Truyền thông - cầu nối nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin trên toàn thế giới

23:00 | 28/09/2023 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Với sự phổ biến của Internet, mạng xã hội, các thông tin được lan truyền với tốc độ nhanh chóng và rất khó kiểm soát, trong đó nhiều thông tin có nguồn gốc không đáng tin cậy, thông tin sai sự thật, trở thành những mối lo ngại được chính phủ các nước đặc biệt quan tâm. Do đó, truyền thông có một nhiệm vụ quan trọng là hỗ trợ cơ quan quản lý và chính phủ trong việc định hướng dư luận xã hội để ngăn chặn các luồng thông tin sai lệch, không chính thống. Có thể nói truyền thông là nhân tố, phương tiện có sức mạnh đặc biệt to lớn trong việc định hướng nhận thức và hình thành dư luận xã hội về an toàn thông tin. Với vai trò quan trọng của mình, truyền thông là cầu nối giúp tuyên truyền, phổ biến các chính sách, nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA TRUYỀN THÔNG TRONG VIỆC NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ AN NINH, AN TOÀN THÔNG TIN TOÀN CẦU

Thực tiễn một số nước trên thế giới trong những năm gần đây cho thấy, các phương tiện truyền thông xã hội đã có những tác động, ảnh hưởng lớn đến chính trị, đóng vai trò là những công cụ định hướng tư tưởng, văn hóa của người dân. Mỗi ngày có hàng trăm tin bài được đăng tải trên các website và phương tiện thông tin đại chúng, phản ánh nhiều mặt liên quan đến an ninh, an toàn thông tin. Qua đó có thể thấy được tầm quan trọng của truyền thông trong nhiều khía cạnh như:

- Góp phần xây dựng chính sách và quy định: Với vai trò là nguồn thông tin và đối tác đáng tin cậy, truyền thông có thể tạo áp lực cho các chính quyền và tổ chức quốc tế để thúc đẩy việc xây dựng chính sách và quy định về an ninh, an toàn thông tin. Bằng cách đưa tin về các vụ việc vi phạm an ninh mạng và nhấn mạnh tác động của chúng, tạo động lực cho các quyết định gia tăng hợp tác quốc tế và thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh mạng toàn cầu.

- Hỗ trợ đào tạo và giáo dục: Để nâng cao nhận thức về an ninh mạng, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các chương trình đào tạo và giáo dục. Đây có thể là các khóa học trực tuyến; các buổi tọa đàm với sự tham gia của nhiều khách mời là nhà khoa học, quản lý, chuyên gia bảo mật; chương trình phát thanh hoặc phim tài liệu về an ninh, an toàn thông tin mạng.

- Tạo sự nhất quán và đồng thuận: Thông qua truyền thông, việc tạo ra một môi trường thông tin mở, minh bạch và nhất quán sẽ giúp đảm bảo rằng công chúng nhận được thông tin chính xác và đáng tin cậy, từ đó khuyến khích họ tham gia, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ không gian mạng. Hơn nữa, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự đồng thuận và ủng hộ cho việc thực hiện biện pháp và chính sách an ninh mạng. Ví dụ, khi truyền thông thông báo về việc một tổ chức đã thành công trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công mạng hoặc phục hồi từ một sự cố an ninh mạng, điều này sẽ truyền đạt thông điệp rằng việc bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng là khả thi và có giá trị.

- Góp phần xây dựng nhận thức và hành động cá nhân: Truyền thông không chỉ cung cấp thông tin, mà còn giúp người dân nhận thức rõ về trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ an ninh, an toàn thông tin. Thông qua việc cung cấp những tin bài, hình ảnh, video, podcast, phóng sự,… về các sự cố tấn công mạng và hậu quả chúng gây ra, truyền thông sẽ giúp người dùng cá nhân nhận thức rõ hơn về các mối đe dọa và hành động để bảo vệ mình trên không gian mạng. Từ đó người dân có thể triển khai các giải pháp phù hợp để bảo vệ dữ liệu, tài khoản trực tuyến như cài đặt phần mềm bảo mật, sử dụng mật khẩu mạnh, xác thực đa yếu tố,…

NHỮNG THÁCH THỨC CỦA TRUYỀN THÔNG THẾ GIỚI TRONG VIỆC PHỔ BIẾN KIẾN THỨC VỀ AN NINH, AN TOÀN THÔNG TIN

- Đối tượng truyền thông đa dạng: Người dùng Internet hiện nay rất đa dạng và phong phú về lứa tuổi và đối tượng, từ các doanh nghiệp đến cá nhân, từ người già đến trẻ em. Vì vậy, truyền thông phải tìm cách đưa thông tin một cách rõ ràng, dễ hiểu và phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Đặc biệt đối tượng là trẻ em, truyền thông cần phải sử dụng ngôn ngữ đơn giản, trực quan, hướng dẫn thực tế và dễ hiểu giúp các em hiểu rõ hơn về những nguy cơ có thể gặp phải khi sử dụng Internet. Trong đó, việc truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Youtube, Tiktok,… cần phải triển khai các quy trình, chiến lược và công nghệ kiểm duyệt để ngăn chặn những nội dung xấu, độc hại gây ảnh hưởng đến người dùng nhỏ tuổi và thanh thiếu niên. Đây là một trong những vấn đề đã được nêu ra trong báo cáo của GS. TS. Brian O’NEIL về “Sự ảnh hưởng của mạng xã hội đến phát triển của trẻ em và giới trẻ” vào tháng 02/2023 [1].

Sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành: Một thách thức khác đó là việc giải thích những khái niệm phức tạp về an ninh mạng cho người dùng không chuyên. Các thuật ngữ liên quan đến các phần mềm độc hại như spyware, ransomware, botnet,... đều là những khái niệm tương đối trừu tượng với người dùng thông thường. Truyền thông cần phải sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu và trực quan để giải thích các khái niệm này một cách rõ ràng.

- Văn hóa của mỗi quốc gia: Mỗi quốc gia, mỗi khu vực đều có một nền văn hoá khác nhau, do đó dẫn đến những đặc thù riêng về an ninh mạng. Truyền thông cần phải hiểu và thích nghi với sự khác biệt về văn hoá để có thể truyền tải thông tin an ninh mạng một cách hiệu quả. Mỗi quốc gia trên thế giới đều có chính sách kiểm duyệt Internet riêng, vì vậy truyền thông cần phải đưa ra các thông tin về an ninh, an toàn thông tin phù hợp và tránh các nội dung nhạy cảm có thể dẫn đến vi phạm luật truyền thông của các nước sở tại. Văn hóa của mỗi quốc gia có thể ảnh hưởng đến cách mà người dân và các phương tiện truyền thông tiếp cận và đánh giá các vấn đề liên quan đến an ninh mạng. Ví dụ như tại Trung Đông, nơi mạng Internet trở thành một phương tiện quan trọng trong việc phổ biến các thông điệp tôn giáo và chính trị. Do đó, chính phủ và các tổ chức tôn giáo trong khu vực này thường có xu hướng kiểm soát và giám sát mạng để đảm bảo rằng các nội dung phải phù hợp với giá trị và tôn giáo của họ [2].

- Lạm dụng trí tuệ nhân tạo (AI): Ngày nay, sự phổ biến của công nghệ AI để tạo hình ảnh, video, âm thanh và văn bản tổng hợp có độ chính xác và chân thực cao đã mang lại những sự trải nghiệm thú vị và cung cấp các tiện ích phù hợp cho người sử dụng. Nổi bật nhất thời gian qua phải nói đến ChatGPT, ứng dụng chatbot của OpenAI được đông đảo người dùng trên toàn thế giới đón nhận. Tuy nhiên, việc quá lạm dụng công nghệ này cũng có thể dẫn đến những vấn đề liên quan đến tính xác thực thông tin. Gần đây, CEO Sam Altman của OpenAI cũng đã cảnh báo rằng, ChatGPT đôi khi có thể tạo ra thông tin không chính xác hoặc gây hiểu lầm [3]. Do đó, người dùng cần phải cẩn trọng trước những thông tin được cung cấp.

- Tội phạm mạng: Với tính chất rộng mở, tự do của các phương tiện truyền thông xã hội, xu hướng các nhóm tội phạm mạng tấn công các trang tin điện tử của nhiều cơ quan báo chí nhằm thay đổi giao diện và làm sai lệch nội dung truyền tải để phục vụ các mục tiêu chính trị đang trở nên thường xuyên hơn. Vào nửa đầu năm 2022, theo thống kê của Công ty nghiên cứu và phân tích bảo mật KonBriefing Research (Đức), đã có 47 cuộc tấn công mạng thành công vào các tòa soạn, nhà xuất bản, đài phát thanh, đài truyền hình và tổ chức truyền thông trên toàn thế giới [4]. Gần đây nhất, phải kể đến là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, vào tháng 02/2023 các nhóm tin tặc ủng hộ Ukraine đã giành kiểm soát các kênh truyền hình của Nga để phát đi các thông điệp phản đối hành động của Điện Kremlin [5].

CHIẾN LƯỢC TRUYỀN THÔNG VỀ AN NINH, AN TOÀN THÔNG TIN TRÊN THẾ GIỚI

Trên thế giới, nhiều tổ chức và cơ quan truyền thông đang nỗ lực để giải quyết các thách thức đối với việc phổ biến kiến thức về an ninh, an toàn thông tin. Hiện nay, các cơ quan chức năng của Chính phủ Mỹ đang liên tục đưa ra các chiến dịch thông tin về an ninh mạng nhằm tăng cường nhận thức và nâng cao khả năng phòng chống tấn công mạng của người dân [6]. Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã phát động chiến dịch “Tháng An ninh mạng châu Âu” [7] nhằm cung cấp các tài liệu mới và đưa ra những khuyến nghị về các chủ đề an ninh mạng khác nhau cho người dân của các quốc gia thành viên.

Ngoài ra, các công ty công nghệ lớn như Google và Facebook cũng đã đưa ra các chiến dịch quảng bá và các khóa học về an ninh mạng để giúp người dùng cải thiện khả năng bảo vệ thông tin cá nhân [8, 9]. Bên cạnh đó, một số nước trên thế giới đã có những chiến lược truyền thông rất thành công trong việc phổ biến kiến thức về an toàn, an ninh thông tin có thể kế đến như: Chiến dịch “An toàn mạng hơn là hối tiếc” [10] của Chính phủ Singapore; Chiến dịch an ninh mạng của tổ chức phi chính phủ JPCERT/CC Nhật Bản [11]; Chiến dịch “Stay Smart Online” [18] tại Úc (triển khai thường niên vào tháng 10 hàng năm).

Trong nhiều năm qua, tầm quan trọng của việc truyền thông nâng cao nhận thức về an ninh mạng đã được công nhận trong chiến lược an ninh mạng quốc gia của nhiều nước trên thế giới. Theo một báo cáo mới đây của Cơ quan An ninh mạng và bảo mật thông tin (ENISA) của EU [12], trong nhiều năm qua, tầm quan trọng của việc truyền thông nâng cao nhận thức về an ninh mạng đã được công nhận trong chiến lược an ninh mạng quốc gia của nhiều nước thành viên EU và được cụ thể hóa thông qua nhiều hình thức cụ thể như việc cung cấp các báo cáo công khai hàng năm và hàng quý, cũng như số liệu thống kê về các sự cố mạng trên các phương tiện truyền thông xã hội, điển hình tại các nước như: Latvia, Na Uy, Phần Lan,...

KẾT LUẬN

Việc phố biến thông tin về an ninh, an toàn thông tin là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để bảo vệ môi trường Internet toàn cầu. Các phương tiện truyền thông cần phải đảm bảo rằng các thông tin về an ninh mạng được cung cấp là chính xác và đáng tin cậy, cần liên tục cập nhật và phân phối thông tin mới nhất về các mối đe dọa mạng, đồng thời đưa ra công nghệ, giải pháp bảo mật mới và hướng dẫn thực hành về các kỹ năng an toàn thông tin cần thiết. Trên hết, việc nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin thông qua truyền thông là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự đồng lòng cũng như nỗ lực của toàn xã hội. Chỉ khi mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh, an toàn mạng thì mới có khả năng đối phó với những mối đe dọa và tạo ra một môi trường mạng an toàn và đáng tin cậy cho tất cả mọi người.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/ STUD/2023/733109/IPOL_STU(2023)733109_ EN.pdf

[2]. https://ecfr.eu/publication/iron-net-digital-repression-in-the-middle-east-and-north-africa/

[3]. https://zingnews.vn/cha-de-chatgpt-lo-so-ve-ai%20post1413089.html

[4]. https://konbriefing.com/en-topics/cyber-attacks-2022-ind-media-h1.html

[5]. https://www.infosecurity-magazine.com/news/russian-tv-stations-hacked/

[6]. https://www.fbi.gov/contact-us/field-offices/neworleans/news/press-releases/fbi-new-orleans-launches-cybersecurity-awareness-campaign

[7]. https://www.enisa.europa.eu/topics/cybersecurity-education/awareness-campaigns/european-cyber-security-month  

[8]. https://learndigital.withgoogle.com/digitalgarage/course/intro-to-cybersecurity-for-business

[9]. https://www.facebook.com/business/learn/courses/ads-manager  

[10]. https://sbr.com.sg/information-technology/news/csa-launches-cybersecurity-awareness-campaign  

[11]. https://www.jpcert.or.jp/english/.

[12]. https://www.enisa.europa.eu/publications/raising-awareness-of-cybersecurity

 

Quốc Trường

Tin cùng chuyên mục

Tin mới