Chương trình bình chọn, xếp hạng và công nhận danh hiệu do VNISA chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức định kỳ hàng năm.
Mục đích của Chương trình nhằm đánh giá, bình chọn, xếp hạng và công nhận danh hiệu cho các sản phẩm và dịch vụ tiêu biểu nhất về an toàn thông tin tại Việt Nam trong năm. Góp phần xây dựng uy tín và thương hiệu của sản phẩm và dịch vụ cho các doanh nghiệp, tổ chức an toàn thông tin và CNTT Việt Nam. Qua đó, tuyên truyền quảng bá, hỗ trợ tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu tại thị trường trong và ngoài nước.
Chương trình cũng góp phần hưởng ứng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đặc biệt là sản phẩm và dịch vụ về an toàn thông tin; giới thiệu và đưa các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin tốt của Việt Nam đến với người dùng trong và ngoài nước, góp phần định hướng cho thị trường và người sử dụng.
Qua chương trình bình chọn cũng tuyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, thúc đẩy ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin trong các ngành kinh tế, xã hội; trong các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương, thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, phát triển sản phẩm an toàn thông tin mở rộng thị trường.
Đối tượng tham dự xét công nhận danh hiệu là các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin bao gồm: Sản phẩm khoa học, kỹ thuật, công nghệ về bảo đảm an toàn thông tin; Sản phẩm công nghệ thông tin có tính năng an toàn, bảo mật cao.
Yêu cầu: Là sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh có tính năng chất lượng cao về an toàn, bảo mật thông tin; Xuất xứ từ Việt Nam, do doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam sở hữu và làm chủ công nghệ; Đã được thương mại hóa hoặc cung cấp cho thị trường; Cung cấp cho Hội đồng bình chọn đầy đủ tài liệu theo yêu cầu của mẫu hồ sơ và sản phẩm mẫu để phục vụ đánh giá kiểm nghiệm.
Hội đồng Bình chọn với thành phần là các chuyên gia có uy tín về an toàn thông tin gồm: Đại diện từ các thành viên VNISA (Ban chấp hành VNISA, Hội viên VNISA); Các chuyên gia an toàn thông tin độc lập; Chuyên gia an toàn thông tin đại diện các cơ quan quản lý chuyên ngành của Nhà nước và đại diện các báo, tạp chí chuyên ngành an toàn thông tin. Hội đồng Bình chọn làm việc theo nguyên tắc:
- Thảo luận, đánh giá độc lập trên cơ sở hồ sơ và kết quả kiểm tra thẩm định và đánh giá kỹ thuật sản phẩm mẫu;
- Bỏ phiếu theo thang điểm do Hội đồng xác định thống nhất cho từng sản phẩm, dịch vụ;
- Có tổ kỹ thuật giúp việc chuẩn bị hồ sơ và kiểm nghiệm, đánh giá kỹ thuật sản phẩm;
- Trường hợp thành viên hội đồng bình chọn là chủ sở hữu hoặc là đại diện sở hữu các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin đã đăng ký tham gia bình chọn thì không tham gia bỏ phiếu cho những sản phẩm, dịch vụ này.
Cơ cấu và hình thức trao danh hiệu danh hiệu được xem xét trao cho các sản phẩm và dịch vụ trên cơ sở đánh giá phân loại theo từng nhóm tiêu chí của Hội đồng bình chọn. Danh hiệu được trao cho chủ sở hữu của các sản phẩm, dịch vụ gồm Bằng chứng nhận danh hiệu sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao của năm (1 bản tiếng Anh, 1 bản tiếng Việt) và Cúp lưu niệm.
Danh hiệu được trao tại phiên khai mạc Hội thảo quốc tế trong khuôn khổ sự kiện thường niên Ngày An toàn thông tin Việt Nam.
Các tổ chức có sản phẩm được trao danh hiệu có quyền lợi và nghĩa vụ sau:
- Được sử dụng, khai thác thương mại danh hiệu phục vụ cho mục đích kinh doanh, tiếp thị, mở rộng thị trường;
- Được tham gia và thụ hưởng các lợi ích từ Chương trình truyền thông của danh hiệu. Ưu tiên tham gia báo cáo trong các Hội nghị, Hội thảo chuyên đề liên quan do VNISA tổ chức. Được quảng bá, tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ đạt giải liên tục 01 năm do VNISA chủ trì phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng (báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói, v.v…)
- Chủ sở hữu sản phẩm đạt danh hiệu có nghĩa vụ đóng góp kinh phí tham gia truyền thông theo quy định.
- VNISA được sử dụng tên và thương hiệu của sản phẩm, chủ sở hữu sản phẩm và các thông tin trong hồ sơ tham dự bình chọn vào các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình và các sản phẩm.
Quy trình tổ chức bình chọn gồm các bước: Đăng ký tham gia bình chọn; Chọn lọc sơ bộ (Sơ tuyển); Thẩm định, đánh giá kỹ thuật; Bình chọn xếp hạng sản phẩm, dịch vụ (Chung tuyển).
Quá trình bình chọn được dựa trên các tiêu chí cơ bản sau: Nhu cầu và hiệu quả ứng dụng; Công nghệ, chất lượng sản phẩm; Tính mới, công nghệ sáng tạo, tỉ lệ nội địa hóa; Thị trường và dịch vụ hỗ trợ; Tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường; So sánh giá cả trên tính năng; Hồ sơ tính pháp lý và bản quyền sở hữu.