Mặt trái của ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực báo chí
Báo chí đồng hành cùng công nghệ
Tại một hội thảo mới đây, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, cơ hội của việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT hiện rất lớn. Ví dụ như, ChatGPT có thể tạo ra những nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng, giúp tăng tương tác với độc giả và giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi cũng như giải đáp thắc mắc của khách hàng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng ChatGPT và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí truyền thông sẽ thúc đẩy hoạt động báo chí truyền thông phải đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí phù hợp.
Trên thực tế, ChatGPT và trí tuệ nhân tạo áp dụng trong báo chí không chỉ giới hạn trong việc viết bài hay biên tập nội dung. Mà có thể sử dụng nhằm nắm bắt hành vi người dùng, từ đó có thể đưa ra các nội dung phù hợp với bạn đọc. Điều này không chỉ giúp độc giả được tiếp cận với nhiều nội dung hơn mà còn giữ chân họ ở tại tờ báo được lâu hơn. Con đường mà báo chí phải đi là đồng hành cùng công nghệ.
Mặc dù trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều cơ hội, nhưng ông Minh cũng thừa nhận nguy cơ dễ nhận thấy nhất nằm ở hoạt động xuất bản nội dung của trí tuệ nhân tạo. Trên thực tế, dù cho bản quyền sở hữu trí tuệ của tin bài thuộc về phóng viên hay trí tuệ nhân tạo thì các tòa soạn cũng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm về mọi nội dung mà họ xuất bản. Trong đó, bao gồm cả các nội dung bị coi là bôi nhọ hoặc sai lệch do trí tuệ nhân tạo viết ra. Dù rằng cho tới nay nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo không xuất bản các câu trả lời cho bất kỳ ai ngoài chính người sử dụng, bất kỳ ai sử dụng các công nghệ này đều phải chịu trách nhiệm về nội dung mà họ đăng tải.
Ngoài ra, nếu sử dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác sản xuất nội dung, một nguy cơ lớn khác đối với các tòa soạn xuất bản các tác phẩm do trí tuệ nhân tạo khởi tạo là việc tình cờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba. Các nhà báo không thể biết hình ảnh hay đoạn văn bản nào được sử dụng để huấn luyện trí tuệ nhân tạo hoặc được lấy về để tạo ra nội dung theo yêu cầu. Các tòa soạn phải chấp nhận một thực tế rằng những nội dung “có vẻ gốc” do trí tuệ nhân tạo tạo ra có thể chịu ảnh hưởng rất nhiều hoặc bị sao chép trực tiếp từ các nguồn của bên thứ ba mà không được phép. Cần lưu ý, điều khoản dịch vụ của các nền tảng trí tuệ nhân tạo không hề đưa ra bảo đảm rằng kết quả sẽ không vi phạm bản quyền, và như vậy thì các tòa soạn sẽ chẳng có cơ sở pháp lý nào nếu bị tác giả kiện.
Đáng chú ý, theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, trí tuệ nhân tạo đang đe dọa nguồn thu của các cơ quan báo chí. Trí tuệ nhân tạo giống như con dao hai lưỡi, có thể khiến các tòa soạn cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí, thậm chí làm thay đổi cả mô hình kinh doanh đã tồn tại nhiều thập kỷ trong lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số.
90% cơ quan báo chí sẽ sử dụng AI?
Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt nêu rõ, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025, 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 50% sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hoạt động. Đến 2030, tỷ lệ tương ứng sẽ là 100% và 90%.
Ngoài ra, sẽ có 80% cơ quan hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ trong hai năm tới và 100% vào 2030.
PGS,TS Đinh Thị Thu Hằng, Học viện Báo chí và tuyên truyền cho rằng, trí tuệ nhân tạo chỉ xử lý trên tư liệu con người cung cấp cho nó, mà không thể là người đầu tiên đưa ra các nội dung thông tin, công việc này thuộc về nhà báo - người nhận diện, sáng tạo, phản ánh thông tin từ các sự kiện, vấn đề của đời sống. AI còn là công cụ giúp nhận dạng, phát hiện tin giả, hình ảnh giả. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với nhà báo để tăng cường phát hiện và đấu tranh với tin giả, tin xấu độc trên mạng xã hội. Trong bối cảnh công chúng đối mặt với tình trạng thông tin thật - giả, tốt - xấu lẫn lộn, họ tìm đến báo chí vì tính chính thống và tin cậy.
Theo bà Hằng, để sử dụng trí tuệ nhân tạo tốt, phục vụ hiệu quả cho công việc thì nhà báo phải ý thức rèn luyện về năng lực và trách nhiệm, về tâm và tầm. Khi sử dụng AI trong hoạt động sáng tạo nội dung, nhà báo vẫn là người chịu trách nhiệm xã hội cho mọi sản phẩm thông tin được đăng tải. Năng lực của nhà báo, hiểu biết của nhà báo nhìn chung phải vượt trên AI thì mới sử dụng hiệu quả, không bị AI dẫn dắt, chi phối hay trở nên phụ thuộc vào AI. Nhà báo phải luôn nhạy cảm chính trị, quan tâm đến tính nhân văn, tính phù hợp với văn hóa … của thông tin.
“Dù công nghệ phát triển đến đâu, vấn đề cốt lõi vẫn là con người - nhà báo với các nhiệm vụ gìn giữ, đảm bảo, thực hiện những tiêu chuẩn của báo chí là sự chính xác, tính công bằng và tính nhân văn. Vì vậy, đạo đức của người làm báo trong bối cảnh AI phát triển càng trở nên quan trọng”, bà Hằng chia sẻ.
Khảo sát Báo chí Việt Nam 2023 do Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp thực hiện, cụ thể là Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông là đơn vị trực tiếp triển khai, trên số lượng mẫu là 177 cơ quan báo, tạp chí trên cả nước, trong đó có khoảng 1/4 cơ quan báo chí tại Việt Nam đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động vận hành của tòa soạn, đặc biệt là khâu sản xuất tin tức.
Kết quả khảo sát cho thấy có 29,4% cơ quan báo chí đã có kế hoạch ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tòa soạn nhưng chưa triển khai. Hơn 1/3 (36,2%) vẫn chưa có kế hoạch ứng dụng, trong khi 15 cơ quan báo chí khẳng định sẽ không sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động của tòa soạn. Có 36/46 cơ quan báo chí đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã tự xây dựng hệ thống để vận hành, còn lại sử dụng dịch vụ thuê ngoài.
Ngọc Long