Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Xelex: Làm chủ công nghệ hướng tới mục tiêu Make in Vietnam

14:00 | 09/09/2022 | DOANH NGHIỆP
Sau Hội thảo được tổ chức rất thành công của Công ty Cổ phần Công nghệ Xelex và Công ty Cổ phần Điện Quang với chủ đề “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất các thiết bị Điện tử, Công nghệ thông tin và Viễn thông Make in Vietnam”, phóng viên Tạp chí An toàn thông tin đã có buổi gặp gỡ và phỏng vấn ông Nguyễn Ái Hữu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Xelex về định hướng cũng như sản phẩm của công ty với mục tiêu góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử và vi mạch Việt Nam phát triển, bền vững.

Ông Nguyễn Ái Hữu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Xelex

Phóng viên: Rất cảm ơn ông đã nhận lời phỏng vấn của Tạp chí An toàn thông tin. Thưa ông Hữu! Một chủ đề nóng thu hút sự quan tâm trên thế giới hiện nay là tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu. Việt Nam tuy chưa có nhà máy sản xuất chế tạo chip nhưng cũng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng chip khi có mặt ở khâu thiết kế, đóng gói kiểm thử. Vậy theo ông Việt Nam nên có những điều chỉnh gì để có thể phát triển lĩnh vực vi mạch điện tử quốc gia?

Ông Nguyễn Ái Hữu: Để thực hiện một chiến lược phát triển vi mạch điện tử quốc gia thì điều đầu tiên cần phải nói đến đó là một sự đầu tư về tài chính rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam là một đất nước đang phát triển, nên việc đầu tư một nhà máy để sản xuất vi mạch là rất khó vì chi phí sẽ quá cao. Chính vì vậy, chúng ta nên hướng đến mục tiêu thiết kế vi mạch thay vì sản xuất. Để thực hiện được điều đó thì yếu tố con người là vô cùng quan trọng, vì làm ra được những vi mạch chất lượng cao thì cần có những chuyên gia có kinh nghiệm từ 20 đến 30 năm trong lĩnh vực này.

Theo tôi, Chính phủ nên "chọn mặt gửi vàng", cụ thể ở đây là việc lựa chọn những công ty có đủ nhân tài cũng như năng lực để có thể thực hiện được mục tiêu phát triển vi mạch điện tử quốc gia. Trên thế giới có thể kể đến như Mỹ, ngày 09/8/2022 vừa qua, Tổng thống Jo Biden đã ký đạo luật tài trợ 52 tỷ USD cho các nhà sản xuất bán dẫn tại Mỹ. Có thấy được việc đầu tư cho các doanh nghiệp có tiềm năng là điều không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng đang hướng đến. 

Phóng viên: Hiện nay tại Việt Nam, các sản phẩm điện tử đặc biệt là các thiết bị điện thoại, máy tính bảng nội địa vẫn chưa được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi. Theo ông giải pháp nào giúp thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm điện tử nội địa tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Ái Hữu: Có thể thấy được tâm lý của người Việt Nam vẫn đang có xu hướng “sính ngoại” và điều này càng thể hiện rõ nét trên các sản phẩm đồ điện tử. Để có thể thay đổi được xu hướng này thì chính sách tiêu thụ sản phẩm của Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Ví dụ như việc Chính phủ có thể đưa ra những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản suất các thiết bị điện tử trong nước hay các chính sách ưu đãi cho người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm mang thương hiệu Make in Vietnam. Qua đó, chúng ta có thể tạo được ra những dòng tiền và tái đầu tư cho những doanh nghiệp trong nước để tạo ra nhiều công việc và phổ cập sản phẩm đến người dân. Các doanh nghiệp khi được sự quan tâm từ phía Nhà nước thì sẽ có nguồn thu, từ đó có kinh phí giúp nâng cao kỹ thuật, trình độ, chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế khác trong nước. Tôi hi vọng rằng với giải pháp này trong thời gian tới sẽ có thể thay đổi hành vi người dùng và nâng cao được vị thế các sản phẩm điện tử nội địa tại Việt Nam.

Phóng viên: Có thể thấy sự phát triển thành công của nền công nghiệp điện tử trong nước đòi hỏi các nguồn kinh phí đầu tư ban đầu rất lớn và cần phải có một đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên trên thực tế nguồn nhân lực đó ở Việt Nam chưa nhiều, như vậy các đề án phát triển sản phẩm hay những mục tiêu khác sẽ khó thực hiện. Vậy theo ông việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hiện nay cần chú trọng điều gì?

Ông Nguyễn Ái Hữu: Hiện nay để có được một nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực điện tử thì việc giảng dạy trên ghế nhà trường là chưa đủ, mà chúng ta phải tận dụng được những chuyên gia tại những công ty công nghệ để họ tham gia vào đào tạo, hỗ trợ sinh viên ngay từ lúc còn trên ghế nhà trường. Việc kết hợp đào tạo này sẽ giúp các em sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ có được kinh nghiệm làm việc thực tế, giúp nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tạo ra nhiều cơ hội phát triển tiềm năng. Là một trong những công ty tiên phong trong việc phối hợp đào tạo này, Xelex luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm đó với những trường đại học trong nước để phát triển hơn nữa nguồn nhân lực tiềm năng của đất nước.

Phóng viên: Được biết công ty Xelex là đơn vị tiên phong tham gia sản xuất máy tính bảng mang thương hiệu “Make in Vietnam” và đã cho ra đời 3 dòng máy tính bảng. Thưa ông, đâu là thế mạnh của 3 dòng sản phẩm này giúp công ty có thể cạnh tranh với các dòng máy tính bảng khác trong thị trường nội địa?

Ông Nguyễn Ái Hữu: Để có thể cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường thì chúng tôi hướng đến mục tiêu các sản phẩm máy tính bảng của công ty sẽ không đơn thuần là những máy tính bảng thông thường, mà sẽ cung cấp một hệ sinh thái phần mềm và các dịch vụ trên thiết bị máy tính bảng của mình. Vì để chinh phục được khách hàng nội địa thì chúng ta phải có những điểm khác biệt so với các đối thủ khác.

Cụ thể trên các máy tính bảng của Xelex sẽ được cài đặt ứng dụng Mr.Argi và X-Mart giúp số hóa nông nghiệp và các dịch vụ về nông nghiệp như lập kế hoạch sản xuất nông nghiệp, theo dõi tài chính, mua bán trao đổi các mặt hàng nông sản,... Không chỉ vậy, Xelex cũng đang hướng tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vì hiện nay có thể thấy được điều kiện giáo dục tại các khu vực thành thị đang được chú trọng hơn đối với các khu vực nông thôn. Nhận thấy được điều đó, Xelex đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa các thiết bị máy tính bảng hỗ trợ việc giáo dục tại các khu vực nông thôn, giúp kéo ngắn khoảng cách giữa hai khu vực nông thôn và thành thị. Đây là hai thế mạnh mà Xelex đang thực hiện rất hiệu quả.

Ba dòng máy tính bảng mới nhất của Xelex

Phóng viên: Một vấn đề khác liên quan thu hút sự quan tâm lớn của người dùng là việc mất an toàn khi sử dụng các thiết bị, dẫn đến rò rỉ thông tin cá nhân/ tổ chức, gây thiệt hại về tài chính... Không rõ, phía công ty đã có những biện pháp nào để đảm bảo an toàn trên thiết bị máy tính bảng của mình?

Ông Nguyễn Ái Hữu: Để có thể đảm bảo được vấn đề an toàn khi sử dụng các thiết bị máy tính bảng thì điều đầu tiên chúng ta phải nói đến là việc làm chủ được công nghệ và sản xuất. Điều này giúp kiểm soát các thiết bị phòng tránh khỏi rủi ro tồn tại cửa hậu (backdoor) hay những con chip có thể gửi dữ liệu đi những nơi khác, từ đó đảm bảo an toàn kết nối cũng như các giao dịch số quan trọng.

Với sản phẩm máy tính bảng của Xelex, chúng tôi đã làm chủ được cả công nghệ và quy trình sản xuất nên đã tối ưu hóa được việc đảm bảo an toàn thông tin trên các thiết bị máy tính bảng do công ty sản xuất. Đồng thời, công ty đã tích hợp tính năng mã hóa và bảo vệ nhiều lớp để nâng mức độ an toàn cho người dùng sử dụng.

Xin cảm ơn ông Nguyễn Ái Hữu về cuộc trò chuyện. Chúc ông và công ty Xelex ngày càng phát triển và thành công hơn nữa trên con đường mà công ty đang hướng đến!

Quốc Trường

Tin cùng chuyên mục

Tin mới