Hàng tỉ bộ xử lý Intel dính lỗ hổng Downfall
Lỗ hổng Downfall ảnh hưởng hàng tỉ bộ xử lý Intel
Moghimi đã báo cáo lỗ hổng Downfall (CVE-2002-40982) cho Intel vào ngày 24/8/2022 và công ty đã xác nhận việc này tại địa chỉ https://www.intel.com/content/www/us/en/security-center/advisory/intel-sa-00828.html.
Chia sẻ trên trang https://downfall.page/, nhà nghiên cứu Moghimi cho biết lỗ hổng ảnh hưởng đến hàng tỉ bộ xử lý Intel hiện đang được sử dụng trên máy tính cá nhân và máy chủ đám mây.
Lỗ hổng cho phép kẻ gian truy cập và đánh cắp dữ liệu từ những người dùng chung máy tính. Đơn cử như mật khẩu, khóa mã hóa, thông tin chi tiết ngân hàng, email cá nhân và tin nhắn.
“Lỗ hổng này là do các tính năng tối ưu hóa bộ nhớ trong bộ xử lý Intel vô tình tiết lộ các thanh ghi phần cứng nội bộ. Điều này cho phép các phần mềm không đáng tin cậy truy cập dữ liệu được lưu trữ bởi các chương trình khác mà thông thường không thể truy cập được”, Daniel Moghimi cho biết.
Hiện tại Intel đã cung cấp các bản cập nhật vi mã để vá lỗ hổng bảo mật, đồng thời khuyến cáo người dùng bị ảnh hưởng nên cập nhật càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, Moghimi cảnh báo việc này có thể làm giảm hiệu suất lên đến 50% trong một số trường hợp nhất định.
Bộ xử lý Intel nào bị ảnh hưởng?
Đối với người tiêu dùng, tất cả PC hoặc laptop đang sử dụng bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 6 (Skylake) cho đến thế hệ thứ 11 (Tiger Lake) đều dính lỗ hổng bảo mật. Điều này có nghĩa là lỗ hổng đã tồn tại ít nhất từ năm 2015, khi Skylake được phát hành.
Do sự phổ biến của bộ xử lý Intel trên thị trường nên hầu như mọi người dùng Internet đều có thể bị ảnh hưởng, ít nhất là gián tiếp.
Intel đã công bố danh sách tất cả các bộ xử lý bị ảnh hưởng tại đây.
Lỗ hổng Downfall vừa được phát hiện làm gợi nhớ đến các lỗ hổng Meltdown và Spectre huyền thoại từ năm 2018.
Gia Minh