Cuộc chiến trong lĩnh vực Chip bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng quyết liệt
NGUYÊN NHÂN NỔ RA CUỘC CẠNH TRANH TRONG LĨNH VỰC CHIP GIỮA MỸ VÀ TRUNG QUỐC
Vi mạch được ví như là huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu hiện đại, những con chip có kích thước nhỏ có thể dễ dàng tìm thấy trong tất cả các loại thiết bị điện tử, từ bóng đèn LED, tivi, máy giặt, cho đến ô tô, máy tính, điện thoại thông minh,... Trong tương lai, nhu cầu chip bán dẫn dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trưởng rất mạnh. Theo Hiệp hội Ngành công nghiệp bán dẫn (SIA) cho biết doanh số bán dẫn toàn cầu năm 2021 đã đạt mức kỷ lục hơn 500 tỷ USD, với lượng xuất xưởng chip bán dẫn là 1,15 tỷ chiếc và chất bán dẫn được dự báo sẽ trở thành ngành công nghiệp trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Cạnh tranh Mỹ - Trung trong lĩnh vực công nghệ đã có từ lâu và thực sự nổi lên trong những năm gần đây. Đại dịch COVID-19 đã tạo ra cuộc khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu, khi việc phong tỏa trên diện rộng khiến các nhà máy bị đình trệ và làm đứt chuỗi cung ứng. Từ đây, nhiều quốc gia bắt đầu thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu khổng lồ từ lĩnh vực này, trong đó phải kể đến hai cường quốc kinh tế, công nghệ là Mỹ và Trung Quốc.
Lúc này, Mỹ bắt đầu xác định Trung Quốc là quốc gia đang tìm cách thách thức vị thế của mình, coi năng lực công nghệ Trung Quốc là mối đe dọa sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ, đặc biệt là kế hoạch “Made in China 2025”. Mục tiêu chính của kế hoạch là giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, tăng cường sự phát triển công nghệ của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Một trong những phương châm của kế hoạch này là đẩy nhanh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, bằng mọi giá phải làm chủ được lĩnh vực này.
Chất bán dẫn và chip điện tử là yếu tố sống còn với nền kinh tế, an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ. Còn đối với Trung Quốc, chất bán dẫn là chìa khóa để nước này phát triển các thiết bị điện tử có tính cạnh tranh ngày càng cao và chiếm thị phần toàn cầu. Việc Trung Quốc phát triển nhanh trong công nghiệp bán dẫn, đồng nghĩa với việc cải thiện năng lực quốc phòng của nước này, do đó có khả năng hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có quân đội mạnh nhất thế giới, thách thức vị thế và an ninh của Mỹ. Thêm nữa, hầu hết các hệ thống phòng thủ lớn của Mỹ đều dựa trên chất bán dẫn và nếu có thiệt hại về ngành này thì an ninh của Mỹ sẽ bị đe dọa. Những sự cạnh tranh về chip bán dẫn đã dần trở thành xung đột lợi ích trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, chính trị, quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, sự xung đột này ngày càng trở nên quyết liệt và chưa có dấu hiệu dừng lại trong tương lai gần.
NHỮNG ĐỘNG THÁI QUYẾT LIỆT CỦA MỸ
Trước những động thái mạnh mẽ của Trung Quốc về cuộc cạnh tranh vị thế số một trong lĩnh vực công nghệ cao, Mỹ đã có những phản ứng quyết liệt tương xứng. Nhà Trắng đã hành động theo ba cách là hạn chế các thương vụ mua nguyên liệu bán dẫn, áp thuế đối các ngành nhập khẩu chất bán dẫn từ Trung Quốc và chặn các khoản đầu tư trong chất bán dẫn. Những hành động cụ thể có thể kể đến như: vào năm 2020, Mỹ cấm các công ty sử dụng công nghệ, phần mềm Mỹ để thiết kế và sản xuất chip cho Huawei, hạn chế Huawei tiếp cận các mặt hàng công nghệ của Mỹ, thêm nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) vào danh sách cấm vận.
Đầu năm 2021, Tổng thống Joe Biden ký ban hành Đạo luật Chip và Khoa học, theo đó hạn chế sản xuất chip ở Trung Quốc và các nước, đồng thời dành 52 tỉ USD đầu tư vào ngành sản xuất chip trong nước. Tháng 4/2021, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 7 thực thể siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen hạn chế giao thương do lo ngại vấn đề an ninh quốc gia.
Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 07/10/2022 đã công bố quy định mới bao gồm hạn chế xuất khẩu một số loại chip sử dụng trong lĩnh vực siêu máy tính và siết chặt các quy định về bán thiết bị bán dẫn. Đây là các động thái nhằm ngăn chặn khả năng Trung Quốc tiếp cận các công nghệ về vật liệu bán dẫn mà Mỹ sở hữu, kìm hãm đà tăng trưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng vai trò then chốt này.
Mới đây, Mỹ đã tuyên bố hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm chip xử lý đồ họa tiên tiến của Nvidia và AMD - vốn là những linh kiện được sử dụng trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu máy tính. Động thái này diễn ra sau thông báo của Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 8/2022 về việc cấm xuất khẩu phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử sang Trung Quốc, được sử dụng trong sản xuất chip thế hệ tiếp theo.
Trong khi có những động thái cứng rắn đối với Trung Quốc, Mỹ đang thúc đẩy các đối tác tại khu vực Đông Á là Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản thành lập liên minh công nghiệp “Chip 4”, mục đích muốn cô lập Trung Quốc khỏi hệ sinh thái công nghệ quốc tế. Mỹ đang cố gắng củng cố vai trò trung tâm của mình trong hệ sinh thái bán dẫn của thế giới và đảm bảo rằng Trung Quốc không thể sản xuất những con chip tiên tiến nhất. Việc kiểm soát các chất bán dẫn sẽ không chỉ định hình tương lai của nền kinh tế thế giới, từ lĩnh vực điện toán đám mây đến xe tự hành, nó còn là nền tảng cho sức mạnh quân sự.
PHẢN ỨNG CỦA TRUNG QUỐC
Giống như các nền kinh tế lớn khác, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất chất bán dẫn ở Đài Loan - vùng lãnh thổ này vốn chiếm hơn 90% nguồn cung chip cao cấp toàn cầu. Tuy nhiên những năm gần đây, Trung Quốc đã đạt được các bước tiến đáng kể trong việc phát triển ngành công nghiệp nội địa.
Vào tháng 7/2022, Công ty chuyên phân tích công nghệ và sở hữu trí tuệ TechInsight cho rằng hãng đúc chip lớn nhất Trung Quốc là SMIC nhiều khả năng đã có thể sản xuất chip 7 nm, đây là một bước tiến lớn sau nhiều năm sản xuất chip 14 nm. Được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, công ty này hiện đang tăng cường sản xuất và có kế hoạch xây dựng nhà máy thứ tư tại Thiên Tân. Giám đốc tư vấn Ray Yang tại Viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp Đài Loan nhận định: “Hiện công ty công nghệ Trung Quốc Huawei không thể sử dụng các xưởng đúc nước ngoài, nên Trung Quốc đang phụ thuộc rất nhiều vào SMIC để sản xuất những con chip mà họ cần”.
Hãng tin Reuters trích dẫn nhận định của các nhà điều hành và chuyên gia phân tích trong ngành cho rằng, việc Mỹ hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến liên quan đến AI sang Trung Quốc có thể tạo ra cơ hội cho các công ty khởi nghiệp nội địa trong thị trường chip đang phát triển nhanh của Trung Quốc. Công ty quản lý tài sản HWAS Assets có trụ sở tại Thượng Hải cũng cho rằng các động thái của Mỹ có thể sẽ thúc đẩy các công ty Trung Quốc chuyển sang các nhà sản xuất chip nội địa để tránh những gián đoạn do ảnh hưởng từ nước ngoài.
Theo tờ báo Financial Times, những hạn chế mới nhất của Mỹ đối với xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc đã tạo ra phản ứng gay gắt từ phía Bắc Kinh. Sau những tuyên bố ngoại giao, Bắc Kinh dự kiến sẽ tung ra “làn sóng” tài trợ nhằm thúc đẩy ngành sản xuất bán dẫn nội địa.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết Trung Quốc đã chi kỷ lục 2,79 nghìn tỷ Nhân dân tệ (441 tỷ USD) cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) vào năm ngoái, tăng hơn 14% so với năm 2020. Trong khi dữ liệu từ Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ báo cáo nước này đã chi tới 708 tỷ USD cho R&D trong năm 2020. Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng chi R&D, Trung Quốc đã vượt Mỹ. Từ năm 2016 đến năm 2021, chi tiêu cho R&D của Trung Quốc tăng trung bình 12,3%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng chi của Mỹ là 7,8%/năm. Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, nền kinh tế Trung Quốc đã phải hứng chịu những thiệt hại do tác động của đại dịch COVID-19 suốt hơn 2 năm qua, nhưng chính phủ nước này tuyên bố sẽ nâng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu để thúc đẩy những đổi mới.
Ngoài những động thái đầu tư phát triển công nghệ sản xuất chip bán dẫn, mới đây, ngày 21/5/2023, Trung Quốc tuyên bố các sản phẩm do Công ty chip Micron của Mỹ sản xuất có rủi ro an ninh quốc gia và sẽ bị cấm bán cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng trong nước. Được biết, thị trường Trung Quốc hiện chiếm 11% trong tổng doanh thu 30,8 tỉ USD của Micron trong năm 2022. Động thái cấm Micron của Trung Quốc được một số nhà quan sát trong ngành coi là hành động trả đũa đối với Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng Trung Quốc sẽ hạn chế những động thái trả đũa mạnh hơn, bởi nước này phụ thuộc vào con chip AI do công ty Nvidia của Mỹ sản xuất cũng như bộ vi xử lý của Intel và Qualcomm.
TS. Nguyễn Tiến Dũng (Học viện Cảnh sát nhân dân)