Bộ Giao thông hoàn thành chuyển đổi sang IPv6 cho hệ thống Cổng dịch vụ công
Để dẫn dắt, hỗ trợ, định hướng công tác chuyển đổi sang IPv6 trong cơ quan nhà nước, từ giữa tháng 1/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước (IPv6 For Gov) giai đoạn đến năm 2025.
Thời gian qua, dưới vai trò điều phối của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các hoạt động của chương trình “IPv6 For Gov”.
Cụ thể, tại Bộ Giao thông vận tải, ngay sau khi chương trình “IPv6 For Gov” được phê duyệt, kế hoạch chuyển đổi địa chỉ IPv4 sang IPv6 cho hệ thống CNTT, Internet của Bộ Giao thông Vận tải giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã được ban hành.
Theo đó, lộ trình chuyển đổi địa chỉ IPv4 sang IPv6 của Bộ Giao thông Vận tải được chia thành 3 giai đoạn: Chuẩn bị, thực hiện (trong năm 2021); Kết nối, thử nghiệm (6 tháng đầu năm 2022); Chuyển đổi chính thức (từ năm 2022 - 2025). Và dự kiến đến năm 2025, toàn hệ thống của Bộ Giao thông Vận tải sẽ chuyển sang chạy thuần IPv6.
Bộ Giao thông vận tải phấn đấu hoàn thành toàn bộ việc chuyển đổi sang địa chỉ IPv6 trong năm 2024, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Ông Chu Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, Bộ Giao thông vận tải cho biết, thực tế hiện nay các đơn vị trong Bộ đã hoàn thành sớm hơn kế hoạch 1 số nội dung công việc. Đồng thời, phấn đấu sẽ hoàn thành toàn bộ công việc chuyển đổi sang địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 trong năm 2024, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Thời gian qua, các hệ thống thông tin quan trọng, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp và có yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin ở mức độ cao, đã được Bộ Giao thông vận tải ưu tiên chuyển đổi sang IPv6 trước.
Đến nay, Bộ đã hoàn thành chuyển đổi sang IPv6 với các hệ thống: Cổng thông tin điện tử; Cổng dịch vụ công; Hệ thống nghiệp vụ xử lý thủ tục hành chính; Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Hệ thống dịch vụ công trực tuyến vận tải đường bộ; Hệ thống quản lý vận tải đường bộ quốc tế; Hệ thống mạng không dây tại trụ sở Bộ Giao thông vận tải.
“Chúng tôi cũng đang nghiên cứu thử nghiệm chuyển đổi cho hệ thống thư điện tử, hội nghị truyền hình, mạng WAN, mạng LAN, mạng WIFI. Dự kiến, sẽ hoàn thành việc chuyển đổi chính thức các hệ thống này trong năm 2022”, ông Chu Quang Trung cho biết thêm.
Đánh giá về những lợi ích của việc hoàn thành chuyển đổi IPv6 cho một số hệ thống CNTT tại Bộ Giao thông, đại diện Trung tâm CNTT của Bộ cho rằng, việc chuyển đổi sang IPv6 sẽ góp phần mang lại các lợi ích chung như phục vụ người dân, doanh nghiệp truy cập, sử dụng dịch vụ cơ quan nhà nước thuận tiện hơn; đảm bảo cho phát triển Internet với dịch vụ mới như Internet vạn vật (IoT), thành phố thông minh (Smart City) cũng như sự phát triển của dịch vụ 4G, 5G...
Hệ thống CNTT của Bộ Giao thông khi chuyển đổi IPv6 được cung cấp tính năng xác thực an toàn hơn nhờ công nghệ mã hóa thông minh. Từ đó, hệ thống được bảo mật tốt hơn.
Cùng với đó, hệ thống được tự động hóa việc quản trị, có khả năng mở rộng trong tương lai. Không gian địa chỉ IPv6 lớn hơn trước rất nhiều, giúp tạo nhiều không gian cho mở rộng các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong tương lai, việc tương tác trực tuyến của Bộ GTVT với người dân được thực hiện dễ dàng.
Nói về định hướng hoạt động thời gian tới, đại diện Trung tâm CNTT cho hay, đơn vị sẽ phối hợp với VNNIC để tổ chức hoặc cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo do VNNIC tổ chức về nội dung chuyển đổi IPv6 cho các đối tượng khác nhau, đặc biệt cho các đối tượng kỹ sư CNTT trực tiếp xây dựng và vận hành các hệ thống thông tin của Bộ.
Trung tâm CNTT cũng sẽ phối hợp với các nhà mạng nâng cấp đường truyền hỗ trợ IPv6, và nâng cấp các trang thiết bị phục vụ cho hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra: Hoàn thành chuyển đổi các hệ thống ứng dụng CNTT nội bộ gồm hệ thống thư điện tử, hội nghị truyền hình, mạng WAN, mạng LAN, mạng wifi.
Tuệ Minh