Xây dựng lực lượng Cơ yếu Hà Tĩnh chuyên sâu, tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Trải qua các thời kỳ xây dựng và phát triển, thực hiện nhiệm vụ trên mặt trận thầm lặng, tuy gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành Trung ương, trực tiếp là Ban Cơ yếu Chính phủ và Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền, Thường trực Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp, lực lượng Cơ yếu Hà Tĩnh đã phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Cơ yếu Việt Nam, vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đảm bảo thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của các cấp kịp thời, bí mật, an toàn , góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của tỉnh.
Tỉnh ủy Hà Tĩnh luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các hệ Cơ yếu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, thông tư của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về công tác Cơ yếu, bảo mật an toàn thông tin. Nhờ đó, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ bí mật, an toàn thông tin của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang về công tác quản lý, xây dựng, sử dụng lực lượng Cơ yếu được nâng lên rõ rệt.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy đã quan tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng, củng cố, kiện toàn tổ chức Cơ yếu các cấp chặt chẽ theo chỉ đạo của Trung ương, của Ngành Cơ yếu, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và yêu cầu chung của hệ thống chính trị toàn tỉnh. Lực lượng Cơ yếu Tỉnh ủy được bố trí khép kín từ tỉnh đến tất cả các huyện, thành, thị ủy; Cơ yếu các lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng đều được bố trí từ cấp tỉnh đến các đơn vị cấp huyện, các đồn và các đơn vị lưu động, đảm bảo thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của các cấp được bí mật, chính xác, an toàn, nhanh chóng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên Cơ yếu trong tỉnh có phẩm chất, đạo đức tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chấp hành tốt các quy định của cơ quan, đơn vị, pháp luật nhà nước và các quy định về công tác cơ yếu.
Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc với Tỉnh ủy Hà Tĩnh về công tác Cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin
Hệ thống Cơ yếu của tỉnh được trang bị các loại kỹ thuật hiện đại, phần mềm bảo mật, các sản phẩm an toàn thông tin. Các trang thiết bị Cơ yếu, các sản phẩm mật mã phục vụ lãnh đạo, chỉ huy được các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp nhận, quản lý chặt chẽ, đưa vào khai thác, sử dụng thống nhất theo phân cấp, bảo đảm an toàn, như: Bảo mật truyền hình hội nghị trực tuyến tại Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy; chứng thư số tổ chức và cá nhân; các thiết bị và phần mềm bảo mật hệ thống mạng, cơ sở dữ liệu đảng viên, cơ sở dữ liệu chuyên ngành Kiểm tra Đảng...
Bộ phận, cán bộ Cơ yếu thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước; đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng bảo mật, an toàn thông tin, công tác cơ yếu; thường xuyên nắm bắt tình hình, đề xuất các nội dung phối hợp để phục vụ các nhiệm vụ quan trọng của tỉnh như: diễn tập khu vực phòng thủ, bảo vệ đại hội Đảng và các sự kiện khác.
Tuy vậy, bối cảnh hiện nay có nhiều yếu tố, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn và lột lọt thông tin bí mật quốc gia ngày càng tăng cao. Tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nền khoa học công nghệ cao tác động trực tiếp đến an ninh mạng, việc lộ lọt thông tin bí mật nhà nước trên không gian mạng; lực lượng thù địch dùng nhiều thủ đoạn để khai thác thông tin, lực lượng tình báo của nước ngoài sử dụng các phương tiện hiện đại để mã thám, khai thác thông tin bí mật của Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh quốc gia. Trong khi đó, nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ bí mật nhà nước của một số tổ chức và cá nhân còn chủ quan, việc quản lý các trang thiết bị, sản phẩm mật mã gặp nhiều khó khăn; biên chế, nhân lực Cơ yếu hiện nay ở một số đơn vị vẫn còn thiếu, nguồn đào tạo chưa kịp thời đáp ứng nhu cầu, Đề án xây dựng biên chế và vị trí việc làm của cơ yếu chưa được Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt, ảnh hưởng đến công tác xây dựng nguồn nhân lực Cơ yếu cho các đơn vị, địa phương.
Để xây dựng lực lượng Cơ yếu Hà Tĩnh chuyên sâu, tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về công tác bảo mật thông tin, thời gian tới, cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có sử dụng Cơ yếu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác Cơ yếu; nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác cơ yếu; đồng thời tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên Cơ yếu nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phát huy truyền thống “Trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo” của ngành Cơ yếu Việt Nam trong giai đoạn mới.
Hai là, tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Cơ yếu, đặc biệt là Nghị quyết số 56-NQ/TW, ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động Cơ yếu; đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về công tác Cơ yếu.
Ba là, quan tâm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho cán bộ, nhân viên Cơ yếu nhằm nâng cao trình độ, năng lực và khả năng giải quyết các vấn đề, làm chủ trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu thay thế, bổ sung Cơ yếu ở các đơn vị. Nghiên cứu đưa một số nội dung quản lý nhà nước về Cơ yếu vào chương trình giảng dạy của Trường Chính trị Trần Phú Hà Tĩnh phù hợp với một số đối tượng học viên.
Bốn là, tham mưu xây dựng Quy chế phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương trong triển khai các nhiệm vụ và quản lý người làm công tác Cơ yếu. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức biên chế, vị trí việc làm; chức năng, nhiệm vụ của Cơ yếu các cấp, các ngành.
Năm là, đẩy mạnh triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ, xác thực điện tử cho các hệ thống thông tin và các thiết bị di động để thuận lợi cho việc sử dụng của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Hiện nay, Hà Tĩnh đang tập trung chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu toàn diện theo Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số hướng đến xã hội số; gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp; phấn đấu giữ vững vị trí thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về Chính phủ số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong thời gian tới, Hà Tĩnh mong muốn Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục quan tâm, trang cấp các sản phẩm bảo mật, phần mềm bảo mật, an toàn mạng, máy tính đa giao diện để nâng cao chất lượng bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới; đồng thời phối hợp Ban Tổ chức Trung ương sớm tham mưu, ban hành quy định về biên chế, vị trí việc làm, tên gọi tổ chức Cơ yếu cấp tỉnh thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nguyễn Như Dũng, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh