Mỹ nghiên cứu áp quy tắc giải trình với ChatGPT

07:00 | 24/04/2023 | AN TOÀN THÔNG TIN
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lấy ý kiến từ công chúng về khả năng áp dụng những biện pháp giải trình tiềm năng đối với các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), trong bối cảnh có nhiều câu hỏi đặt ra về tác động của những công cụ ứng dụng AI mới đối với an ninh và giáo dục quốc gia.

ChatGPT của OpenAI gây nhiều chú ý với khả năng trả lời rất nhanh các câu hỏi, khiến nhiều nghị sĩ Mỹ lưu tâm khi nó trở thành một trong những ứng dụng đại trà phát triển nhanh nhất trong lịch sử, với hơn 100 triệu người dùng mỗi tháng.

Mới đây, Cục Thông tin và Viễn thông quốc gia (NTIA), một cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ chuyên cố vấn cho Nhà Trắng về chính sách thông tin và truyền thông đang đánh giá xem có cần áp dụng biện pháp để bảo đảm các hệ thống AI “tuân thủ pháp luật, hiệu quả, không trái đạo đức, an toàn và đáng tin cậy”.

“Những hệ thống AI có trách nhiệm có thể mang lại lợi ích to lớn, nhưng chỉ khi chúng ta ngăn chặn và xử lý hậu quả và tác hại tiềm năng. Để những hệ thống như vậy phát huy hết tiềm năng, các công ty và người sử dụng cần tin tưởng chúng”, Alan Davidson, quản trị viên NTIA cho biết.

Ngày 5/4, tổng thống Mỹ đã gặp gỡ các cố vấn khoa học và công nghệ của mình, bao gồm các học giả và giám đốc điều hành của Google và Microsoft, để thảo luận về “rủi ro và cơ hội” của trí tuệ nhân tạo. Mặc dù cuộc họp có thể sẽ không dẫn đến quyết định cấm ChatGPT như những gì đã xảy ra ở Ý, nhưng tổng thống Mỹ dường như không tin rằng AI hoàn toàn an toàn vào thời điểm này.

Tổng thống Mỹ nói với nhóm cố vấn: “Theo quan điểm của tôi, các công ty công nghệ có trách nhiệm đảm bảo sản phẩm của họ an toàn trước khi công bố chúng. AI có thể giúp giải quyết một số thách thức rất khó khăn như bệnh tật và biến đổi khí hậu, nhưng nó cũng có những rủi ro tiềm ẩn đối với xã hội của chúng ta, đối với nền kinh tế của chúng ta, đối với an ninh quốc gia của chúng ta”.

Nhà Trắng cũng thông báo rằng tổng thống đã tận dụng cơ hội này để thảo luận về “tầm quan trọng của việc bảo vệ các quyền và sự an toàn để đảm bảo sự đổi mới có trách nhiệm và các biện pháp bảo vệ phù hợp”.

ChatGPT gây ngạc nhiên cho người sử dụng bởi những câu trả lời nhanh chóng cho câu hỏi họ nêu ra, nhưng cũng gây khó chịu cho một số người khi đưa ra thông tin không chính xác. NTIA có kế hoạch soạn báo cáo về “những nỗ lực nhằm bảo đảm các hệ thống AI hoạt động đúng như công bố và không gây hại”. Cơ quan này cho biết sẽ thông báo với chính quyền về công việc mà họ đang thực hiện để “bảo đảm chính phủ có cách tiếp cận nhất quán và toàn diện đối với những rủi ro và cơ hội liên quan đến AI”.

Trước đó, một nhóm đạo đức công nghệ, Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo và Chính sách Kỹ thuật số tại Mỹ đã yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ ngăn OpenAI phát hành các bản phát hành thương mại mới của GPT-4 vì cho rằng nó “thiên vị, lừa đảo và có rủi ro đối với quyền riêng tư và an toàn công cộng”.

Ngày 11/4, cơ quan bảo vệ dữ liệu Tây Ban Nha đề nghị cơ quan giám sát riêng tư của Liên minh châu Âu đánh giá những quan ngại về quyền riêng tư liên quan đến ChatGPT. Trong khi đó, cơ quan quản lý quyền riêng tư của Pháp cho biết đang điều tra nhiều phàn nàn về ChatGPT, còn cơ quan quản lý dữ liệu của Ý đang cân nhắc các biện pháp mà OpenAI đề xuất để phản hồi những lo ngại dẫn đến việc chính quyền Ý tạm thời cấm Chatbot này từ hôm 31/3.

Hoàng Hằng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới