặng danh hiệu chìa khóa vàng cho 03 tổ chức, doanh nghiệp có sản phẩm ATTT chất lượng cao xuất sắc

Sản phẩm an toàn thông tin triển vọng xuất sắc được trao cho 06 sản phẩm an toàn thông tin là kết quả nghiên cứu, phát triển mới, có chất lượng cao, có tiềm năng thương mại hóa và cung cấp ra thị trường trong tương lai gần, do các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam sở hữu và làm chủ công nghệ, bao gồm: Nền tảng quản lý dữ liệu định danh và xác thực sinh trắc học – VNPT BioID của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Giải pháp ký số từ xa - Bkav Remote Signing của Công ty Cổ phần BKAV; Giải pháp Bảo mật cho thiết bị IoT (VNPT IoT Guard) của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Phần mềm CMC CryptoShield của Công ty TNHH An ninh an toàn thông tin CMC; Giải pháp an toàn Wifi cho gia đình -SafeGate Family của Công ty Cổ phần An ninh mạng SCS; Sản phẩm săn lùng các mối đe dọa tiềm ẩn – HPT Mavex của Công ty Cổ phần dịch vụ công nghệ tin học HPT

Giải pháp Công nghệ thông tin an toàn tiêu biểu cho chuyển đổi số được trao cho 04 sản phẩm, nền tảng số và giải pháp công nghệ thông tin phục vụ cho chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và có các tính năng an toàn cao. Đây là kết quả nghiên cứu, phát triển có chất lượng, có khả năng thương mại và cung cấp ra thị trường, do các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam sở hữu và làm chủ công nghệ. Các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp này có các tính năng an toàn nổi bật như kiểm soát quyền sử dụng chặt chẽ, được thiết kế và phát triển an toàn, sử dụng tài nguyên và tương tác với hệ thống an toàn,... bao gồm: Hóa đơn điện tử an toàn MIFI của Công ty Cổ phần Mắt bão; Phần mềm bộ giải pháp HCapollo Giải pháp quản lý và cảnh báo sớm sự kiện ATTT của Công ty Cổ phần Dịch vụ công nghệ tin học HPT; Nền tảng lắng nghe và giám sát mạng xã hội – VnSocial và Phần mềm quản lý an sinh xã hội – VNPT ASXH đều của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Đại diện các tổ chức, doanh nghiệp lên nhận giải Hạng mục Giải pháp Công nghệ thông tin an toàn tiêu biểu cho chuyển đổi số

Dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu được trao cho các dịch vụ về bảo đảm an toàn thông tin có quy trình công nghệ hoàn chỉnh, chất lượng cao về an toàn, bảo mật thông tin, đã được thương mại hóa có hiệu quả cao trên thị trường, do các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam đã được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ ATTT/MMDS cung cấp và đảm bảo chất lượng ổn định, bao gồm: Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng BkavCA của Công ty cổ phần BKAV; Dịch vụ ký số từ xa – VNPT SmartCA, Dịch vụ phòng chống tấn công DDoS – VNPT AntiDDoS và Dịch vụ kiểm thử xâm nhập VNPT - VNPT Pentest của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Dịch vụ giám sát và xử lý sự cố an toàn thông tin mạng - Managed Security Service và Dịch vụ Kiểm tra đánh giá An toàn thông tin mạng - Penetration Testing của Công ty an ninh mạng Viettel; Dịch vụ kiểm thử xâm nhập - Penetration Testing Services của Công ty Cổ phần dịch vụ công nghệ tin học HPT; Dịch vụ giám sát an toàn thông tin trên nền tảng Cloud - VNCS Global Cloud SOC của Công ty Cổ phần Công nghệ giải pháp quốc tế VNCS; Dịch vụ chứng thực điện tử cấp dấu thời gian - TrustCA Timestamp của Công ty Cổ phần Công nghệ Savis; Dịch vụ kiểm thử an toàn thông tin - FPT.EagleEye Pentest của Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT; Dịch vụ Tư vấn các kiểm soát ATTT cho Điện toán Đám mây theo tiêu chuẩn ISO 27017 của Công ty Cổ phần tin học Mi Mi; Dịch vụ kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng của Công ty Cổ phần phát triển phần mềm và hỗ trợ công nghệ (MISOFT); Dịch vụ ký số từ xa - TrustCA Remote Signing của Công ty Cổ phần Công nghệ Savis.

Top doanh nghiệp Việt Nam về kiểm tra và đánh giá an toàn thông tin mạng đã được trao cho 05 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu có nguồn nhân lực, tài chính, năng lực công nghệ và kết quả hoạt động, kinh doanh tốt nhất; đạt tối thiểu 1 danh hiệu Chìa khóa vàng 2021/2022 cho sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực kiểm tra và đánh giá ATTT mạng bao gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Công ty An ninh mạng Viettel; Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT; Công ty Cổ phần phát triển phần mềm và hỗ trợ công nghệ (MISOFT); Công ty TNHH An ninh an toàn thông tin CMC.

Top doanh nghiệp Việt Nam về giám sát và ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng đã được trao cho 04 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu có nguồn nhân lực, tài chính, năng lực công nghệ và kết quả hoạt động, kinh doanh tốt nhất; đạt tối thiểu 1 danh hiệu Chìa khóa vàng 2021/2022” cho sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực giám sát và ứng cứu sự cố ATTT mạng, bao gồm: Công ty An ninh mạng Viettel; Công ty Cổ phần Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công ty TNHH An ninh an toàn thông tin CMC.

Top doanh nghiệp Việt Nam về mật mã, xác thực và chữ ký số được trao cho 02 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu có nguồn nhân lực, tài chính, năng lực công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm tư vấn và kết quả hoạt động, kinh doanh tốt nhất; đạt tối thiểu 1 danh hiệu Chìa khóa vàng 2021/2022 cho sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực về mật mã, xác thực và chữ ký số là Công ty Cổ phần BKAV và Công ty Cổ phần Công nghệ Savis.

Top doanh nghiệp Việt Nam về chống mã độc và chống tấn công mạng năm nay đã được trao cho Công ty An ninh mạng Viettel. Viettel là tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu có nguồn nhân lực, tài chính, năng lực công nghệ và kết quả hoạt động, kinh doanh tốt nhất; có nhiều sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực chống mã độc và bảo vệ An toàn thông tin trên mạng đạt danh hiệu Chìa khóa vàng năm 2021 và năm 2022.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ trao giải

Ngọc Long

Tin cùng chuyên mục

Tin mới