8 lưu ý khi sử dụng ứng dụng để gia tăng không gian lưu trữ trên điện thoại
1. Bloatware
Bloatware là thuật ngữ dùng để chỉ các ứng dụng được nhà sản xuất cài đặt sẵn trên thiết bị trước khi bán ra thị trường. Thông thường, những ứng dụng này rất ít được sử dụng và chiếm nhiều dung lượng lưu trữ.
Đầu tiên, người dùng hãy truy cập vào Settings (cài đặt) - Apps (ứng dụng), chọn các ứng dụng không cần thiết và nhấn Disable (vô hiệu hóa).
Trong trường hợp không có tùy chọn này, người dùng cần phải sử dụng công cụ ADB trên máy tính để gỡ ứng dụng hoàn toàn.
2. Các tiện ích cũ
Android đã trải qua một chặng đường dài phát triển kể từ khi ra đời vào năm 2008. Khi đó, người dùng thường phải tải xuống các tiện ích riêng biệt như đèn pin, máy quét QR Code, quay phim màn hình… Tuy nhiên, những tính năng này hiện tại đã được các nhà sản xuất tích hợp sẵn trên điện thoại.
Do đó, nếu đang cài đặt các tiện ích lỗi thời, người dùng nên xóa chúng ngay lập tức để hạn chế các rủi ro về bảo mật.
3. Ứng dụng giúp tăng cường hiệu suất
Theo các nhà nghiên cứu, đa số các ứng dụng được quảng cáo giúp tăng cường hiệu suất cho điện thoại như Clean Master, Security Master, CM Launcher 3D, Battery Doctor, Cheetah Keyboard, CM Locker, CM File Manager… đều gây hại nhiều hơn là có lợi.
Về cơ bản, những ứng dụng dạng này không hề giúp thiết bị hoạt động nhanh hơn, thay vào đó, chúng sẽ âm thầm hiển thị quảng cáo và tốn dung lượng pin trên smartphone. Ngoài ra, việc mở lại một tiến trình, ứng dụng sau khi bị đóng thường sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Các ứng dụng giúp tiết kiệm pin là vô dụng vì hầu hết smartphone ngày nay đều có chế độ tiết kiệm pin tích hợp, hoạt động tốt hơn nhiều so với bất kỳ giải pháp nào của bên thứ ba.
4. Các ứng dụng có cùng chức năng
Không có gì lạ khi người dùng cài đặt nhiều ứng dụng có cùng chức năng trên điện thoại, đơn cử như trình duyệt, ứng dụng ghi chú, sao lưu, nhắn tin… Để tiết kiệm dung lượng lưu trữ, người dùng nên xóa bớt các ứng dụng kém hữu ích hơn.
5. Các ứng dụng mạng xã hội “ngốn” nhiều thời gian
Ở Mỹ, mọi người dành trung bình hơn 2 tiếng để lướt mạng xã hội và chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng và con số này đang tăng lên mỗi năm.
Trừ khi công việc yêu cầu phải sử dụng mạng xã hội thường xuyên, người dùng không nên dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội vì điều này có thể dẫn đến chứng nghiện mạng xã hội.
Theo các nhà nghiên cứu, ước tính có khoảng 12,5% người dùng bị nghiện Facebook, tương đương với hơn 360 triệu người.
Mất tập trung (hay phân tâm) được gây ra bởi các thiết bị số, làm xói mòn khả năng năng lực nhận thức và sự chú ý của con người. Không khó để bắt gặp hình ảnh mọi người chúi đầu vào điện thoại để lướt Facebook, xem TikTok… khi đi thang máy, xe buýt, hội họp hoặc ở những nơi công cộng.
Nếu có thể, hãy gỡ cài đặt các ứng dụng đang chiếm phần lớn thời gian của người dùng. Nếu cách đó không hiệu quả, hãy thử đặt bộ hẹn giờ ứng dụng để giảm thời gian sử dụng thiết bị và tập trung hơn khi làm việc.
6. Xóa các trò chơi đã cũ
Temple Run, Angry Birds và Plants vs Zombies đều là những trò chơi tuyệt vời, nhưng nếu người dùng không còn chơi thì chẳng ích gì khi giữ lại chúng trên điện thoại.
Có rất nhiều trò chơi di động mới hơn và hay hơn, người dùng nên gỡ cài đặt những cái cũ mà không còn chơi nữa để nhường chỗ cho những cái mới.
7. Các ứng dụng không còn sử dụng
Người dùng thường có thói quen cài đặt ứng dụng vô tội vạ, nhưng phần nhiều trong số đó đều chỉ được sử dụng một vài lần. Việc cài đặt ứng dụng và cấp quyền không kiểm soát rất dễ dẫn tới nguy cơ rò rỉ dữ liệu, do đó, người dùng nên gỡ cài đặt bớt các ứng dụng ít hoặc không còn sử dụng.
8. Các ứng dụng chống virus
Vào năm 2019, một cuộc khảo sát của AV-Comparatives cho thấy có khá nhiều phần mềm diệt virus không phát hiện được phần mềm độc hại trên điện thoại. Các phần mềm này chỉ hiển thị một thanh tiến trình quét virus, nhưng thực chất chúng không có tác dụng.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 40 ứng dụng chống virus và dọn dẹp điện thoại được xếp hạng cao nhất trên Google Play, tất cả đã được tải xuống hơn 918 triệu lần.
Kết quả cho thấy chỉ có 2 trong số các ứng dụng không chứa bất kỳ trình theo dõi nào, trong khi có đến 6 ứng dụng chứa các liên kết độc hại tiềm ẩn.
Thanh Tùng