Triển khai, ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước
Tham dự hội nghị còn có các đ/c Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin - Văn phòng Trung ương Đảng; Cục Ứng dụng Công nghệ Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục Công nghệ Thông tin – Bộ Quốc phòng; cán bộ chủ chốt các hệ Cơ yếu, các cơ quan, đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ. Thời gian vừa qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã bước đầu thiết lập hạ tầng chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách triển khai ứng dụng chứng thực chữ ký số phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp trong tình hình mới. Cho đến nay, cả nước có gần 7000 chứng thư số do Ban cơ yếu Chính phủ quản lý và phấn đấu đến năm 2015, cả nước có hơn 65% cơ quan Bộ, ban, ngành, địa phương sử dụng chứng thư số.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế ứng dụng chữ ký số còn gặp một số khó khăn như: nhận thức chung của cán bộ, công chức về vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng chứng thực chữ ký số chưa cao; sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo một số cơ quan nhà nước chưa quyết liệt; hạ tầng CNTT chưa được xây dựng đồng bộ; trình độ ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức nhà nước còn hạn chế....
Toàn cảnh các đại biểu tham dự tại Hội nghị
Từ năm 2008 đến nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo trong phạm vi toàn quốc; tham gia trao đổi, tư vấn về triển khai ứng dụng chứng thực chữ ký số tại một số bộ ngành và địa phương để góp phần làm chuyển biến nhận thức về vai trò, tầm quan trọng cũng như phân tích định hướng phát triển ứng dụng hạ tầng chứng thực điện tử phục vụ hệ thống chính trị tại Việt Nam.
Trong Hội nghị lần này, các tham luận cùng với các ý kiến trao đổi đã nêu bật mục tiêu, ý nghĩa, vai trò của hệ thống chứng thực điện tử và chữ ký số trong bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin; làm rõ hơn hiện trạng, những khó khăn bất cập và định hướng phát triển hạ tầng chứng thực điện tử và kế hoạch triển khai chữ ký số trong cơ quan Đảng, Nhà nước tới năm 2015. Một số sản phẩm, giải pháp ứng dụng chứng thực điện tử của Ban Cơ yếu Chính phủ đã được Trung tâm chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ giới thiệu tại đây.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Trần Nguyên Bình đã đánh giá những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua và khẳng định vai trò, trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ, của ngành Cơ yếu Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo đảm phát triển hạ tầng, dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các cơ quan thuộc hệ thống chính trị góp phần đẩy mạnh chiến lược phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam