Con người là yếu tố quyết định để Chính phủ điện tử triển khai thành công

09:51 | 23/07/2014 | CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Đó là thông điệp mà Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 12 (năm 2014) diễn ra ngày 17/7/2014 tại Đà Nẵng, do UBND TP Đà Nẵng, Sở TT&TT Đà Nẵng phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam tổ chức. Bên cạnh các yếu tố về công nghệ, quy trình tác nghiệp thì con người là yếu tố quyết định để quá trình triển khai Chính phủ điện tử đạt được thành công.
Với chủ đề "Phát triển Chính phủ điện tử: Hạ tầng thông minh, hành chính hiện đại, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp", Hội thảo Chính phủ điện tử lần thứ 12 gồm một phiên làm việc chung (buổi sáng) và 2 phiên chuyên đề (buổi chiều). 
Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của các đồng chí Lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; giám đốc sở Thông tin và Truyền thông nhiều tỉnh thành, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị một số Bộ, ngành và trên 400 đại biểu là các cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông. 
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, khi đánh giá về vai trò của Chính phủ điện tử – một lĩnh vực ứng dụng hết sức ý nghĩa của CNTT - trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng và đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã nêu rõ: Nghị Quyết của Đảng đánh giá CNTT đã trở thành công cụ quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, giúp chính phủ nâng cao năng lực quản lý điều hành, người dân dễ dàng tiếp cận với thông tin và tri thức, doanh nghiệp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. CNTT cũng tạo thêm nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước và thu hẹp dần khoảng cách với các nước tiên tiến. 


Đồng chí Phùng Tấn Viết - Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu khai mạc Hội thảo
Buổi sáng, các đại biểu đã nghe 2 báo cáo chính: "Thực trạng phát triển Chính phủ điện tử tại Đà Nẵng và khả năng liên kết phát triển chính quyền điện tử tại khu vực" do ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám Đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng trình bày; "Phát triển Chính phủ điện tử trên nền tảng di động và Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công mọi lúc mọi nơi" của đại diện Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. 
Trong chương trình tọa đàm với chủ đề "Liên kết, hỗ trợ và lan tỏa phát triển Chính phủ điện tử các vùng miền" các lãnh đạo sở công nghệ thông tin và truyền thông một số địa phương có ứng dụng CNTT phát triển đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai và phát triển hạ tầng thông tin, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công tại các tỉnh thành và các sáng kiến tăng cường hợp tác giữa Chính quyền điện tử tại các vùng miền. Các đại biểu cũng đề nghị sớm có cơ chế liên thông, kết nối hạ tầng thông tin tại địa phương và Trung ương; đề xuất giải pháp và hướng cùng tháo gỡ những khó khăn trong phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2015-2020 nhằm tạo sự đồng bộ bước đầu, tạo tiền đề cho các giai đoạn tiếp theo. 
Tiếp theo, các đại biểu đã nghe thêm các báo cáo về các xu hướng công nghệ góp phần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công và xây dựng Chính phủ điện tử từ các doanh nghiệp công nghệ như "Ứng dụng công nghệ mã nguồn mở trong xây dựng Chính phủ điện tử" (Công ty DTT), "Xây dựng CQĐT hướng tới người dân" (FPT IS)…


Các đại biểu tham dự Hội thảo Chính phủ điện tử 2014
Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu đã tham dự 2 chuyên đề với nhiều tham luận được chuẩn bị công phu. 
Chuyên đề 1 "Phát triển hạ tầng thông tin thông minh: Nâng cao năng lực xây dựng Chính phủ điện tử”
Với chủ đề này, các đại biểu đã tập trung thảo luận các phương hướng, giải pháp xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin trong phát triển Chính phủ điện tử với các chủ đề nổi bật như: Giải pháp nâng cao tính mở và minh bạch hóa cho CPĐT; Quản trị hạ tầng thông tin cho khối CP; Xây dựng hạ tầng và Phát triển dịch vụ điện toán đám mây trên nền tảng mã nguồn mở - Kinh nghiệm và Giải pháp. Đặc biệt, đại diện Juniper Networks đã chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề bảo đảm an toàn hệ thống thông tin bằng cách nhận diện các cuộc tấn công và tin tặc qua báo cáo "Bảo vệ trang chủ web bằng phương pháp dẫn dụ kẻ phá hoại” 
Chuyên đề 2 "Phát triển dịch vụ công thông minh: Nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp” 
Cung cấp dịch vụ công đang là vấn đề được các địa phương trên cả nước quan tâm. Kinh nghiệm triển khai mô hình Trung tâm Hành chính công của Quảng Ninh được các đại biểu hết sức quan tâm. Đây được coi là là mô hình để "gây dựng niềm tin bước đầu" của người dân vào chính quyền điện tử, trong bối cảnh còn chưa thấy rõ được các lợi ích vượt trội của phương thức này, chưa thấy đây là một phương tiện, công cụ giao tiếp hành chính mới, có thể đáp ứng những nhu cầu về thủ tục một cách tiện lợi, nhanh chóng.
Ngoài các diễn giả trong nước, Hội thảo lần này có còn có sự góp mặt của nhiều chuyên gia quốc tế uy tín của Cisco Microsoft, Hewlett-Packard…

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính quyền điện tử của TP. Đà Nẵng, ông Phạm Kim Sơn- Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông bày tỏ quan điểm:
Muốn có một nền hành chính hiện đại, thực hành quản lý Nhà nước thông minh thì tiến trình xây dựng chính quyền điện tử hướng đến Chính phủ điện tử phải được đẩy nhanh hơn, đồng bộ hơn với một quyết tâm chính trị cao hơn, phải có hạ tầng kỹ thuật, phải có chính sách, cơ chế, phải có giải pháp và phải có nguồn lực.
Nhưng để có đủ những yếu tố đó thì phải có trước tiên quyết tâm mãnh liệt của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị. Người lãnh đạo mà không quyết liệt trong ứng dụng CNTT thì không bao giờ có được một mô hình dịch vụ công trực tuyến để phục vụ công dân, tổ chức 
Khâu quan trọng nhất trong quá trình triển khai là kiến trúc tổng thể chính quyền điện tử quy định quy trình xử lý nghiệp vụ trong giải quyết thủ tục hành chính mà công dân, tổ chức yêu cầu. Vai trò của kiến trúc tổng thể chính quyền điện tử là quy định quy trình xử lý này và huy động cả bộ máy cùng đồng bộ thực hiện một chuỗi các thao tác nghiệp vụ.


Tin cùng chuyên mục

Tin mới