Ứng dụng Giao thông thông minh và y tế điện tử phục vụ người dân

08:39 | 30/07/2015 | AN TOÀN THÔNG TIN
Hội thảo được tổ chức vào ngày 22/7/2015 tại Tp. Hồ Chí Minh, với chủ đề “Chính phủ Điện tử, Y tế Điện tử và Giao thông Thông minh”. Sự kiện do Sở Thông tin và Truyền Thông Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam tổ chức dưới sự chủ trì của Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh.

Đồng chí Lê Mạnh Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Hội thảo

Trong những năm gần đây, khái niệm “thành phố thông minh” dần trở nên quen thuộc với người dân và trở thành xu hướng của thời đại mới tại Việt Nam. Thành phố thông minh được hiểu là đô thị có thể ứng dụng CNTT-TT trong hầu hết các hoạt động nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với sự phát triển của CPĐT, giao thông thông minh và y tế điện tử cũng là hai chủ đề thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người dân bởi lẽ một thành phố được đánh giá là “thông minh” thì phải tìm được cách giải quyết hiệu quả nhất và hợp lý nhất cho bài toán thường nhật như đi lại hay chăm sóc sức khỏe cho cư dân.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, ứng dụng CNTT-TT trong y tế hay y tế điện tử (E-Health) tại Việt Nam cũng dành được rất nhiều sự quan tâm từ công chúng và đã triển khai được những bước đầu tiên. Theo thống kê năm 2014, ứng dụng phần mềm tin học ở bệnh viện tuyến Trung ương là 100%, tuyến tỉnh là 68% và tuyến huyện là 61%. Hiện tại, Bộ Y tế đang thí điểm triển khai dự án Bệnh án điện tử và quản lý hệ thống bệnh viện tại 6 bệnh viện (Nhi Trung ương, Nhi Thanh Hóa, Phụ sản Trung ương,Y học cổ truyền Trung ương, Đa khoa Hà Tĩnh và Đa khoa Trung ương Huế). Những bệnh viện này sẽ được chú trọng nâng cấp phần mềm quản lý tin học bệnh viện với mục đích cung cấp dịch vụ tốt hơn cho cả bác sĩ và bệnh nhân. Ngoài ra, ngành Y tế đang triển khai kế hoạch phát hành Thẻ Bảo hiểm Y tế điện tử vào năm 2018 với mục đích giảm thiểu thủ tục rườm rà cũng như tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả cho việc khám chữa bệnh.

Giao thông công cộng luôn luôn là vấn đề nóng có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày đối với mỗi người dân nói riêng và với quốc gia nói chung. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thời gian trung bình ùn tắc giao thông gây ra là 45 phút/ngày, xấp xỉ 15 giờ/tháng và 180 giờ/năm dẫn đến thiệt hại trung bình 30.000 tỷ VND mỗi năm (theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia). Sự gia tăng dân số nhanh chóng, tốc độ đô thị hóa cao gây ra quá tải cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai các dự án xây dựng 16 tuyến đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn là Hà Nội (8 tuyến) và Hồ Chí Minh (8 tuyến) với tổng chiều dài gần 500 km. Tuy nhiên, giải quyết giao thông công cộng nói chung, ở đô thi nói riêng cần giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Theo nhận định của những chuyên gia từ tập đoàn Siemens AG cuối năm 2014, muốn xây dựng “thành phố thông minh” thì xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh với hệ thống quản lý thông minh là bước đi thiết yếu cần ưu tiên hàng đầu.


Các đại biểu tham dự Hội thảo

Với nhu cầu tăng cường ứng dụng CNTT vào các hoạt động KH-XH như vậy, hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử năm 2015 tập trung thảo luận 3 nội dung chính, với 1 phiên báo cáo chính và 2 phiên chuyên đề.

Phiên báo cáo chính với chủ đề: “Xây dựng Thành phố Thông minh lấy Chính phủ Điện tử làm trung tâm”, với những tham luận như: Kết quả xây dựng chính quyền điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh 2010 - 2015, Tăng cường giám sát An toàn Thông tin trong phát triển Chính phủ Điện tử, Chiến lược phát triển Quốc gia Thông minh trong tầm nhìn dài hạn, Xây dựng Thành phố thông minh - Khả năng phát triển và các khó khăn cần cân nhắc, Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nền tảng Chính phủ điện tử tương thích với các dịch vụ điện tử khác tại Hàn Quốc …

Tại 2 phiên báo cáo chuyên đề, các đại biểu thảo luận hai chủ đề “Triển khai dịch vụ Y tế Điện tử hiệu quả và Xây dựng Hệ thống Giao thông Thông minh”. Các tham luận chuyên sâu được trình bày tại Hội thảo đã đánh giá khái quát về thực trạng và những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử, đồng thời đưa ra những đề xuất, sáng kiến ứng dụng công nghệ tạo đà cho những chuyển biến lớn trong phát triển Chính phủ điện tử, xây dựng hệ thống giao thông thông minh và y tế điện tử tại Việt Nam. Một số tham luận chính như: Hiện trạng triển khai và xu hướng phát triển của Y tế điện tử, Ứng dụng công nghệ hiện đại nâng cao hiệu quả dịch vụ Y tế điện tử, Nâng cao chất lượng phần mềm và quy trình bảo mật đảm báo hiệu quả hoạt động của tổ chức, Xu hướng Ứng dụng Di động trong các dịch vụ ngành Y tế; Xây dựng hệ thống Giám sát Giao thông Thông minh tại Việt Nam: Một số kinh nghiệm cho các tuyến đường cao tốc tại thủ đô Hà Nội,…Những ý kiến phát biểu tại Hội thảo sẽ gợi mở những ý tưởng trong hoạch định chính sách liên quan của Chính phủ điện tử trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Hội thảo, triển lãm công nghệ về Chính phủ điện tử đã giới thiệu về hạ tầng truyền thông, trung tâm cơ sở dữ liệu, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, hệ thống xác thực Quốc gia, trung tâm kết nối, giải pháp quản lý và chia sẻ dữ liệu tiêu biểu, bảo mật thông tin, hồ sơ Y tế Điện tử, các sản phẩm giám sát và quản lý giao thông… 

 Theo Khảo sát Chính phủ điện tử (CPĐT) năm 2014 của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp thứ 99 trên 193 quốc gia trên thế giới về chỉ số phát triển CPĐT, riêng tại châu Á xếp hạng 26 trên 47, vượt qua Malaysia và Thái Lan. Kết quả của cuộc Khảo sát được thực hiện theo 3 tiêu chí: Dịch vụ trực tuyến, Hạ tầng viễn thông và Vốn nhân lực. Bên cạnh đó, về chỉ số sẵn sàng kết nối thông tin toàn cầu, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã xếp Việt Nam ở vị trí 85 trên tổng số 143 quốc gia trong Báo cáo tháng 4/2015, tụt 1 hạng so với năm trước.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới