Toàn cảnh Facebook để lộ thông tin cá nhân của người dùng

09:00 | 31/05/2018 | AN TOÀN THÔNG TIN
Ngày 17/3/2018, thông tin về việc 50 triệu người dùng Facebook bị lộ dữ liệu cá nhân đã được công khai. Con số này sau đó tăng lên hơn 87 triệu tài khoản, trong đó Việt Nam cũng có gần 500 nghìn tài khoản bị khai thác. Facebook đã lâm vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có và đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Các tổ chức và cơ quan chức năng của các chính phủ đã vào cuộc điều tra nguyên nhân và làm rõ hậu quả.

87 triệu tài khoản bị lộ thông tin

Thông tin mới nhất cho thấy ít nhất 87 triệu người dùng Facebook đã bị lộ dữ liệu. Trong số đó, 10 quốc gia có số tài khoản Facebook bị thu thập dữ liệu nhiều nhất là Mỹ, Philippines, Indonesia, Anh, Mexico, Canada, Ấn Độ, Brazil, Việt Nam và Australia. Tại Việt Nam có gần 500 nghìn tài khoản người dùng bị thu thập dữ liệu. Những dữ liệu này bị thu thập và sử dụng sai mục đích bởi công ty tư vấn tài chính kết hợp khai thác và phân tích dữ liệu Cambridge Analytica.

Cambridge Analytica là công ty được nhóm chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ - Donald Trump thuê năm 2016. Cambridge Analytica còn hợp tác với Công ty truyền thông SCL Group (Anh) - chuyên cung cấp dữ liệu, phân tích và chiến lược cho các chính phủ và tổ chức quân sự trên thế giới. Phần giới thiệu trên Twitter của Cambridge Analytica cho biết, họ cung cấp dịch vụ tìm đối tượng mục tiêu theo hành vi, cũng như hỗ trợ các chiến dịch chính trị và hỗ trợ kỹ thuật số.

Dữ liệu của người dùng Facebook bị lộ như thế nào?

Năm 2014, nhà tâm lý học Aleksandr Kogan của Đại học Cambridge đã tiếp cận nhà nghiên cứu Michal Kosinski để lấy dữ liệu người dùng Facebook. Những dữ liệu này đã được Kosinski thu thập bằng cách sử dụng một ứng dụng đơn giản về trắc nghiệm nhân cách, yêu cầu người dùng phải đăng nhập vào Facebook để tham gia.

Nhà nghiên Kosinki cứu từ chối cung cấp dữ liệu này. Công ty Cambridge Analytica đã chi trả 800 nghìn USD để tạo ra một ứng dụng tương tự, với mục đích thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng trên Facebook, bao gồm các trang mà người dùng “like”.

Ứng dụng tính cách “thisisyourdigitallife” của Kogan đã thu hút được 270.000 người dùng Facebook. Vào thời điểm đó, Facebook còn cho phép ứng dụng thu thập thông tin trong danh sách bạn bè của người dùng. Trung bình một người dùng Facebook có hàng trăm bạn bè, nên Kogan đã thu thập được dữ liệu của khoảng 50 triệu người dùng Facebook để sử dụng trong việc quảng cáo.

Tuy nhiên, sau đó, Kogan lại chuyển số dữ liệu này cho SCL Group và Cambridge Analytica, khi ấy đang phát triển các công cụ có thể sử dụng để tác động lên cử tri. Facebook cho biết việc chuyển dữ liệu này là phạm luật. Còn phía Cambridge Analytica khẳng định đã xóa hết dữ liệu năm 2015 khi họ nhận ra đã vi phạm quy định của Facebook.

Phản ứng của người dùng Facebook

Sau khi vụ bê bối dữ liệu người dùng Facebook vỡ lở, một làn sóng tẩy chay mạng xã hội lớn nhất thế giới nổ ra. Từ khoá #DeleteFacebook (Xoá Facebook) được chia sẻ rầm rộ trên Twitter và nhiều mạng xã hội khác. Ngay cả đồng sáng lập Brian Acton của WhatsApp - công ty mà Facebook bỏ 19 tỷ USD ra mua lại năm 2014, cũng kêu gọi bạn bè xóa Facebook. Theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos, hơn một nửa người dùng Facebook tại Mỹ chia sẻ rằng, họ đang mất niềm tin vào mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

Động thái của các nhà chức trách

Facebook đang gặp vấn đề với các chính phủ trên khắp thế giới sau vụ việc của Cambridge Analytica. Hãng đang phải đối mặt với các cuộc điều tra của nhiều nước như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Anh, Israel, Ấn Độ và Canada.

Ngày 19/3/2018 Ủy ban châu Âu yêu cầu các cơ quan bảo vệ dữ liệu điều tra vụ rò rỉ dữ liệu của Cambridge Analytica. Nếu Ủy ban tìm thấy bằng chứng Facebook vi phạm luật bảo vệ dữ liệu thì Facebook sẽ bị phạt hành chính.

Ngày 20/3/2018, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) đã tiến hành điều tra việc Cambridge Analytica sử dụng dữ liệu cá nhân của hơn 50 triệu người dùng có vi phạm bản thỏa thuận ký kết hợp đồng đã ký với Facebook năm 2011 hay không? Đồng thời tiến hành điều tra Facebook về vấn đề bảo mật quyền riêng tư sau bê bối của công ty này. Nếu FTC kết luận Facebook sai phạm, công ty này có thể bị phạt hàng tỷ USD.

Bộ Tư pháp Israel cũng thông báo với Facebook rằng, họ đang mở một cuộc điều tra với Facebook về khả năng vi phạm quyền riêng tư của người dân Israel.

Đồng thời Facebook cũng đang phải đối mặt với một cuộc điều tra riêng của chính phủ Anh để xác định xem Cambridge Analytica còn lưu trữ thông tin mà công ty tuyên bố đã xóa hay không.

Động thái của Facebook

Lời xin lỗi vì vụ bê bối của Cambridge Analytica

Ngày 21/3/2018, người sáng lập Facebook - Mark Zuckerberg đã lên tiếng xin lỗi vì vụ rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng. Ông thừa nhận rằng, đó là một sai lầm khi cho phép các nhà phát triển bên thứ ba truy cập dữ liệu của người dùng, đồng thời tin tưởng Cambridge Analytica và các công ty thu thập dữ liệu người dùng sẽ xóa dữ liệu như Facebook yêu cầu.

Zuckerberg cam kết giải quyết tất cả vấn đề và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Ông giải thích rằng, Facebook đã thay đổi chính sách sau năm 2014 để ngăn chặn việc lạm dụng API của Facebook. Ông cũng cho biết sẽ sớm tiến hành “kiểm tra pháp lý đầy đủ” để tìm ra những ứng dụng của bên thứ ba có quyền truy cập vào dữ liệu mà không có sự đồng ý đầy đủ của người dùng và sẽ thông báo cho người dùng khi bị sử dụng dữ liệu sai mục đích.

Facebook cho biết họ cũng sẽ kết thúc tính năng cho phép người dùng tìm kiếm hồ sơ bằng cách sử dụng số điện thoại hoặc email cá nhân, do các phần tử xấu có thể đã lạm dụng tính năng này và lấy được thông tin cá nhân từ các tài khoản.

Điều tra tất cả các ứng dụng của bên thứ ba

CEO Facebook cũng cho biết công ty sẽ điều tra tất cả các ứng dụng có quyền truy cập vào số lượng lớn thông tin, đồng thời tiếp tục hạn chế việc các nhà phát triển truy cập vào dữ liệu của người dùng trong thời gian tới. Một số chính sách cũng sẽ được phát triển giúp người dùng dễ dàng từ chối các nhà phát triển bên thứ ba thu thập thông tin cá nhân.

Một số nhà phân tích cho rằng, các quy định của pháp luật đối với các công ty mạng xã hội cần chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Vì hiện nay, mạng xã hội đang có vai trò quan trọng trên thế giới, Zuckerberg tin rằng, đã đến lúc áp đặt thêm các quy định cho các công ty công nghệ.

Ông cũng đề xuất rằng, trí thông minh nhân tạo sẽ là một công cụ hữu dụng để quản lý và điều chỉnh cộng đồng Facebook đang phát triển nhanh chóng với hơn 2 tỷ người trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, Facebook cũng dự định sẽ có hơn 20.000 nhân viên vào cuối năm 2018 để theo dõi chặt chẽ các hoạt động bảo mật và riêng tư.

Mất mát lớn nhất mà Facebook gánh chịu như lời Mark Zuckerberg đó là lòng tin của người dùng. Ngay khi sự việc Cambridge Analytica được phanh phui, cổ phiếu Facebook liên tục lao dốc khiến thiệt hại vốn hoá của công ty này lên đến hàng chục tỷ USD. Tài sản của CEO Mark Zuckerberg cũng vì thế mà tổn thất hàng chục tỷ USD. Tài sản của CEO Mark Zukerberg cũng vì thế mà giảm sút.

Hàng loạt các công ty quảng cáo lớn trên thế giới tẩy chay mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Những cái tên đình đám trong làng quảng cáo như ISBA, WPP, M&C Saatchi, Commerzbank, Mozilla, Sonos,... đều có những động thái rút lui hoặc xem xét việc có tiếp tục đặt quảng cáo trên Facebook hay không.

Phương pháp ngăn chặn bên thứ ba sử dụng dữ liệu Facebook

Không chỉ ứng dụng trắc nghiệm của Cambridge Analytica mà còn có hàng ngàn ứng dụng khác trên Facebook thu thập thông tin người dùng. Các ứng dụng này đòi hỏi quyền truy cập bằng tài khoản Facebook, rồi yêu cầu người dùng cung cấp các thông tin cá nhân (như tên, địa điểm, email và danh sách bạn bè). Trong lúc vụ việc vẫn còn đang trong quá trình điều tra, người dùng cần kiểm tra quyền truy cập các ứng dụng của bên thứ ba đã cho phép trên tài khoản Facebook, hạn chế và vô hiệu hóa những ứng dụng không cần thiết. Phương pháp để vô hiệu hóa ứng dụng truy cập vào dữ liệu như sau:

- Trên máy tính, nhấp chuột vào mũi tên hướng xuống ở góc trên cùng bên phải, chọn Cài đặt (Settings), Ứng dụng (Apps) ở mục tùy chọn bên trái màn hình.

- Trên thiết bị di động, mở tính năng tùy chọn (dưới cùng bên phải đối với iOS, trên cùng bên phải đối với Android), chọn Cài đặt (Settings), Cài đặt Tài khoản (Account Settings), Ứng dụng (Apps), Đăng nhập bằng Facebook (Logged in with Facebook).

Tại đây, thông tin về tất cả các ứng dụng đã đăng nhập bằng Facebook sẽ được hiển thị. Để vô hiệu hóa ứng dụng, người dùng thực hiện xóa (biểu tượng chéo) bên cạnh ứng dụng đó. Để giới hạn quyền của ứng dụng, người dùng có thể nhấp chuột vào nút chỉnh sửa (biểu tượng bút chì), để tùy chỉnh quyền cho phép truy cập của từng ứng dụng.

Kết luận

Sự kiện của facebook đã tạm lắng xuống và không trở thành cuộc khủng hoảng trên diện rộng, sau những nỗ lực của lãnh đạo facebook. Từ sự kiện này, chúng ta cần đặt câu hỏi, Google và các mạng xã hội khác cũng đang thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng để làm gì? có thể gây ra những tác động cụ thể nào?

Các công ty đã thành công trong việc thuyết phục người sử dụng internet rằng họ chỉ sử dụng dữ liệu để phục vụ mục tiêu quản cáo hiệu quả hơn. Các công ty cung cấp dịch vụ internet lớn trên thế giới hoàn toàn đồng tình với việc bị quản lý, vấn đề họ quan tâm là hình thức quản lý như thế nào. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một quy tắc nào về quyền riêng tư được đưa ra, để kiểm soát việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân.

Nhật Minh

Tổng hợp

Tin cùng chuyên mục

Tin mới