Mô hình xác thực sinh trắc học đa nhân tố

09:00 | 02/02/2022 | GIẢI PHÁP KHÁC
Hệ thống xác thực sinh trắc đa nhân tố sử dụng nhiều yếu tố sinh trắc khác nhau cho quá trình xác thực giúp khắc phục những nhược điểm của hệ thống xác thực sinh trắc học đơn nhân tố chỉ sử dụng một nhân tố sinh trắc đơn lẻ, đồng thời nâng cao độ an toàn, bảo mật cho hệ thống xác thực. Bài báo này sẽ trình bày về xác thực sinh trắc học đa nhân tố với các mô hình kết hợp các mức khác nhau (mức đặc trưng, mức điểm số, mức quyết định).

GIỚI THIỆU

Hệ thống xác thực sinh trắc học dựa trên cơ sở “bạn là ai” để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng và nâng cao hạ tầng an toàn [1]. Hệ thống xác thực sinh trắc học có nhiều lợi thế hơn so với xác thực dựa trên mật khẩu hoặc xác thực dựa trên token truyền thống, là những phương pháp xác thực dựa trên cơ sở “những gì bạn biết hay có” (tham khảo bảng 4 trong tài liệu [5] được in trong Tạp chí An toàn thông tin). Ví dụ, hệ thống sinh trắc học có thể tránh được những bất tiện của việc ghi nhớ mật khẩu dài hay mất token [2]. Xác thực sinh trắc học trở thành một kỹ thuật kiểm soát truy cập phổ biến và đáng tin cậy, hiện đã trở thành tính năng tiêu chuẩn trong các thiết bị di động thông minh [3]. Tuy nhiên, mô hình xác thực đơn nhân tố (đã được đề cập trong tài liệu [6] in trong Tạp chí An toàn thông tin) có nhược điểm thường có hạn chế về độ chính xác, độ ổn định đối với những yêu cầu ứng dụng đòi hỏi độ chính xác cao (như nhận dạng, xác thực ở sân bay). Ngoài ra, hệ thống xác thực đơn nhân tố phụ thuộc vào một đặc điểm sinh trắc học duy nhất nên khi đặc điểm này không sẵn sàng (ví dụ như giọng nói bị thay đổi do yếu tố sức khỏe, khuôn mặt thay đổi theo thời gian) thì hệ thống xác thực cũng sẽ không hoạt động.

Hệ thống xác thực sinh trắc đa nhân tố khắc phục những nhược điểm của hệ thống xác thực sinh trắc học đơn nhân tố và nâng cao độ an toàn, bảo mật của hệ thống xác thực bằng việc sử dụng nhiều yếu tố sinh trắc khác nhau cho quá trình xác thực. Tuy nhiên, việc kết hợp các yếu tố sinh trắc học tạo ra nhiều mô hình xác thực sinh trắc học đa nhân tố. Trong phần tiếp theo, bài báo sẽ phân tích và trình bày các mô hình xác thực sinh trắc học đa nhân tố ở các mức kết hợp khác nhau, nhưng trước hết phần II sẽ giới thiệu sơ lược về mô hình xác thực sinh trắc học đơn nhân tố và những nhược điểm tồn tại của mô hình này.

MÔ HÌNH XÁC THỰC SINH TRẮC HỌC ĐƠN NHÂN TỐ

Mô hình xác thực sinh trắc học đơn nhân tố bao gồm hai giai đoạn: đăng ký (Enrollment) và nhận dạng (Recognition) như trong Hình 1.

Hình 1. Mô hình xác thực sinh trắc học đơn nhân tố

Giai đoạn đăng ký

Giai đoạn đăng ký được mô tả trong Hình 2 gồm các bước: thu nhận dữ liệu sinh trắc học (Biometric sensor và Input Image), trích xuất đặc trưng (Feature extractor) (cải thiện chất lượng dữ liệu, đánh giá chất lượng dữ liệu và trích xuất đặc trưng), tạo mẫu tham chiếu (Template) và lưu trữ vào cơ sở dữ liệu (Database).

Hình 2. Giai đoạn đăng ký

Đăng ký là quá trình quan trọng nhất của một hệ thống xác thực sinh trắc học. Kết quả của giai đoạn đăng ký là thực hiện lấy mẫu tham chiếu và đóng vai trò quyết định tới việc xác thực có thành công sau này hay không. Trong đó, chất lượng mẫu tham chiếu là yếu tố quyết định tính bền lâu của đặc điểm sinh trắc được sử dụng.

Giai đoạn nhận dạng

Giai đoạn nhận dạng (Hình 3) sẽ bao gồm các bước: thu nhận dữ liệu sinh trắc (Data Acquisition), trích xuất đặc trưng (Signal Processing), đối sánh với mẫu tham chiếu (Comparison) và ra quyết định (Decision).

Hình 3. Giai đoạn nhận dạng

Tùy thuộc vào hệ thống định danh (Identification) hay xác minh (Verification), thì bước đối sánh với mẫu tham chiếu có sự sai khác (đối sánh 1:1 cho xác minh và đối sánh 1:n cho định danh) (Hình 4).

Hình 4. So sánh quá trình định danh và xác minh

Nhược điểm mô hình xác thực đơn nhân tố

Ngày nay, các hệ thống xác thực sinh trắc học trong các ứng dụng thực tiễn phần lớn là mô hình xác thực đơn nhân tố. Tuy nhiên, hệ thống này tồn tại nhiều điểm hạn chế, Ross et al. [4] chỉ ra rằng không hệ thống xác thực sinh trắc học đơn nhân tố nào đủ mạnh có thể giải quyết các nguy cơ gây ra bởi các yếu tố bên ngoài.

Hệ thống xác thực đơn nhân tố thường đối mặt với những vấn đề lớn gặp phải như:

- Vấn đề nhiễu: Trong bước lấy mẫu sinh trắc học, dữ liệu mẫu thu được thường có sự sai khác do nhiều yếu tố gây ra. Ví dụ : Ngón tay có vết xước trên vân tay hay giọng nói thay đổi do người dùng bị cảm lạnh. Vấn đề dữ liệu sinh trắc học bị nhiễu gây ra kết quả không chính xác khi xác thực.

- Yếu tố sinh trắc học thay đổi: yếu tố sinh trắc học hoàn toàn có thể bị thay đổi theo thời gian, ví dụ như khuôn mặt có thể thay đổi theo độ tuổi của con người.

- Khả năng chống phá hoại: Kẻ tấn công giả dạng thành công người dùng bằng cách làm sai lệch dữ liệu sinh trắc học lấy từ người dùng.

Những hạn chế của mô hình xác thực sinh trắc học đơn nhân tố có thể được giải quyết bằng cách kết hợp nhiều nhân tố sinh trắc học trong quá trình xác thực hay còn được gọi là mô hình xác thực sinh trắc học đa nhân tố. Mô hình xác thực này an toàn hơn bởi tích hợp nhiều lớp xác thực độc lập và giúp giải quyết những vấn đề còn thiếu sót trong mô hình xác thực sinh trắc học đơn nhân tố.

MÔ HÌNH XÁC THỰC SINH TRẮC HỌC ĐA NHÂN TỐ

Mô hình xác thực sinh trắc học đa nhân tố kết hợp mức đặc trưng

Kết hợp các đặc trưng (Feature Fusion) khác nhau để tạo ra một tập hợp đặc trưng mới. Ví dụ, về kết hợp mức đặc trưng có thể thực hiện với người dùng được thực hiện trích xuất bằng nhiều cảm biến. Khi các vectơ đặc trưng là đồng nhất, chẳng hạn như nhiều hình ảnh vân tay, giá trị trung bình có trọng số của các đặc trưng riêng lẻ có thể được tính toán tạo ra một vectơ đặc trưng (Feature vector) duy nhất (Hình 5).

Mô hình xác thực sinh trắc học đa nhân tố kết hợp mức điểm số

Hệ thống xác thực sinh trắc học đa nhân tố kết hợp mức điểm số (Score fusion) giữa các điểm số riêng biệt của các nhân tố sinh trắc khác nhau đưa ra điểm số tổng (Total score) để so sánh với ngưỡng (Threshold) cho trước trong việc đưa ra quyết định khớp/không khớp (Hình 6). Do đó, tổng hợp điểm so sánh nói chung là cách tiếp cận được ưu tiên để tích hợp dữ liệu. Điểm số tổng được kết hợp bằng nhiều kỹ thuật khác nhau để tạo ra một điểm số mới để so sánh với ngưỡng. Ngày nay, có hai cách tiếp cận chính được sử dụng để tạo ra điểm số so sánh là phân lớp và tổ hợp.

Trong cách tiếp cận phân lớp, mô hình có thể xây dựng một vectơ đặc trưng với các điểm số riêng lẻ và sau đó phân thành lớp với nhãn chấp nhận hoặc loại bỏ. Cách tiếp cận phân lớp có thể sử dụng thuật toán cây quyết định, SVM hoặc LDA để phân lớp vectơ đặc trưng xác định người dùng là giả mạo hoặc thật. Với phương pháp tổ hợp, mô hình tổ hợp các điểm số riêng lẻ để tạo ra một điểm số vô hướng duy nhất để đưa ra quyết định cuối cùng. Phương pháp tổ hợp tạo ra điểm số tổng hợp tạo ra hiệu suất vượt trội so với mức kết hợp khác.

Mô hình xác thực sinh trắc học đa nhân tố kết hợp mức quyết định

Ở kết hợp mức quyết định (Decision Fusion), mỗi mô hình xác thực sinh trắc học riêng lẻ đưa ra một quyết định xác thực và sau đó những quyết định đó được kết hợp bằng cách sử dụng phương pháp tương tự như bỏ phiếu chọn đa số. Hai quá trình xác thực riêng được kết hợp mức quyết định với đâu ra là quyết định có/không. Kết hợp ở mức độ quyết định thường được sử dụng nhưng được coi là không mềm dẻo và khá đơn giản do thông tin quyết định có sẵn rất hạn chế. Tuy nhiên, đối với một số mô hình triển khai nhất định, việc sử dụng mô hình này có tính khả thi cao (Hình 7).

Ưu điểm mô hình xác thực sinh trắc học đa nhân tố

Nhìn chung, hệ thống xác thực sinh trắc học đa nhân tố cung cấp hiệu suất nhận dạng vượt trội so với hệ thống xác thực sinh trắc học đơn phương thức. Hệ thống đa phương thức cung cấp một loạt các ưu điểm:

- Giảm số lần chấp nhận sai và từ chối sai, do đó cải thiện đáng kể độ chính xác đối sánh và hiệu suất tổng thể của hệ thống xác thực sinh trắc học, điều này giúp giảm đáng kể tỷ lệ lỗi.

Hình 5. Mô hình xác thực sinh trắc học đa nhân tố kết hợp mức đặc trưng

Hình 6. Mô hình xác thực sinh trắc học đa nhân tố kết hợp mức điểm số

Hình 7. Mô hình xác thực sinh trắc học đa nhân tố kết hợp mức quyết định

- Ngăn chặn tốt hơn những tấn công hệ thống xác thực sinh trắc học vì rất khó để giả mạo đồng thời nhiều đặc điểm.

- Mở rộng phạm vi khả năng hoạt động của hệ thống xác thực trong điều kiện môi trường khắc nghiệt có thể chấp nhận được (ví dụ: môi trường cần phải giảm tiếng ồn) để xác thực hoặc định danh có thể thực hiện.

- Cung cấp thêm giải pháp bổ trợ cho việc ghi danh, xác minh và nhận dạng, tăng tính khả dụng của hệ thống sinh trắc học, mở rộng đối tượng sử dụng và giảm thiểu tác động của sự khác biệt giữa các đối tượng sử dụng.

Hệ thống xác thực sinh trắc học đa nhân tố còn một số nhược điểm như chi phí cao, phức tạp và thời gian xử lý lâu hơn. Song, những nhược điểm này được bù đắp lại bằng ưu điểm của mô hình mang lại.

KẾT LUẬN

Công nghệ xác thực bằng sinh trắc học cung cấp mức độ bảo mật cao hơn, tiện lợi hơn so với các phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, hệ thống sinh trắc học cũng không tránh khỏi các lỗi khi so khớp, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm các yếu tố về môi trường triển khai, tương tác với người dùng và cả sức mạnh của thuật toán thực hiện so sánh. Do đó, có thể sử dụng kết hợp nhiều yếu tố sinh trắc để có thể bảo mật tốt hơn cho các hệ thống yêu cầu cao về tính bảo mật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. McAteer, A. Ibrahim, G. Zheng, W. Yang, and C. Valli, “Integration of biometrics and steganography: A comprehensive review,” Technologies, vol. 7, no. 2, pp. 34, 2019.

2. M. A. Nematollahi, and S. A. R. Al-Haddad, “Distant speaker recognition: an overview,” International Journal of Humanoid Robotics, vol. 13, no. 02, pp. 1550032, 2016.

3. W. Meng, D. S. Wong, S. Furnell, and J. Zhou, “Surveying the development of biometric user authentication on mobile phones,” IEEE Communications Surveys & Tutorials, vol. 17, no. 3, pp. 1268-1293, 2014.

4. Ross, A. A., Nandakumar, K., & Jain, A. K. (2006). Handbook of multibiometrics (Vol. 6). Springer Science & Business Media.

5. http://www.antoanthongtin.vn/giai-phap-khac/xac-thucda-nhan-to-lieu-co-an-toan-tuyet-doi-phan-mot-106715.

6. Trần Quang Kỳ. Xác thực đa nhân tố: nhu cầu và phát triển. Tạp chí An toàn thông tin, số 1(53) 2020.

ThS. Nguyễn Thị Hồng Hà

Tin cùng chuyên mục

Tin mới