Nhận thức về an toàn thông tin là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao năng lực an toàn thông tin quốc gia

15:00 | 21/11/2019 | AN TOÀN THÔNG TIN
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã cho biết như vậy trong Hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2019 tại Tp. Hồ Chí Minh, được tổ chức vào ngày 21/11/2019 với chủ đề “Nâng tầm an toàn, an ninh thông tin quốc gia trong kỷ nguyên số”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo

Theo Thứ trưởng, năng lực an toàn thông tin quốc gia trong kỷ nguyên số được thể hiện qua 06 yếu tố như sau:

Thứ nhất, là môi trường pháp lý. Môi trường pháp lý trong thời gian vừa qua đã thực sự được xây dựng dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro và tối ưu hóa.

Thứ hai, là đánh giá về tỉ lệ lây nhiễm mã độc. Tình hình an toàn thông tin thời gian vừa qua đã cho thấy sự nỗ lực trong việc cải thiện khả năng phòng chống lây nhiễm mã độc, với việc thành lập Liên minh xử lý mã độc và phòng, chống tấn công mạng. Bộ TT&TT đã phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội để triển khai việc rà quét, giảm tỉ lệ lây nhiễm mã độc. Kết quả, tỉ lệ lây nhiễm mã độc năm 2019 đã giảm hơn so với năm 2018.

Thứ ba, là đội ngũ doanh nghiệp. Đơn vị trực tiếp thực thi việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho các tổ chức, cơ quan nhà nước, xã hội là các tổ chức, doanh nghiệp an ninh mạng. Tuy nhiên, đội ngũ doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa thực sự lớn mạnh, điển hình là doanh thu trong ngành an ninh mạng trong nước so với trên thế giới là rất nhỏ.

Thứ tư, là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực bắt nguồn từ đào tạo. Trong khi đó, có thể thấy trong một vài năm gần đây, các trường đại học mới bắt đầu có những khóa đầu tiên tốt nghiệp về lĩnh vực an toàn thông tin. Trước đó, mới chỉ có Học viện Kỹ thuật mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ) là đơn vị đầu tiên trên cả nước đào tạo chuyên ngành an toàn thông tin (từ năm 2004), còn lại nguồn nhân lực trong lĩnh vực này hầu như đều xuất phát từ công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực an toàn thông tin chưa thực sự có nhiều chuyên gia và kỹ sư chất lượng cao.

Thứ năm, là việc giám sát các hệ thống thông tin trọng yếu của nhà nước và doanh nghiệp. Các hệ thống này có thực sự được đảm bảo an toàn 24/7 bởi các tổ chức, doanh nghiệp giám an toàn thông tin hay không? Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để đánh giá năng lực an toàn thông tin quốc gia.

Thứ sáu, là khả năng tham gia quốc tế trong lĩnh vực an toàn thông tin. Một yếu tố cần thiết để đánh giá năng lực an toàn thông tin quốc gia.

Trong thời gian tới, cần có hệ chỉ số đánh giá những yếu tố này một cách chính xác. Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam đã thể hiện đầy đủ mong muốn về vấn đề nâng cao năng lực an toàn thông tin trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thực hiện được tốt những nhiệm vụ này thì thực sự cần nhiều nỗ lực từ tất cả các Bộ, ban ngành.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là về nhận thức, đặc biệt là từ người đứng đầu, chủ quản hệ thống thông tin. Từ nhận thức được nâng cao, các yếu tố, tiêu chí về an toàn thông tin mới được quan tâm. Cần nhận thức rằng việc đầu tư cho các giải pháp phòng chống sẽ tốt hơn nhiều so với việc giải quyết, xử lý sự cố an toàn thông tin sau khi đã xảy ra.

Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2019 là chuỗi các sự kiện về an toàn thông tin nổi bật trong năm, trong đó có các phiên Hội thảo chính tại Hà Nội và Tp. HCM. Tham dự sự kiện có đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT; lãnh đạo UBND Tp.HCM; lãnh đạo Sở TT&TT các tỉnh thành và đặc biệt có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin, an toàn thông tin trong nước và quốc tế; cùng đông đảo các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng công nghệ thông tin, an toàn thông tin.

Thảo Uyên

Tin cùng chuyên mục

Tin mới