Ứng dụng IoT trong lĩnh vực quân sự
IoT là một hệ thống mạng các thiết bị được kết nối với nhau, cho phép người sử dụng tự động hóa, kiểm soát tình trạng hoạt động thiết bị và môi trường hoạt động của thiết bị. Hiện nay, IoT đã được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực quân sự, điển hình như: các ứng dụng di động hỗ trợ binh lính phân tích tình huống chiến lược chiến đấu; kết nối phương tiện quân sự như máy bay, xe tăng, thiết bị không người lái (Unmanned Aerial Vehicle - UAV); kết nối quân nhân, sĩ quan với căn cứ quân sự; tạo ra hệ thống đánh giá rủi ro các tình huống quân sự. Dưới đây là một số ứng dụng phổ biến của IoT trong lĩnh vực quân sự:
Khảo sát, cung cấp thông tin chiến trường
Với các cảm biến trang bị trên các thiết bị UAV cùng các thông tin chiến trường thu thập được, các sĩ quan có thể thực hiện quá trình khảo sát chiến trường theo thời gian thực và cung cấp cho trung tâm chỉ huy quân sự. Trung tâm chỉ huy có thể dựa trên dữ liệu thu được để thực hiện phân tích, đánh giá và đưa ra các quyết định quân sự quan trọng. Thực hiện tác chiến từ xa tránh được các nguy cơ thiệt hại về con người và trang thiết bị không cần thiết.
Bảo dưỡng khí tài, phương tiện, thiết bị chiến đấu
Với các cảm biến trang bị trên khí tài, phương tiện, thiết bị chiến đấu, các ứng dụng IoT luôn luôn được cập nhật nhanh chóng. Các nhân viên bảo dưỡng, bảo trì thiết bị, khí tài sẽ được cảnh báo kịp thời và tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng khi xuất hiện vấn đề trên các thiết bị, khí tài, phương tiện chiến đấu.
Giám sát tình trạng sức khỏe thể chất, tinh thần của binh lính
Với các cảm biến được trang bị trên trang phục của quân nhân, sĩ quan, các thông tin sức khỏe (bản đồ nhiệt độ cơ thể, nhịp tim...) và các thông tin về hành vi (di chuyển, định vị, hoạt động thể chất, giọng nói...) được gửi về cho quân y theo thời gian thực. Nhờ đó, quân y sẽ luôn bố trí xử lý các tình huống chăm sóc y tế, cấp cứu kịp thời.
Theo dõi, quản lý phương tiện hậu cần, vận tải theo thời gian thực
Các phương tiện được gắn cảm biến sẽ cho biết tốc độ, trạng thái động cơ, mức độ tiêu hao nhiên liệu... theo thời gian thực để qua đó, đội ngũ người vận hành sẽ điều chỉnh công tác vận hành thực chiến sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.
Quản lý kho hậu cần trang bị
Giám sát dựa trên nhận dạng sóng vô tuyến từ xa (RFID) luôn phản ánh chính xác tình trạng trang bị, vũ khí, khí tài quân sự có trong kho (súng, xe, đạn, chất nổ, máy truyền tin…) mà không cần trực tiếp và thực hiện thủ công kém bảo mật và kém hiệu quả, trong khi đó IoT có thể ra thông tin cảnh báo khi trang bị, vũ khí, khí tài bị di chuyển ra khỏi kho.
Nhận dạng kẻ địch
Trong bối cảnh quân đội nhiều quốc gia sử dụng chiến thuật chiến tranh phi đối xứng, chiến thuật giả dạng dân thường hoặc sử dụng giấy tờ, trang phục, huy hiệu đánh cắp được để giả dạng quân nhân xâm nhập hoặc tiếp cận các căn cứ quân sự đều có thể xảy ra. Nếu không có IoT rất khó để có thể phát hiện kẻ địch trà trộn vào dân thường hoặc đội ngũ. Nhưng với các cảm biến IoT (quét mống mắt, quét vân tay, nhận dạng dữ liệu sinh trắc học...) kẻ giả dạng hoặc kẻ có khả năng tiềm ẩn có thể bị phát hiện nhanh chóng.
Phục vụ hoạt động quân sự trong đô thị thời bình
Trong môi trường đô thị thông minh hiện đại (đô thị đã sẵn có các hệ thống thiết bị thông minh, thiết bị cảm biến của nó: camera giao thông, cảm biến đèn giao thông…) việc triển khai tích hợp cảm biến IoT quân sự tăng cường khả năng nhận thức các tình huống quân sự của quân đội để luôn sẵn sàng cứu trợ và can thiệp.
Phạm Bình Dũng