Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quân đội

15:00 | 18/12/2017 | AN NINH – QUỐC PHÒNG
Hiện nay, tình hình thế giới và sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang đặt ra cho Quân đội nhân dân Việt Nam nhiệm vụ quan trọng là phải đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ quân sự, nâng cao tiềm lực quốc phòng, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội. Đồng thời, việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân là rất cần thiết, trong đó lực lượng phụ nữ Quân đội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.

Nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự của Quân đội giai đoạn hiện nay

Khoa học và công nghệ quân sự là một bộ phận hữu cơ của nền khoa học và công nghệ quốc gia, có nhiệm vụ phục vụ đắc lực nhiệm vụ hiện đại hóa Quân đội, phấn đấu vươn lên góp phần giải quyết những vấn đề cơ sở vật chất kỹ thuật của quốc phòng, an ninh. Nhiệm vụ của khoa học và công nghệ là phải nghiên cứu, thiết kế, chế tạo được vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với cách đánh của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện chiến tranh hiện đại.

Dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, khoa học và công nghệ quân sự cũng có những chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều thành tựu mới trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được ứng dụng vào lĩnh vực quân sự, làm xuất hiện những hệ thống vũ khí thế hệ mới, với những tính năng mới, có sự nhảy vọt về chất lượng và hiệu quả. Do vậy, nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự là yêu cầu cần thiết và thường xuyên để sử dụng tối đa hiệu quả, tính năng của các loại vũ khí trang bị tiên tiến, hiện đại. Khoa học và công nghệ quân sự phải thật sự được coi là động lực và là nền tảng của hiện đại hóa Quân đội, phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện.

Vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật của Quân đội được cung cấp từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn quan trọng là Quân đội tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo. Nhìn lại lịch sử cho thấy, nghiên cứu khoa học công nghệ quân sự đã đồng hành cùng sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã rất chú trọng đến khoa học công nghệ, đặc biệt là các ngành khoa học, kỹ thuật ứng dụng trong quân sự, Người yêu cầu: “Các cán bộ quân sự thì phải nghiên cứu khoa học quân sự”. Trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, Hồ Chí Minh đã kêu gọi và tập hợp nhiều nhà khoa học, nhiều nhà trí thức, kỹ sư, công nhân lành nghề vào phục vụ trong Quân đội và ra các Chỉ thị, Quyết định để thành lập các cơ quan, đơn vị nghiên cứu thiết kế, chế tạo và cải tiến vũ khí cho Quân đội. Công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự đã và đang gắn bó chặt chẽ với việc phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật cho Quân đội.

Trong thời kỳ mới, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã có những Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị về thúc đẩy công tác khoa học và công nghệ quân sự, bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, góp phần hiện đại hóa Quân đội. Các Chỉ thị, Nghị quyết đó đã đi vào thực tiễn, góp phần đáng kể làm tăng tiềm lực quốc phòng trong giai đoạn mới và tạo tiền đề cho sự phát triển lâu dài.

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960, Đảng đã nhấn mạnh: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học, kỹ thuật một cách có trọng điểm, từng bước vững chắc, nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng. Ra sức đào tạo cán bộ khoa học và xây dựng các cơ sở nghiên cứu khoa học cần thiết, kết hợp với việc phổ biến rộng rãi những hiểu biết khoa học và kỹ thuật trong đông đảo quần chúng, thúc đẩy phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, sáng chế phát minh.

Gần đây nhất, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, làm cho khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Thực hiện chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, những năm gần đây, nhận thức trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, chỉ huy và các lực lượng trong đó có phụ nữ Quân đội đã được nâng cao. Các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 20 – NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 791 – NQ/QUTW ngày 30/12/2012 về “lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ, được sự đầu tư của Nhà nước, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân được nâng lên; góp phần quan trọng trong việc cung cấp thông tin, khai thác các nguồn tư liệu, tài liệu tham khảo đa dạng, phong phú và cập nhật; rút ngắn thời gian nghiên cứu; xã hội hoá và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự một cách nhanh chóng, hiệu quả. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự kết nối qua hệ thống mạng thông tin nội bộ, mạng thông tin khoa học quân sự của Bộ Quốc phòng (MISTEN), Internet... tạo môi trường rất thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

Phụ nữ Quân đội với nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự

Nghiên cứu khoa học công nghệ quân sự là nhiệm vụ quan trọng của phụ nữ quân đội ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Quá trình nghiên cứu khoa học giúp cho phụ nữ Quân đội có điều kiện thực nghiệm, hình thành kỹ năng, rèn luyện tác phong công tác, tư duy khoa học, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng phụ nữ Quân đội ở các cơ quan, đơn vị. Đó cũng là cơ sở quan trọng để từng bước xây dựng, bổ sung, phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia nghiên cứu khoa học chuyên sâu, đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, phục vụ thiết thực yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trong thời kỳ mới, để góp phần hiện đại hóa quân đội, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò của phụ nữ Quân đội trong nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự, góp phần bảo đảm cho toàn quân hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Với hơn 10 vạn cán bộ, hội viên có mặt ở hầu khắp các loại hình đơn vị, đóng quân trên mọi miền đất nước, tham gia toàn diện trên các lĩnh vực công tác, phụ nữ Quân đội đã tích cực hưởng ứng, tham gia có hiệu quả phong trào “phụ nữ quân đội tích cực học tập, lao động sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc; gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – cuộc vận động “phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong quân đội. Đây là cơ sở rất quan trọng để Phụ nữ quân đội tích cực đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Ở các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự của Phụ nữ quân đội chủ yếu tập trung vào nâng cao sức cơ động và trình độ, khả năng tham gia huấn luyện, diễn tập, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của cơ quan, đơn vị và toàn quân.

Trong lao động sản xuất kinh doanh, lực lượng phụ nữ Quân đội làm việc tại các dây chuyền sản xuất, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật đã phát huy khả năng sáng tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự, tích cực “phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm”. Không ngừng cập nhật, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, bảo đảm số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; phụ nữ khối các doanh nghiệp, đoàn kinh tế quốc phòng luôn nghiên cứu tìm tòi cách làm hay, sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng – an ninh.

Ở khối các học viện, nhà trường, nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự tập trung nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các nữ giảng viên, giáo viên đã tích cực tham mưu, đề xuất, “dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học tốt”, phấn đấu mỗi cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, tự sáng tạo; phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học: “tham mưu sâu, hướng dẫn kỹ, bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, tham mưu đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả”.

Trên lĩnh vực báo chí, văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao, tuyên truyền, vận động nhân dân, các nữ nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo Quân đội đã tích cực nghiên cứu khoa học, cống hiến tài năng, mang các sản phẩm văn hóa nghệ thuật đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho bộ đội và nhân dân cả nước. Các nữ vận động viên bền bỉ luyện tập, đạt thành tích xuất sắc trên các đấu trường lớn. Bằng tình cảm, trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ, Phụ nữ quân đội luôn thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; được nhân dân tin yêu, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

Bên cạnh những ưu điểm, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự của Phụ nữ Quân đội vẫn còn tồn tại những hạn chế khuyết điểm: Nội dung, hình thức nghiên cứu chưa được đổi mới mạnh mẽ, thiếu đồng bộ; năng lực nghiên cứu chưa đồng đều, chưa ổn định; một số cấp uỷ, cán bộ chủ trì ở một vài cơ quan, đơn vị còn coi nhẹ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự của các lực lượng, trong đó có Phụ nữ Quân đội.

Để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự của Phụ nữ Quân đội, góp phần hiện đại hóa Quân đội trong thời kỳ mới, cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng đối với việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự của Phụ nữ Quân đội

- Tăng cường thực hiện các nội dung, hình thức, phương pháp, để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự; bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy định và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự

- Nâng cao ý thức, xây dựng động cơ, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của phụ nữ Quân đội trong nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự

Để đạt hiệu quả cao trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự của Phụ nữ Quân đội, cần thực hiện đồng bộ, thống nhất các giải pháp và cần sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, hệ thống lãnh đạo, chỉ huy và các lực lượng ở cơ quan, đơn vị, trong đó lực lượng Phụ nữ quân đội đóng vai trò làm nòng cốt.

Quốc Cường, Nguyễn Hằng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới