Việc ứng dụng CNTT trong CCHC sẽ giảm chi phí, thời gian, tăng tính tiện lợi cho người dân và các tổ chức trong việc giải quyết công việc. Tuy nhiên, các giao dịch điện tử trên môi trường mạng luôn tồn tại các nguy cơ về an toàn thông tin như: đánh cắp hoặc sửa đổi thông tin, mạo danh người gửi.... Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có phương thức đảm bảo để thông tin, tài liệu trao đổi trên mạng phải được toàn vẹn, xác định được nguồn gốc và chống chối bỏ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch.
Đối với văn bản giấy, việc xác thực được thông qua chữ ký tay của người gửi và con dấu của tổ chức. Đối với văn bản, tài liệu điện tử, thì việc xác thực được thực hiện bằng chữ ký số (CKS) là giải pháp đảm bảo tính an toàn. Bởi vậy, CKS ngày càng được áp dụng rộng rãi đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Thực trạng triển khai chữ ký số tại Việt Nam
Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về giao dịch điện tử và CKS của Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh, với các văn bản sau:
- Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11, ngày 29/11/2005 công nhận giá trị pháp lý của thông điệp điện tử, chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử với các điều kiện kèm theo; đồng thời quy định giao dịch điện tử giữa các cơ quan Nhà nước phải được chứng thực bởi tổ chức chứng thực điện tử do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Ban Cơ yếu Chính phủ);
- Nghị định số 26/2007/NĐ-CP, ngày 15/02/2007 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS, trong đó quy định: Ban Cơ yếu Chính phủ thành lập và duy trì hoạt động của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị;
- Nghị định số 64/2007/NĐ-CP, ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó có quy định về việc phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin và sử dụng CKS để xác thực văn bản điện tử;
- Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
- Thông tư số 08/2016/TT-BQP, ngày 01/2/2016 của Bộ Quốc phòng Quy định về cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức Chính trị - Xã hội.
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, từ năm 2007, Ban Cơ yếu Chính phủ đã thành lập và duy trì hoạt động của hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ.
Hiện nay, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin của Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ. Quá trình triển khai cung cấp CKS chuyên dùng Chính phủ được phân cấp cho các Cục Cơ yếu.
Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền là cơ quan tiếp nhận yêu cầu chứng thực CKS chuyên dùng chính phủ đối với các Bộ, ngành, địa phương (trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) đã tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành, địa phương trong việc bảo đảm chứng thư số cũng như phối hợp, hỗ trợ trong công tác triển khai ứng dụng dịch vụ CKS chuyên dùng chính phủ. Tính đến tháng 6/2016, Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền đã cung cấp khoảng 48 nghìn chứng thư số tại các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan Đảng. Việc cung cấp, triển khai sử dụng, quản lý chứng thư số đáp ứng kịp thời nhu cầu của cơ quan nhà nước các cấp, đảm bảo xác thực và an toàn thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo.
Hiện nay, việc ứng dụng CKS chuyên dùng bảo đảm cho các dịch vụ: Hệ điều hành tác nghiệp, trao đổi văn bản điện tử liên thông; Dịch vụ công, hành chính một cửa; Thư điện tử công vụ; Xác thực SSL; Xác thực VPN-IPSec. Trong đó, việc ứng dụng CKS chủ yếu được sử dụng trong các hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp, trao đổi văn bản điện tử liên thông (chiếm 60%).
Một số kết quả cụ thể trong triển khai CKS
- Về ứng dụng CKS trong hoạt động điều hành tác nghiệp, gửi/nhận văn bản điện tử liên thông, một số đơn vị tiêu biểu như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bình Thuận, Yên Bái, Cần Thơ....
Tại Văn phòng Chính phủ, hệ thống quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành của Chính phủ đã triển khai từ VPCP tới 63 tỉnh/thành, đảm bảo hàng trăm nghìn tài liệu điện tử được ký số và truyền nhận an toàn qua hệ thống. Tại các tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, phần lớn các văn bản giao dịch giữa các cơ quan nhà nước trong toàn tỉnh đã được số hoá và ký số, với số lượng hàng chục nghìn văn bản, giúp tiết kiệm nhiều về chi phí ngân sách và thời gian thực hiện.
- Về ứng dụng Một cửa điện tử: Đa số các cơ quan nhà nước đều cung cấp các dịch vụ công trên cổng thông tin điện tử ở mức độ 2 và 3, một số cơ quan ở mức độ 4. Vì vậy, việc ứng dụng CKS là nhu cầu cấp thiết.
Tại Tổng Cục Đường bộ, Bộ GTVT đã triển khai cấp giấy phép lái xe điện tử có ứng dụng CKS chuyên dùng Chính phủ tại 63 tỉnh/thành. Tính tới tháng 6/2016, Tổng Cục này đã cấp trên 7 triệu giấy phép lái xe các loại.
Tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế: đã triển khai dịch vụ cấp phép an toàn thực phẩm mức độ 4 và đã tích hợp sử dụng CKS chuyên dùng chính phủ cho dịch vụ này.
Tại Bộ Tư pháp: các dịch vụ công được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ đều ở mức độ 2 (ở mức độ 3, 4 có Hệ thống Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp).
Tại Kho bạc Nhà nước: đã triển khai thí điểm hệ thống cung cấp 3 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (có tích hợp CKS chuyên dùng Chính phủ) đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh.
Ứng dụng CKS để nâng cao hiệu quả cho hệ thống Một cửa điện tử
Việc ứng dụng CNTT vào các bộ phận Một cửa điện tử là yêu cầu khách quan, thúc đẩy phát triển CPĐT ở nước ta. Các hệ thống Một cửa điện tử không làm thay đổi bản chất “một cửa, một cửa liên thông” mà còn thúc đẩy cơ chế này hiệu quả hơn trong cải cách thủ tục hành chính. Khó khăn, phức tạp nhất trong cơ chế Một cửa điện tử là phải tạo được mối quan hệ liên thông giữa các cơ quan, đơn vị khi tham gia vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm cho chu trình thực hiện một cách đồng bộ, liên hoàn, tạo thành luồng công việc giữa các cơ quan, các cấp có thẩm quyền; phải gắn và quy được trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan tham gia trong mỗi khâu của chu trình.
Để giải quyết các khó khăn trên, cần phải xây dựng được quy trình thực hiện các giao dịch hành chính “sau Một cửa”, nhằm đảm bảo tính thông suốt, đơn giản, gọn nhẹ và có khả năng theo dõi từ khâu đầu đến khâu cuối của chu trình. Việc ứng dụng CKS vào chu trình này và công đoạn nhận, trả kết quả sẽ nâng cao hiệu quả cho hệ thống Một cửa điện tử, bởi vì:
- Trong chu trình giải quyết các công việc “sau Một cửa” sẽ được phân thành các công đoạn và được giao cho từng bộ phận hoặc cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện. Để phân công và quy trách nhiệm cho mỗi cá nhân, bộ phận tham gia trong công đoạn này (như: danh tính của cá nhân/ bộ phận thực hiện công đoạn, thời điểm bàn giao hồ sơ điện tử giữa các cá nhân/ bộ phận, thời gian thực hiện, tính đầy đủ của hồ sơ điện tử, nội dung đã thực hiện...) thì sử dụng CKS sẽ là phương án hiệu quả hiện nay.
- Quá trình xử lý hồ sơ điện tử của người dân, doanh nghiệp sẽ có công đoạn cần cấp có thẩm quyền phê duyệt, khi đó phải sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ.
- Khi hệ thống hành chính công cung cấp dịch vụ cấp độ 3 và 4, việc kê khai thủ tục hành chính và tiếp nhận kết quả của người dân, doanh nghiệp sẽ được thực hiện từ xa. Do đó, cần có phương thức xác thực trên mạng đối với các giao dịch điện tử ngay từ khâu kê khai thủ tục hành chính và khâu trả kết quả.
Theo các văn bản pháp luật hiện nay, CKS đã được công nhận về tính pháp lý trong các giao dịch điện tử. Đây là cơ sở để triển khai các dịch vụ cho CPĐT và thương mại điện tử. Đến nay, việc triển khai, ứng dụng CKS chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan nhà nước đã đầy đủ về tính pháp lý. Bên cạnh đó, Ban Cơ yếu Chính phủ đã đảm bảo đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như đội ngũ cán bộ chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật cho dịch vụ này.
Hạn chế và khuyến nghị
Một số vấn đề hạn chế trong thời gian vừa qua như sau:
- Về nhận thức và vai trò điều hành của lãnh đạo: Nhận thức về vai trò của CKS tại một số cơ quan nhà nước còn hạn chế, dẫn đến việc ứng dụng và triển khai CKS có nơi chưa đạt hiệu quả cao. Sự quyết tâm của lãnh đạo một số đơn vị trong chỉ đạo triển khai, ứng dụng CKS chuyên dùng Chính phủ vào công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp điện tử tại cơ quan đơn vị chưa cao.
- Về khía cạnh pháp lý: Hệ thống văn bản pháp lý về triển khai, ứng dụng chứng thực CKS đã tương đối đầy đủ, nhưng chưa thật sự hoàn thiện, cần tiếp tục điều chỉnh bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tế.
- Về quy trình triển khai: Việc triển khai, ứng dụng CKS mới chỉ áp dụng trong phạm vi nội bộ của một cơ quan nhà nước và thường chỉ áp dụng tại một hoặc một số khâu trong toàn bộ qui trình xử lý văn bản điện tử, nên hiệu quả chưa cao. Việc CKS chưa tích hợp vào các hệ thống thông tin chuyên ngành của các cơ quan nhà nước, dẫn đến chưa nâng cao tính thuận tiện trong quá trình khai thác, sử dụng.
Đến nay, việc triển khai, ứng dụng CKS tại đa số các cơ quan thuộc hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã đem lại những hiệu quả thiết thực, tạo nền tảng cho việc xây dựng chính quyền điện tử các cấp. Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh sử dụng CNTT và xây dựng chính quyền điện tử các cấp, nhu cầu sử dụng CKS chuyên dùng Chính phủ sẽ rất lớn. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu triển khai dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan của Ban Cơ yếu Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc.