Thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ nội dung số trên Internet băng thông rộng

09:00 | 08/06/2018 | CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, hiện nay, các nước trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang bước vào giai đoạn 2 của kỷ nguyên chuyển đổi số (digital transformation). Trong đó, việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ nội dung số, đặc biệt trên Internet băng thông rộng là rất quan trọng.


Ông Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế 4G/5G

Dịch vụ nội dung số trong kỷ nguyên mới

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, 3 tiêu chí đặt ra cho sản phẩm nội dung số trong tương lai là kết nối, phối hợp và đo lường. Điều này đặt ra các vấn đề trong việc chuyển đổi nội dung số để thích ứng với nhu cầu sử dụng của người dùng, với sự đầu tư công nghệ của các nhà cung cấp dịch vụ và các đơn vị tham gia trong chuỗi giá trị.


Hệ sinh thái nội dung số

Đối với các nhà sản xuất, cấu trúc nội dung số ngày nay đã không còn đầy đủ, mà cần kèm theo các chỉ dẫn siêu dữ liệu (metadata) để khai thác chỉ dẫn về nội dung, gia tăng dịch vụ và tùy chỉnh theo từng ngữ cảnh cụ thể để cung cấp nội dung số đáp ứng nhu cầu người dùng. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng cần chuẩn bị sẵn sàng dịch vụ và nội dung số để phù hợp với những thay đổi đột phá về công nghệ trong hiện tại và tương lai.

Ngành công nghiệp nội dung số trên thế giới có tốc độ tăng trưởng rất nhanh với 1,7 nghìn tỷ USD vào năm 2014, trong đó Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có doanh số tăng mạnh nhất. Tại Việt Nam, doanh thu nội dung số năm 2016 là khoảng 1,5 tỷ USD. Đặc biệt, nội dung video cũng có độ tăng trưởng lớn. Tốc độ tăng trưởng của video trên thiết bị di động trên thế giới hiện tại là 55%/năm; mạng xã hội là 41%/năm. Tổng thời gian sử dụng điện thoại thông minh xem video của giới trẻ vào năm 2016 là 71% (tăng 150% so với 2015). Trung bình, một người dùng Internet tại Việt Nam sử dụng 2,5 giờ mỗi ngày để xem video trực tuyến.

Công nghiệp nội dung số tại Việt Nam

Công nghiệp nội dung số bao gồm 3 thành phần: công nghệ thông tin, viễn thông và sản xuất nội dung. Ngành công nghiệp nội dung số là ngành mà các đơn vị tham gia vào quá trình sản xuất, lưu trữ, phân phối các sản phẩm nội dung số. Các sản phẩm, dịch vụ nội dung số nổi bật gồm: báo điện tử, mạng xã hội, truyền hình số, đào tạo trực tuyến, y tế trực tuyến, game trực tuyến, âm nhạc số, nội dung cho các mạng di động, quảng cáo số, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến… Đặc biệt, thể thao điện tử, game trực tuyến, game trên thiết bị di động và mạng xã hội đang có xu hướng phát triển mạnh.

Theo thống kê, tại Việt Nam có khoảng 4.500 doanh nghiệp và hơn 70.000 lao động hoạt động trong ngành công nghiệp nội dung số. Tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới trên 20%/năm. Các đơn vị đặt viên gạch nền móng cho ngành công nghiệp nội dung số là các công ty truyền thông, công nghệ như VTC, VNG, VCCorp… Gần đây có sự tham gia tích cực của nhà mạng và nhà sản xuất nội dung số. Đối với nhà mạng, khi xây dựng nền tảng băng thông rộng 4G/5G thì trước tiên phải có sản phẩm nghiệp vụ để tối ưu hóa việc sử dụng, đầu tư của công nghệ, từ đó có thể nhanh chóng thu hồi vốn và tạo ra hiệu quả kinh doanh. Đối với nhà sản xuất nội dung số, không đơn thuần chỉ là các đơn vị tham gia trong lĩnh vực truyền hình mà còn có sự tham gia của các đơn vị sản xuất nội dung khác như sản xuất game.

Xu hướng dịch vụ nội dung số

Nội dung số tương lai không còn sự khác biệt về định dạng (đa định dạng  - Multimedia) và kênh phân phối (đa nền tảng - Multiplatform), mà được sản xuất để phân phối đồng thời trên các phương thức tương tác khác nhau, được gọi là truyền thông đa hình thái (Multimodal). Truyền thông đa hình thái, dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (Aritificial Intelligence) là các xu hướng chính trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Về chiến lược nội dung, có những chuẩn mực mới tập trung vào việc sử dụng siêu dữ liệu và mô hình sản xuất một lần có thể phân phối nhiều nơi (Create Once, Publish Everywhere - COPE).

Tại Việt Nam, sự phát triển của Internet băng thông rộng và 4G LTE khiến nền công nghiệp nội dung số và các xu hướng nội dung số có khả năng phát triển nhanh chóng. Các công nghệ đang phát triển bao gồm 4G, IoT, video và mạng xã hội đã tạo nên xu hướng phát triển bùng nổ dịch vụ nội dung số chất lượng cao. Ngoài ra, các nhà cung cấp nội dung số cũng có xu hướng kết hợp với nhau, triển khai nhiều dịch vụ nội dung, dịch vụ gia tăng nhằm thúc đẩy khách hàng sử dụng dịch vụ dữ liệu nhiều hơn, đồng thời nhằm giúp dịch vụ nội dung số phát triển đồng bộ, đảm bảo hiệu quả khai thác thương mại trên nền tảng 4G LTE.

Về việc chuyển dịch nội dung số trong lĩnh vực truyền hình, trước đây hạ tầng truyền hình và hạ tầng viễn thông được coi là khá độc lập. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua đã chứng kiến sự hội tụ giữa hai hạ tầng này do sự phát triển của công nghệ. Từ đó, dẫn tới nhu cầu hội tụ về dịch vụ truyền hình. Sản xuất dịch vụ truyền hình bây giờ không chỉ đơn thuần là sản xuất một chương trình truyền hình, mà còn sản xuất một hệ thống các sản phẩm nội dung dịch vụ truyền hình, sử dụng các kênh truyền thông hỗn hợp. Các kênh truyền thông không chỉ là kênh truyền hình thuần túy trên hệ thống truyền hình quảng bá, mà còn trên hệ thống truyền hình qua giao thức Internet (Internet protocol television - IPTV), hệ thống di động, mạng xã hội…. Điều này đã dẫn tới sự thay đổi về quan niệm và góc nhìn của các đơn vị trong lĩnh vực sản xuất truyền hình.

Người dùng có thể tiếp cận nội dung truyền hình theo hướng đối tượng như nhóm, sở thích, phương tiện truy cập, thời điểm truy cập, ngữ cảnh sử dụng dịch vụ… Các nhà sản xuất phải xây dựng mô hình từ công nghệ đến cách thức quản trị, sản xuất nội dung và đảm bảo nội dung được phân phối trên đa nền tảng. Nội dung sản xuất cần phải được tích hợp và thích hợp với nhu cầu người sử dụng. Người dùng không chỉ xem nội dung truyền hình mà còn có thể kết nối, tương tác với những người đang cùng xem và phản hồi, làm thay đổi nội dung truyền hình. Đây chính là những thay đổi, chuyển dịch trong lĩnh vực truyền hình.

Các đơn vị truyền hình mở rộng khả năng khai thác giá trị gia tăng, siêu dữ liệu truyền hình để cung cấp dịch vụ gia tăng trên đó. Mô hình chung mà các đơn vị truyền hình cũng như các đơn vị khác trong lĩnh vực nội dung số đang sử dụng là dịch vụ có trả tiền, cung cấp những nội dung có thu phí ngoài nội dung phổ biến mà tất cả người dùng đều được tiếp cận.

Lĩnh vực truyền hình cũng đang áp dụng các tư tưởng, chiến lược về thay đổi cấu trúc nội dung. Lấy ví dụ, chương trình Bữa Trưa Vui Vẻ của VTV6 được kết nối với người sử dụng trên mạng xã hội. Cụ thể, ngay khi chương trình phát sóng, hệ thống của chương trình sẽ cho phép thống kê hành vi, thói quen, sở thích, vị trí và cách thức mà người sử dụng tương tác với chương trình. Nội dung sản xuất có thể tùy biến, dựa trên dữ liệu đầu vào là bình luận, ý kiến, yêu cầu của khán giả. Nếu một nội dung được đặt nhiều câu hỏi, số lượng khán giả quan tâm lớn, thì sẽ được truyền tải đến khách mời. Nội dung cũng phụ thuộc vào cách thức tương tác, trả lời của khách mời đã được đơn vị sản xuất tư vấn, từ đó đáp ứng nhu cầu người sử dụng.

Biện pháp thúc đẩy phát triển sản phẩm dịch vụ nội dung số trên Internet băng thông rộng

Biện pháp tổng quan để thúc đẩy sự phát triển sản phẩm dịch vụ nội dung số là phát triển hướng đến mô hình truyền thông đa hình thái. Ở mô hình này, phương thức truyền thông và phương thức truyền tải nội dung đến với khản giả là có thể thay đổi, không cố định. Chúng sẽ dựa trên tương tác, phản hồi của khán giả và người sử dụng, thay vì chỉ truyền thông một chiều. Mô hình được khuyến nghị là COPE. Mô hình này hoạt động theo cách sản xuất nội dung tại một nơi và phân phối nhiều nơi. Do đó, một đơn vị tham gia phải có chiến lược thiết kế để nội dung có thể đến được nhiều nơi và trên nhiều hạ tầng khác nhau.

Đối với nhà cung cấp dịch vụ nội dung số, cần đảm bảo 2 yếu tố là tính chuẩn hóa và tính hội tụ của hạ tầng mạng và dịch vụ, đồng thời không có sự phân biệt giữa các thiết bị đầu cuối. Một mạng có thể truyền tải nhiều dịch vụ, một dịch vụ có thể phân phối trên nhiều mạng, các dịch vụ không tách biệt riêng rẽ mà có thể gắn kết, không có nhiều khác biệt về yêu cầu tiêu chuẩn truy cập các dịch vụ trên thiết bị đầu cuối….

Đối với các đơn vị tham gia vào ngành công nghiệp nội dung số, cần quy hoạch nền tảng truyền dẫn, chuyển đổi từ mô hình hội tụ di động - cố định (Fixed Mobile Convergence) sang mô hình phân phối truyền thông đa hình thái, thay vì xây dựng các chiến lược phát triển nội dung riêng rẽ cho từng hạ tầng băng thông rộng riêng biệt (DSL, Fiber, 3G, 4G,…). Dữ liệu khi được sản xuất phải quan tâm đến siêu dữ liệu, từ đó có thể làm giàu dữ liệu, khai thác được dữ liệu một cách tối ưu.

Để sản phẩm dịch vụ nội dung số trong kỷ nguyên mới được phát triển bền vững, nhà mạng, nhà sản xuất nội dung và nhà phát triển ứng dụng phải có sự kết hợp tích cực với nhau. Cần đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán điện tử, thanh toán dịch vụ nội dung số. Nhà nước nên truyền thông và hoàn thiện hành lang pháp lý nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền, sở hữu trí tuệ, có chế tài khi vi phạm bản quyền; ban hành chính sách về môi trường kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích xã hội hóa các vấn đề sản xuất nội dung, đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp kinh doanh nội dung số trong và ngoài nước. Đồng thời, cần có các chương trình cụ thể để khuyến khích các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nội dung số. Đặc biệt, lưu ý đến công tác bảo mật và an toàn thông tin.

Thảo Uyên

Tin cùng chuyên mục

Tin mới