Năm 2020: 330 triệu người trên 10 quốc gia là nạn nhân của tội phạm mạng
NortonLifeLock (tên cũ là Symantec, công ty phần mềm bảo mật có trụ sở tại Mỹ) tiết lộ rằng trong năm 2020, gần 330 triệu người trên 10 quốc gia là nạn nhân của tội phạm mạng và hơn 55 triệu người là nạn nhân của hành vi đánh cắp danh tính. Các nạn nhân của tội phạm mạng đã dành gần 2,7 tỷ giờ để cố gắng giải quyết sự cố.
Mất thời gian cho tội phạm mạng
Báo cáo do The Harris Poll (công ty phân tích và nghiên cứu thị trường của Mỹ) thực hiện trực tuyến với hơn 10.000 người trưởng thành ở 10 quốc gia, trong đó có 1.000 người ở Mỹ, cũng cho thấy 25% người Mỹ đã phát hiện truy cập trái phép vào tài khoản hoặc thiết bị trong 12 tháng qua.
Trong số gần 108 triệu người Mỹ (41% tổng số nạn nhân) bị tội phạm mạng tấn công trong 12 tháng qua, trung bình họ dành 6 - 7 giờ để cố gắng giải quyết sự cố. Ước tính, người Mỹ đã mất hơn 719 triệu giờ cho tội phạm mạng. Với sự gia tăng của hoạt động tội phạm trực tuyến, 47% người Mỹ cảm thấy dễ bị tội phạm mạng tấn công hơn so với trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.
Theo bà Paige Hanson, Trưởng bộ phận Giáo dục An toàn mạng tại NortonLifeLock, năm 2020 là năm vô cùng khó khăn do những tác động về mặt thể chất và tinh thần của đại dịch toàn cầu. Hơn nữa, khi người ta dành nhiều thời gian trực tuyến hơn, thì mối lo ngại đối với an toàn trực tuyến của gia đình ngày càng tăng. Tội phạm mạng đã lợi dụng hành vi người dùng đang thay đổi và sự gia tăng của dấu vết kỹ thuật số.
Các nguyên nhân chính dẫn đến mất an toàn mạng
Việc người Mỹ dành nhiều thời gian trực tuyến hơn và khó có thể phân biệt được thông tin chính thống và thông tin không đáng tin cậy có thể là nguyên nhân chính dẫn đến sự mất an toàn mạng. 73% người Mỹ nói rằng họ đang dành nhiều thời gian trực tuyến hơn bao giờ hết, với 59% nói rằng họ lo lắng về việc trở thành nạn nhân của tội phạm mạng và 56% thừa nhận rất khó để xác định xem thông tin trực tuyến có phải từ một nguồn đáng tin cậy hay không. Hơn nữa, 76% cho rằng làm việc từ xa đã khiến tội phạm mạng lợi dụng người dùng dễ dàng hơn nhiều.
Bà Hanson cho biết, mặc dù năm nay người dùng rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương và khó phân biệt thật giả hơn, nhưng cũng bắt đầu có tín hiệu tích cực cho thấy người dùng đang chống lại tin tặc và đóng vai trò tích cực hơn trong việc bảo vệ cuộc sống số.
Do lo ngại về tội phạm mạng, 77% người Mỹ nói rằng họ đã có hoạt động trên mạng với nhiều cẩn trọng hơn. Hơn nữa, 99% người Mỹ phát hiện truy cập trái phép vào tài khoản hoặc thiết bị trong 12 tháng qua đã thực hiện một số hành động để cải thiện an toàn mạng của họ, bao gồm tạo mật khẩu mạnh hơn (66%) hoặc liên hệ với công ty có tài khoản bị tấn công (51%).
33% đã tìm đến thành viên gia đình hoặc Internet (31%) để được giúp đỡ. Trong khi 18% người Mỹ đầu tư nhiều hơn vào phần mềm bảo mật qua việc mua sản phẩm bảo mật lần đầu hoặc tiếp tục các gói đăng ký trước đó.
Những số liệu đáng chú ý khác
Bảo mật dữ liệu trở thành mối quan tâm hàng đầu. 88% người Mỹ lo ngại về quyền riêng tư của dữ liệu và 86% đã tích cực thực hiện ẩn giấu dấu vết trực tuyến (để bảo vệ các hoạt động trực tuyến và thông tin cá nhân), bao gồm tạo mật khẩu mạnh hơn (55%) và hạn chế thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội (40%).
Trong khi sự lo ngại tăng lên, 40% người Mỹ thừa nhận họ không biết cách tự bảo vệ mình khỏi tội phạm mạng. 46% người Mỹ không biết phải làm gì nếu danh tính của họ bị đánh cắp và 77% mong muốn họ có thêm thông tin về những điều phải làm khi bị đánh cắp danh tính.
Mặt khác, thế hệ trẻ cảm thấy ít tự tin hơn về việc giải quyết sự cố bị đánh cắp danh tính. Những người dưới 40 tuổi phần lớn không biết phải làm gì nếu danh tính của họ bị đánh cắp (62% - người dưới 40 tuổi, so với 37% người trên 40 tuổi) và mong muốn rằng họ có thêm thông tin về những việc cần làm (87% so với 70%).
Đỗ Đoàn Kết
(Theo Help Net Security)