Threat Intelligence là gì, doanh nghiệp Việt có nên trang bị?
Thay vì bị động bảo vệ hệ thống trước các vụ tấn công, Threat Intelligence chủ động đi tìm các nguồn tấn công thông qua một loạt các biện pháp theo giấu, tìm kiếm phân tích dữ liệu trên không gian mạng, từ nguồn mở đến nguồn đóng như dark/deep web. Sau khi có kết quả, dữ liệu về mối đe dọa sẽ được gửi cho các khách hàng là doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Threat Intelligence.
Từ đây, các doanh nghiệp sẽ có những biện pháp tăng cường bảo mật, vá lỗ hổng nguy hiểm, cảnh báo đến nhân sự những mối đe dọa tiềm tàng có thể xuất hiện trong các email lạ.
Chẳng hạn, tình báo thông minh của Kaspersky có thể phát hiện hơn 350.000 mã độc mới mỗi ngày bằng cách quét hơn 20PB (20 triệu GB) dữ liệu nguy hiểm. Nhờ điều tra và phát hiện sớm, các doanh nghiệp có thể chủ động đối phó với những mã độc nguy hiểm nhất ngay trước khi nó kịp lây lan.
Báo cáo của IBM năm 2019 cho thấy có 8,5 tỷ vụ xâm nhập an ninh mạng vào năm 2019, trong đó có hơn 150,000 lỗ hổng bảo mật khiến các tổ chức phải đau đầu tìm cách vá. Kết quả là các vụ tấn công công nghệ vận hành (OT) đã tăng 2.000% so với năm trước đó. OT được sử dụng chủ yếu trong công nghiệp sản xuất khép kín nhưng nay đã trở thành miếng mồi béo bở với các tin tặc ở thời đại Internet vạn vật kết nối này (IoT).
Điều này cho thấy sự cần thiết của việc trang bị Threat Intelligence với mọi loại hình doanh nghiệp khác nhau. Các doanh nghiệp sau khi đăng ký sử dụng với các nhà cung cấp (Viettel, CMC, FireEye, Bitdefender...) sẽ nhận được thông tin về các mối đe dọa mất an toàn an ninh mạng và cách phòng ngừa nó liên tục 24/7.
Tuy nhiên, bởi vì Threat Intelligence đưa ra cảnh báo sớm và ngăn chặn các mối đe dọa, nên khách hàng có thể sẽ không nhìn thấy được lợi ích của việc sử dụng dịch vụ này. Chỉ đến khi bị tấn công và chịu thiệt hại nhất định, doanh nghiệp mới ‘tỉnh đòn’. Hồi cuối tháng 7/2020, Công ty Chứng khoán VPS (Hà Nội) đã phải chịu các đợt tấn công DDoS liên tiếp gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư.
Theo báo cáo của công ty an ninh mạng Recorded Future, các giải pháp Threat Intelligence đã giúp khách hàng của họ đạt tỷ suất hoàn vốn tăng 284%, giảm 34% thời gian cho các nhân viên làm báo cáo an ninh mạng, tăng 32% hiệu quả hoạt động của đội IT, giúp phát hiện sớm gấp 10 lần mối đe dọa, và các giải pháp an ninh mạng hiệu quả nhanh hơn 63%.
Tuy vậy, mức giá từ vài nghìn đến hàng chục nghìn USD mỗi năm cho sử dụng dịch vụ Threat Intelligence có thể làm các doanh nghiệp vừa và nhỏ chùn bước. Ngoài ra, mỗi công ty an ninh mạng sẽ có một cơ sở dữ liệu khác nhau, đáp ứng các nhu cầu bảo vệ ở những mức độ khác nhau cho từng doanh nghiệp.
Theo Kaspersky, các giải pháp giá rẻ khác mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể triển khai nếu không muốn sử dụng các công cụ thông minh là phân quyền truy cập của nhân viên theo cấp bậc, cung cấp VPN để kết nối, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân viên về việc sử dụng email trong công ty, không sử dụng các phần mềm lậu. Tất nhiên, đây chỉ là các giải pháp giúp hạn chế phần nào rủi ro phát sinh từ nội bộ và không thể ngăn chặn được các cuộc tấn công có chủ đích từ bên ngoài.
Đó là lý do các doanh nghiệp không chuyên, có quy mô từ 50 người trở lên cần trang bị các biện pháp bảo vệ mạnh hơn như dùng dịch vụ Threat Intelligence, nền tảng Trung tâm SOC, theo khuyến cáo của các chuyên gia. Hãng bảo mật Bitdefender đưa ra dự báo đến năm 2020, 20% các doanh nghiệp lớn sẽ trang bị dịch vụ Threat Intelligence so với chỉ hơn 10% như hiện nay.
Đ.T ( Tổng hợp)