Vietnam Security Summit 2024: An toàn trong thời kỳ bùng nổ của trí tuệ nhân tạo
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo xoay quanh chủ đề: "An toàn trong thời kỳ bùng nổ của trí tuệ nhân tạo" nhằm cập nhật những xu hướng mới nhất về an ninh mạng, những giải pháp công nghệ bảo mật tiên tiến, đặc biệt là tiềm năng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực này. Với sự tham gia của nhiều diễn giả hàng đầu trong nước và quốc tế mang đến những thảo luận chuyên sâu về sự phát triển của các công nghệ bảo mật tích hợp AI và trợ lý ảo, bảo mật di động và ứng dụng với trợ lý ảo, bảo mật OT, bảo mật mạng, cơ sở hạ tầng và quản lý rủi ro an ninh mạng. Thông qua các hoạt động giao lưu, gặp gỡ tại Hội thảo sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa các chuyên gia, doanh nghiệp và tổ chức hướng tới tương lai số an toàn, thịnh vượng.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: việc đảm bảo an toàn thông tin, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức, doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ. Sự hợp tác này không chỉ mở ra cơ hội chia sẻ thông tin và kinh nghiệm mà còn giúp chúng ta tăng cường khả năng phản ứng nhanh chóng và hiệu quả đối với các mối đe dọa.
Thứ trưởng cho biết, trong năm 2023, thế giới ước tính thiệt hại tới 8.000 tỷ USD bởi các cuộc tấn công mạng, dự kiến sẽ tăng lên 9.500 nghìn tỷ USD vào năm 2024. Cứ sau 11 giây lại có một tổ chức trên toàn cầu bị tấn công bằng mã độc tống tiền. Đồng thời, có hơn 353 triệu người đã bị ảnh hưởng do vi phạm dữ liệu với chi phí trung bình toàn cầu của một vụ vi phạm dữ liệu lên tới 4,45 triệu USD. Đây là những con số biết nói, đặc biệt trong thời kỳ bùng nổ của công nghệ AI.
Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khải mạc tại Hội thảo
Khi thách thức từ các mối đe dọa an ninh mạng tiếp tục gia tăng, sự tiến bộ nhanh chóng của AI mang đến cả các cơ hội lẫn rủi ro. AI có khả năng nâng cao biện pháp bảo mật bằng cách cho phép phát hiện và phản ứng đối với các mối đe dọa tiên tiến. Tuy nhiên, nó cũng mở ra những cánh cửa mới cho các cuộc tấn công, khi các tội phạm mạng có thể khai thác lỗ hổng trong thuật toán AI hoặc tận dụng các công nghệ được hỗ trợ bởi AI để truy cập trái phép thông tin nhạy cảm.
Theo báo cáo của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, những cuộc tấn công sử dụng AI làm ảnh hưởng đến an toàn an ninh mạng gây thiệt hại khoảng 1.026 nghìn tỷ USD trên thế giới, đối với Việt Nam là 8.000 - 10.000 tỷ đồng, có khoảng 17.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến trong đó phổ biến nhất gần đây là sử dụng DeepVoice và DeepFace. Dự báo đến năm 2025 sẽ có nguy cơ khoảng 3.000 cuộc tấn công/giây, 12 mã độc/giây và 70 lỗ hổng/điểm yếu mới mỗi ngày. Đây là những con số đáng báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Ngoài phiên Báo cáo chính, Hội thảo còn diễn ra 4 phiên Hội thảo chuyên đề bao gồm: Bảo vệ hệ thống thông tin và cơ sở hạ tầng quan trọng; An toàn dữ liệu và quyên riêng tư trên môi trường mạng; Quản lý rủi ro an toàn thông tin mạng; Bảo mật di động và thách thức.
Trong đó, đại diện phía Ban Cơ yếu Chính phủ có ông Nguyễn Viết Phan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng chủ trì Hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề Bảo mật di động và thách thức, với nhiều báo cáo đến từ các chuyên gia của Samsung, Mobifone, VNPAY, Bshield và CyPeace xoay quanh các vấn để nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ di dộng trong vận hành doanh nghiệp và việc phòng tránh các cuộc tấn công mạng sử dụng công nghệ cao.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác của Vietnam Security Summit 2024 là lễ khai trương Nền tảng quản lý và phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro an toàn thông tin, giúp quản lý rủi ro trên các tài sản số phần mềm phần cứng của tổ chức, phân loại đánh giá mức độ nghiêm trọng các rủi ro bảo mật, phát hiện và cảnh báo sớm các rủi ro về an toàn thông tin cũng như hỗ trợ đưa ra các khuyến nghị để khắc phục rủi ro an toàn thông tin. Nền tảng này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực bảo vệ an ninh mạng cho các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Lễ khai trương Nền tảng quản lý và phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro an toàn thông tin
Diễn ra song song với Hội thảo là Triển lãm An toàn không gian mạng với sự tham gia của hơn 50 nhà cung cấp giải pháp bảo mật hàng đầu khu vực và trên thế giới như Công ty An ninh mạng Viettel, Cloudflare, Sophos, Opswat, CMC... Nhiều giải pháp tiêu biểu được trưng bày, giới thiệu trong sự kiện bao gồm: chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp trưởng thành ATTT (Cyber Security Maturity Program – CSMP), phát hiện rò rỉ dữ liệu, bảo vệ cơ sở dữ liệu, bảo mật đám mây, bảo mật Internet vạn vật (IoT), bảo mật 5G, bảo mật di động, bảo mật ứng dụng, bảo mật điểm cuối,...
Quốc Trường