Hiện trạng triển khai và định hướng ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước
Hiện trạng Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước đã được giới thiệu tương đối đầy đủ trong báo cáo của TS. Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT. Tạp chí An toàn thông tin xin giới thiệu nội dung chính của báo cáo.
Đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước năm 2011
Đánh giá chung
Năm 2011, công tác ứng dụng CNTT được triển khai trên diện rộng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, cũng như phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
- Về cung cấp thông tin: Website/Portal của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cung cấp ngày càng đầy đủ những thông tin chủ yếu theo quy định, bảo đảm tính công khai, minh bạch.
- Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT): So với năm 2010, các cơ quan nhà nước tiếp tục duy trì và xây dựng thêm nhiều DVCTT ở mức độ 3 và mức độ 4 (năm 2010: có 748 dịch vụ mức độ 3; 03 dịch vụ mức độ 4; năm 2011: có 829 dịch vụ mức độ 3; 08 dịch vụ mức độ 4).
Xếp hạng Tổng thể mức độ ứng dụng CNTT
Xếp hạng các Bộ, cơ quan ngang Bộ
Một số đơn vị tăng hạng Tổng thể mức độ ứng dụng CNTT
- Thanh tra Chính phủ (từ vị trí thứ 20 lên vị trí 5): do được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng cổng thông tin điện tử; bên cạnh đó các quy định về trao đổi văn bản điện tử, sử dụng email, khuyến khích ứng dụng CNTT được ban hành làm tăng tỷ lệ cán bộ sử dụng các ứng dụng CNTT, trao đổi văn bản điện tử trong công việc.
- Thanh Hóa (từ vị trí thứ 28 lên vị trí 4): đầu tư nâng cấp hạ tầng, đẩy mạnh sử dụng ứng dụng phục vụ công tác quản lý điều hành (Hệ thống ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa: năm 2010 mới chỉ có một số đơn vị triển khai, năm 2011 đã có 70% đơn vị được triển khai), cung cấp DVCTT mức độ 3 (2010: 0, 2011: 39). Đẩy mạnh trao đổi văn bản điện tử và cung cấp đầy đủ thông tin lên Website cũng là các yếu tố thúc đẩy sự tăng hạng của Thanh Hóa năm 2011.
- Bình Phước (từ vị trí thứ 55 lên vị trí 6): do được đầu tư cung cấp DVCTT mức độ 3 (2010: 17, 2011: 89), đẩy mạnh trao đổi văn bản điện tử và cung cấp đầy đủ thông tin lên Website là các yếu tố thúc đẩy sự tăng hạng của Bình Phước năm 2011.
Một số đơn vị tăng hạng cung cấp thông tin:
- Bộ Xây dựng (từ vị trí thứ 9 lên vị trí 3): đã khắc phục những điểm còn hạn chế trong việc cung cấp thông tin và các chức năng của hệ thống CNTT.
- Thanh tra Chính phủ (từ vị trí thứ 20 lên vị trí 5): do website được nâng cấp nên đã bổ sung nhiều chức năng, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về cung cấp thông tin quy định hiện hành.
- Đồng Tháp (từ vị trí thứ 19 lên vị trí 2), Yên Bái (từ vị trí thứ 20 lên vị trí 4), Khánh Hòa (từ vị trí thứ 25 lên vị trí 5): Do đã có cơ chế huy động nhân lực cộng tác với Ban biên tập Website/Portal và cung cấp đầy đủ các hạng mục thông tin theo quy định của Nghị định 43/2011/NĐ-CP.
Đánh giá xếp hạng CPĐT của Liên hiệp quốc
Bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng CPĐT của các quốc gia ASEAN những năm vừa qua thể hiện như sau:
Số quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng theo các thời gian như sau: 2004:178/191, 2005: 179/191, 2008: 182/192, 2010: 183/192, 2012: 190/192.
Đồ thị xếp hạng Việt Nam qua các năm và Đồ thị phân bố theo 03 chỉ số chính về CNTT là Cung cấp các dịch vụ trực tuyến, Truyền thông và nguồn nhân lực CNTT được thể hiện theo Hình 1.
Định hướng ứng dụng CNTT năm 2013
Tại các Bộ, ngành, ưu tiên triển khai các nội dung ứng dụng CNTT sau:
- Hệ thống thư điện tử và Hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành: Bảo đảm tối thiểu 35% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các CQNN được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử.
Hình 1: Đồ thị xếp hạng Việt Nam và phân bố theo 3 chỉ số chính về CNTT từ 2002 -2012
- Cổng/trang thông tin điện tử: Bảo đảm 80% các cơ quan quản lý nhà nước (cấp Cục hoặc tương đương) có cổng/trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định; Cung cấp được ít nhất 20% số dịch vụ công, được ưu tiên cung cấp tối thiểu mức độ 3 đối với cấp Bộ.
- Ưu tiên triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành trên diện rộng, tạo nền tảng cho các ứng dụng CNTT.
- Triển khai ứng dụng các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin: Tăng cường triển khai quản lý an toàn thông tin theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 27001:2009; sử dụng hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ....
- Đào tạo nguồn nhân lực CNTT, đặc biệt nhân lực về an ninh và an toàn thông tin.
Tùy thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, từng cơ quan sẽ xây dựng kế hoạch với các nội dung đặc thù của mình trong năm 2013, bao gồm: Các chỉ tiêu chuyên ngành cho năm 2013; Danh mục các dịch vụ công cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 và danh mục các dự án chuyên ngành.
Tại các tỉnh, thành phố, ưu tiên triển khai các nội dung ứng dụng CNTT như sau:
- Hệ thống thư điện tử và Hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành: Bảo đảm tối thiểu 30% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hoàn toàn dưới dạng điện tử.
- Cổng/trang thông tin điện tử: Cần hoàn thiện, nâng cấp, bảo đảm 70% các cơ quan (đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện) có Website/Portal cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định; đảm bảo thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 thuộc nhóm dịch vụ công được ưu tiên triển khai theo quy định.
- Ứng dụng CNTT tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông: Chọn lựa nội dung phù hợp với địa phương để triển khai tại một số đơn vị điểm, từ đó đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng ở giai đoạn tiếp theo. Trước hết sẽ triển khai tại những khu vực có mật độ dân số cao, có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính cao.
- Triển khai ứng dụng các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin: Tăng cường triển khai quản lý an toàn thông tin số theo các Tiêu chuẩn quốc gia; ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ....
- Thúc đẩy nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực các cấp về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước: Ưu tiên đào tạo các nội dung về an toàn, an ninh thông tin và các nội dung về quản lý đầu tư.
Như vậy, để thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ trong đẩy mạnh ứng dụng CNTT, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, cần có sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức. Có như vậy, hạ tầng CNTT hiện đại mới phát huy được hiệu quả và phục vụ công dân ngày càng tốt hơn, minh bạch hơn.