G7 nỗ lực kiểm soát rủi ro, quản lý và sử dụng AI hiệu quả, an toàn
Trong một cuộc họp mới diễn ra ở Nhật Bản, đại diện các nước công nghiệp phát triển (G)7 đã nhất trí về một bản dự thảo gồm 11 nguyên tắc phát triển AI. G7 cũng đang thúc đẩy biên soạn bộ quy tắc ứng xử quốc tế dành cho các nhà phát triển công cụ AI; cùng các hướng dẫn dành cho nhà cung cấp và người sử dụng dịch vụ AI.
Đây được đánh giá là một bước tiến của G7 trong nỗ lực xây dựng hệ thống AI trở nên an toàn, bảo mật và đáng tin cậy hơn, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời cảnh báo về nguy cơ tiềm tàng từ công nghệ này.
Sự phát triển nhanh chóng của AI và phủ sóng rộng rãi trong mọi lĩnh vực đang đặt ra bài toán hóc búa cho các nhà lập pháp và giới công nghệ về việc kiểm soát hiệu quả rủi ro từ AI mà không ảnh hưởng đến quá trình phát triển và đổi mới công nghệ, không kìm hãm tinh thần sáng tạo.
Đầu tháng 11 tới, Anh sẽ tiến hành đăng cai hội nghị cấp cao đầu tiên về an toàn AI, với sự tham gia của khoảng 100 khách mời. Hội nghị sẽ tập trung bàn thảo về nguy cơ các phần tử khủng bố có thể lợi dụng công nghệ tiên tiến này để chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các nhà phân tích nhận định rằng, hội nghị cấp cao này sẽ góp phần nhấn mạnh vị thế của Luân Đôn như một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới.
Bản thân các công ty công nghệ, dù hưởng lợi nhiều từ các sản phẩm AI, cũng gióng hồi chuông cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu công nghệ này phát triển sai hướng và bị lợi dụng vào các mục đích xấu.
Chủ tịch Tập đoàn Microsoft khẳng định, AI có tiềm năng trở thành công cụ hữu ích, song cũng có nguy cơ trở thành vũ khí chống lại nhân loại nếu chúng vượt tầm kiểm soát của con người; đồng thời nhấn mạnh các quốc gia cần khuyến khích giới doanh nghiệp công nghệ làm điều đúng đắn, cũng như tạo ra những quy định và chính sách để bảo đảm an toàn trong mọi tình huống.
Trước cuộc chạy đua khốc liệt của nhiều hãng công nghệ lớn (Big Tech) vào lĩnh vực đầy tiềm năng AI, Chủ tịch Cơ quan giám sát chống độc quyền liên bang Đức Andreas Mundt cảnh báo, AI có thể gia tăng sức mạnh thị trường của các Big Tech, cũng như kêu gọi các nhà quản lý cảnh giác với bất kỳ hành vi phản cạnh tranh nào.
Chủ tịch Tập đoàn Microsoft khẳng định, AI có tiềm năng trở thành công cụ hữu ích, song cũng có nguy cơ trở thành vũ khí chống lại nhân loại nếu chúng vượt tầm kiểm soát của con người; đồng thời nhấn mạnh các quốc gia cần khuyến khích giới doanh nghiệp công nghệ làm điều đúng đắn, cũng như tạo ra những quy định và chính sách để bảo đảm an toàn trong mọi tình huống.
Không thể phủ nhận những lợi ích mà AI mang lại, tuy nhiên, khoảng cách từ được nhờ từ AI cho đến lạm dụng công nghệ này vào mục đích không đúng đắn cũng rất ngắn.
Kết quả một cuộc khảo sát của Trường Kinh tế và Khoa học chính trị Luân Đôn (Anh) cho thấy, AI mang đến cả lợi ích và rủi ro trong hoạt động báo chí. Có tới 85% số người được hỏi đã trải nghiệm công cụ AI tạo sinh, điển hình là ChatGPT hoặc Google Bard, để viết tóm tắt và đặt tiêu đề tin.
Tuy nhiên, 60% số người tham gia khảo sát bày tỏ lo ngại về những rủi ro đạo đức của AI đối với các giá trị của báo chí, bao gồm tính chính xác, công bằng, minh bạch...
Trước đó, kết quả nghiên cứu do công ty AI Sensity của Hà Lan thực hiện cho thấy, khoảng 96% các video sử dụng công nghệ deepfake phát tán trên internet có nội dung không lành mạnh và hầu hết nạn nhân bị giả mạo là nữ giới.
Việc tăng cường quản lý AI cần song hành với khuyến khích đầu tư nhằm khai thác cao nhất tiềm năng của công nghệ, như đẩy mạnh đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển AI…
Công nghệ tiên tiến này sẽ chỉ giúp thúc đẩy kinh tế - xã hội và là cánh tay đắc lực”hỗ trợ cuộc sống của con người nếu được kiểm soát hợp lý.
Tuệ Minh