30 năm Trung quốc xây dựng hệ thống pháp luật để quản lý Internet (phần II)

17:00 | 02/10/2023 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Trong phần I của bài báo được đăng trên Tạp chí An toàn thông tin số 2 (072) 2023, tác giả đã giới thiệu về những nguyên tắc quản lý và quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý Internet của Trung Quốc trong 30 năm qua. Trong phần II, tác giả sẽ thông tin đến độc giả các cách thức Trung Quốc xây dựng và quản lý toàn diện môi trường Internet bằng pháp luật, thúc đẩy các hoạt động một cách có trật tự, đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho toàn đất nước.

BẢO ĐẢM TRẬT TỰ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Trung Quốc tuân thủ thực thi pháp luật nghiêm ngặt; tăng cường thực thi pháp luật trong các lĩnh vực quan trọng liên quan đến lợi ích sống còn của người dân; thúc đẩy hình thành một trật tự không gian mạng lành mạnh và chuẩn mực, tạo ra một hệ sinh thái Internet thông thoáng và trong sạch. Bảo vệ thông tin cá nhân: Trung Quốc đã áp dụng các cách làm mới để trấn áp các hành vi vi phạm thông tin cá nhân như thu thập, mua bán, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân bất hợp pháp, theo đó từ năm 2019 đến nay, tổng cộng có 3,22 triệu ứng dụng di động (App) được kiểm tra, với gần 3.000 App vi phạm đã bị xóa. Thông qua các chiến dịch đặc biệt, các hành vi vi phạm thông tin cá nhân người dùng đã được hạn chế, ý thức bảo vệ thông tin cá nhân được nâng cao rõ rệt.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Internet: Thông qua xây dựng, kiện toàn cơ chế quản lý, giám sát và xây dựng mô hình quản trị xã hội mới để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy các nền tảng thiết lập cơ chế hợp tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; triển khai nhiều chuyên đề hành động để chống lại hành vi vi phạm bản quyền trực tuyến. Thúc đẩy thực thi pháp luật kết hợp trực tuyến và ngoại tuyến, tấn công mạnh mẽ các hành vi vi phạm nhãn hiệu trực tuyến và làm giả bằng sáng chế. Sau nhiều năm thực thi pháp luật, việc bảo vệ tài sản trí tuệ Internet được cải thiện đáng kể.

Quy chuẩn trật tự thị trường trực tuyến: Đảm bảo thị trường mạng cạnh tranh công bằng. Cùng với việc hỗ trợ đổi mới phát triển các công ty nền tảng trực tuyến, Trung Quốc cũng chuẩn hóa và hướng dẫn đầu tư theo quy định của pháp luật, đồng thời áp dụng các biện pháp để kiểm soát sự cạnh tranh không công bằng.

Quy định hoạt động giao dịch trực tuyến, tập trung quản lý các hành vi bán hàng trực tuyến có biểu hiện vi phạm như hàng giả, hàng kém chất lượng; trấn áp việc buôn bán trực tuyến bất hợp pháp động thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã; tăng cường giám sát quảng cáo trên Internet; điều tra, xử lý một số trang web và nền tảng vi phạm pháp luật;…

Bảo đảm an ninh hạ tầng mạng quốc gia: Tăng cường quản lý các tài nguyên Internet cơ bản như website, tên miền, địa chỉ IP; tăng cường xây dựng các biện pháp kỹ thuật theo dõi, cảnh báo sớm các mối đe dọa an ninh mạng và ngăn chặn hiệu quả các sự cố bảo mật; thực hiện phân cấp quản lý, tăng cường thực thi pháp luật đối với Internet công nghiệp, Internet phương tiện, ứng dụng 5G;…

Tạo không gian mạng thông thoáng: Chuẩn hóa thứ tự đăng tải thông tin trên Internet, tập trung vào các vấn đề nổi cộm được quần chúng quan tâm như các thông tin sai lệch, bạo lực trực tuyến; tiếp tục thực hiện một loạt chuyên đề hành động “làm sạch Internet”, nhắm mục tiêu vào các website và nền tảng phổ biến; quản lý thông tin do người dùng đăng tải; thiết lập cơ chế khiếu nại, báo cáo về an toàn thông tin.

Ưu tiên bảo vệ đối tượng là trẻ vị thành niên thông qua chuyên đề hành động “bảo vệ mầm non”, tập trung chấn chỉnh các vấn đề như thông tin xấu độc trên mạng, nạn nghiện game online, tệ nạn mạng xã hội, thanh lọc môi trường trực tuyến liên quan trẻ vị thành niên; tăng cường giáo dục an toàn trực tuyến cho trẻ vị thành niên.

BẢO VỆ SỰ CÔNG BẰNG TRÊN INTERNET

Đổi mới tư pháp Internet: Trung Quốc nhanh chóng xây dựng các diễn giải tư pháp dân sự và hình sự liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ Internet, quyền cá nhân, giao dịch trực tuyến, cạnh tranh lành mạnh trên Internet, gian lận viễn thông và lừa đảo trên mạng. Xây dựng các quy trình tố tụng trực tuyến, hòa giải trực tuyến, tòa án trực tuyến; hoàn thiện các quy định về chứng cứ dữ liệu điện tử, tiêu chuẩn hóa các thủ tục xử lý các vụ án tội phạm mạng; từng bước thiết lập hệ thống các quy tắc tố tụng tư pháp trực tuyến.

Tìm tòi các mô hình tư pháp Internet: Tích cực thúc đẩy ứng dụng các công nghệ như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và chuỗi khối trong các lĩnh vực tố tụng, thi hành án và quản lý tư pháp, xây dựng mô hình tư pháp mạng đặc sắc Trung Quốc. Các tòa án Internet ở Hàng Châu, Bắc Kinh, Quảng Châu liên tiếp được thành lập để thí điểm “xét xử trực tuyến các vụ án”. Công tác kiểm soát kỹ thuật số được đẩy mạnh, tăng cường trao quyền cho kỹ thuật số trong giám sát pháp lý. Mô hình tư pháp trực tuyến đánh dấu sự phát triển và hoàn thiện hơn nữa hệ thống tư pháp đặc sắc Trung Quốc trong lĩnh vực Internet.

NÂNG CAO NHẬN THỨC NGƯỜI DÂN VỀ PHÁP LUẬT TRONG QUẢN LÝ INTERNET

Các trang web của chính phủ lập chuyên mục riêng để phổ biến luật, thực hiện công khai các quy định của pháp luật trên Internet, tập trung vào các luật, quy định quan trọng như “Hiến pháp”, “Bộ luật Dân sự”, “Bộ Luật hình sự”, “Luật An ninh quốc gia”, “Luật An ninh mạng”,... Tận dụng lợi thế của truyền thông Internet, đa dạng các kênh và hình thức tuyên truyền như sơ đồ, hình ảnh, video, nhạc trực tuyến nhằm cung cấp kiến thức pháp lý, giải thích luật, tiếp thu ý kiến dư luận. Kết hợp hiệu quả phổ biến pháp luật ngoại tuyến và trực tuyến.

Trong quá trình xây dựng các luật và quy định về quản lý Internet, sử dụng các kênh trực tuyến và ngoại tuyến để lắng nghe và tiếp thu đầy đủ ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Khi luật và quy định được ban hành, tổ chức họp báo trả lời câu hỏi và giải thích của chuyên gia để làm rõ những điểm chưa rõ trong luật. Trong hoạt động tư pháp và thi hành pháp luật về quản lý Internet, tập trung vào các vấn đề được công chúng quan tâm; đăng tải các vụ việc điển hình, chú trọng giải thích pháp luật trong từng vụ án.

Trong việc nghiên cứu pháp luật về Internet, Trung Quốc định hướng các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu thành lập các nhóm chuyên gia pháp luật về Internet.

Với công tác đào tạo nhân tài, Trung Quốc đặt nền móng về pháp luật Internet từ cấp tiểu học, một số trường cấp 2 có môn học bổ sung về các luật liên quan như an toàn thông tin, luật kỹ thuật số, luật về trí tuệ nhân tạo. Nhiều trường cao đẳng, đại học tổ chức đào tạo các ngành học liên quan đến pháp luật về quản lý Internet.

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ QUẢN TRỊ INTERNET

Tích cực tham gia xây dựng quy tắc: Trung Quốc ủng hộ vai trò của Liên Hợp Quốc như là kênh chính thức trong quản trị quốc tế về Internet, trong đó có việc xây dựng “Công ước toàn cầu về chống tội phạm mạng”. Trung Quốc kêu gọi sớm đạt được Công ước có tính ràng buộc và có tính phổ biến, cung cấp cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề tội phạm mạng. Trung Quốc cùng với các quốc gia thành viên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải đệ trình “Bộ quy tắc ứng xử quốc tế về an ninh thông tin” lên Liên Hợp Quốc. Trung Quốc ủng hộ Liên Hợp Quốc đạt được “Khuôn khổ về hành vi của quốc gia có trách nhiệm trong không gian mạng”, trong đó bao gồm các nguyên tắc quan trọng của luật pháp quốc tế như bình đẳng chủ quyền, giải quyết hòa bình các tranh chấp, cấm sử dụng vũ lực và không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác được áp dụng cho không gian mạng.

Trung Quốc tích cực tham gia vào việc hình thành các quy tắc quản trị mạng khu vực, đã ký “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực”, cùng với 14 quốc gia thành viên khác hình thành các quy tắc khu vực về xác thực và chữ ký điện tử, bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, bảo vệ thông tin cá nhân trực tuyến, an ninh mạng, luồng dữ liệu xuyên biên giới, bảo vệ sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực khác.

Mở rộng giao lưu, tổ chức các Hội nghị: Trung Quốc tham gia thiết lập các cơ chế đối thoại như “Cơ chế tham vấn an ninh thông tin Trung - Nga”, “Cơ chế nhóm công tác mạng Trung Quốc - EU”, “Cơ chế đối thoại các vấn đề mạng Trung Quốc - ASEAN”, “Cơ chế tham vấn mạng ba bên Trung - Nhật - Hàn”. Bên cạnh đó, cùng tổ chức “Đối thoại kinh tế Internet Trung Quốc - Đức 2019”, “Hội nghị bàn tròn Internet Trung Quốc - Anh”, “Diễn đàn bàn tròn Internet Trung Quốc - Cuba”,…

Hợp tác tư pháp và thực thi pháp luật quốc tế về an ninh mạng: Trong cuộc chiến chống khủng bố mạng, thông qua các cuộc diễn tập, hoạt động chung phòng thủ biên giới, hợp tác cảnh sát, hỗ trợ tư pháp và các hình thức khác, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với các nước liên quan. Về việc trấn áp gian lận viễn thông và lừa đảo Internet, hợp tác điều tra và xử lý các vụ án lớn xuyên biên giới với nhiều quốc gia đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Trung Quốc tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế và các nước khác như Anh, Đức,… để kiểm soát nội dung trực tuyến liên quan đến trẻ vị thành niên không lành mạnh; hợp tác với hơn 200 chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội dân sự trên thế giới để chống bóc lột và lạm dụng trẻ em trực tuyến;…

Xây dựng nền tảng đối thoại: Từ năm 2014, Trung Quốc tổ chức Hội nghị Internet Thế giới thường niên có sự tham gia của đại diện các chính phủ, tổ chức quốc tế, công ty Internet, tổ chức tư vấn, hiệp hội công nghệ và cộng đồng kỹ thuật. Qua đó, Trung Quốc đã công bố sáng kiến “Cùng nhau xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai trong không gian mạng”; đề xuất thúc đẩy sự công nhận quốc tế về các quy tắc và tiêu chuẩn bảo vệ thông tin cá nhân phù hợp với các mục đích của Hiến chương Liên Hợp Quốc; tăng cường trao đổi kinh nghiệm lập pháp về bảo vệ trẻ vị thành niên, chống tội phạm mạng; kêu gọi cải thiện hơn nữa cơ chế chống tội phạm mạng và khủng bố mạng.

Nguyễn Văn Liệu (Bộ Công an)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới