Tham dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã của Thành phố, đại diện Công ty ST Electronics (Singapore), Microsoft Việt Nam, các chuyên gia về quản lý giao thông của Singapore.
Tại hội thảo, theo các chuyên gia Singapore, quá trình phát triển đối với các thành phố lớn như Hà Nội, đều sẽ có tình trạng ùn tắc giao thông. Ở Singapore vào những năm 70 của thế kỷ trước, tắc nghẽn giao thông đã trở thành vấn đề bức xúc, gây lãng phí, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế của nước này.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại Hội thảo ứng dụng hệ thống Giao thông thông minh TP Hà Nội
Cũng giống như Hà Nội hiện nay, ngày đó, ở Singapore cũng có tình trạng, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè bán hàng, gây lộn xộn, ảnh hưởng giao thông chung… Sau nhiều năm, tập trung các giải pháp về từ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, quản lý, Singapore đã trở thành nước có giao thông đi lại tốt nhất thế giới.
Qua nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng, việc ùn tắc giao thông đang là một vấn nạn của TP. Hà Nội. Một trong những nguyên nhân là do: hệ thông giao thông công cộng (GTCC) chưa đáp ứng nhu cầu, lại kết nối kém; phương tiện giao thông cá nhân, chiếm số lượng lớn và chủ yếu là xe máy, ý thức người tham gia giao thông kém; áp dụng CNTT còn hạn chế, đặc biệt là việc tổ chức đỗ xe; tổ chức thi công công trình đường chưa hợp lý.
Giải pháp quản lý giao thông hiện đại
Để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông Hà Nội, tại hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất mô hình trung tâm giám sát, quản lý và điều khiển giao thông đô thị (GTĐT) Hà Nội. Mô hình này bao gồm: Trung tâm quản lý điều hành chung thuộc UBND Thành phố, trong đó sẽ có 2 Trung tâm nhỏ trực thuộc.
Trung tâm nhỏ thứ nhất là Trung tâm giám sát, xử phạt và an ninh GTĐT do CSGT Hà Nội quản lý, nhằm thực hiện hiện các chức năng cơ bản sau: giám sát GT; phát hiện phương tiện vi phạm; phát hiện và ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp; thực hiện xử phạt “nguội”; tiếp nhận thông tin từ người dân; cung cấp thông tin đến người tham gia GT.
Đối với Trung tâm quản lý và điều khiển GT do Sở GTVT quản lý, có nhiệm vụ cơ bản như: giám sát tình trạng giao thông và cung cấp thông tin tình trạng giao thông; lên phương án tổ chức giao thông; điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông; quản lý GTCC và taxi; quản lý và giám sát đỗ xe; giám sát xe tải nặng; ứng phó với các tình huống khẩn cấp; thanh toán vé điện tử GTCC và đỗ xe; quản lý hạ tầng và lưu lượng giao thông; tiếp nhận thông tin từ người tham gia giao thông; lưu trữ dự liệu và nghiên cứu phát triển mạng lưới.
Tại hội thảo, giới thiệu và định hướng ứng dụng Hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên địa bàn Tp. Hà Nội, ông Đỗ Huy Hoàng, Giám đốc khách hàng Khối Chính phủ, Microsoft Việt Nam cho rằng, với thành phố phát triển như Hà Nội trong tương lai cần ứng dụng ITS trong quản lý, điều hành giao thông.
Để thực hiện việc này, nguyên tắc chung, thành phố phải hội tụ một số điều kiện, trong đó, về giao thông bao gồm từ việc quản lý giao thông, quản lý và vận hành đội xe công cộng, thu phí giao thông, các giải pháp giao thông thông minh nâng cao, cảng hàng không, cảng biển, quản lý và điều hành hệ thống đường sắt…
Thay mặt lãnh đạo TP, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Tp. Hà Nội bày tỏ cảm ơn các chuyên gia đã giúp đỡ Hà Nội nghiên cứu, đưa ra các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông cũng như ứng dụng phát triển hệ thống giao thông thông minh của TP. Chủ tịch TP cũng khẳng định quyết tâm xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại, an toàn và giao Sở Giao thông vận tải tiếp thu đồ án và phối hợp với các chuyên gia tư vấn của Công ty ST Electronics nghiên cứu ứng dụng thí điểm giao thông thông minh trên một số tuyến phố trung tâm và không gian đi bộ khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Tổng công ty Vận tải Hà Nội được giao phối hợp nghiên cứu tăng cường ứng dụng giao thông thông minh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt phục vụ nhân dân.