Công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về an toàn thông tin
Đại tá, TS. Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện kỹ thuật mật mã
1. Phóng viên Tạp chí ATTT: Là một đơn vị chủ chốt trong hệ thống các trường Đại học đào tạo về an toàn thông tin (ATTT), ông có nhận định như thế nào về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này cũng như định hướng trong việc tổ chức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực ATTT hiện nay?
Ông Hoàng Văn Thức: Như chúng ta đã biết, ATTT là một trong những lĩnh vực có vai trò quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số Quốc gia hiện nay. Theo số liệu của Bộ TT&TT, Việt Nam hiện nay có khoảng 50.000 lao động làm việc trong lĩnh vực này, trong khi nhu cầu vào khoảng 700.000 lao động. Đây là một khoảng cách lớn về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ATTT, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng phức tạp, tinh vi và có mức độ phá hoại cao.
Nhu cầu về nguồn nhân lực ATTT chất lượng cao trong kỷ nguyên chuyển đổi số là rất lớn và đa dạng, bao gồm các vị trí như: bảo mật hệ thống, phân tích và phòng chống mã độc, phát triển phần mềm an toàn, mật mã, kiểm tra an ninh trên không gian mạng,… Học viện KTMM là đơn vị chủ chốt trong hệ thống 8 trường Đại học đào tạo nguồn nhân lực trọng điểm về ATTT theo Đề án 99. Vì vậy, theo tôi, Học viện KTMM và các trường trong Hệ thống đào tạo nguồn nhân lực trọng điểm cần có chủ trương, định hướng trong việc tổ chức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cụ thể:
1. Phát triển đội ngũ giảng viên và các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn cao để nâng cao chất lượng giảng dạy và hướng dẫn sinh viên.
2. Liên tục cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, Big data.… để ứng dụng trong lĩnh vực ATTT và nhu cầu thị trường lao động.
3. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước.
4. Tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với các thiết bị, phần mềm, hệ thống ATTT hiện đại và tiên tiến.
5. Khuyến khích và hỗ trợ sinh viên tham gia các cuộc thi, dự án, hoạt động ngoại khóa liên quan đến lĩnh vực ATTT.
6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu và tư vấn về ngành ATTT cho sinh viên, phụ huynh và xã hội.
7. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống mạng và phần mềm, đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu và quản lý.
Tôi tin rằng, với sự nỗ lực của các trường đại học được giao đào tạo trọng điểm về ATTT, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng, Việt Nam sẽ có một nền tảng an toàn, an ninh mạng vững chắc, phục vụ cho sự phát triển bền vững của chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
2. Phóng viện Tạp chí ATTT: Được biết sinh viên Học viện kỹ thuật mật mã là một trong những trường đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi về ATTT trong nước và quốc tế, vậy Học viện trong thời gian tới sẽ có những kế hoạch đào tạo đặc biệt nào nhằm nâng cao trình độ cũng như phát triển kỹ năng và kiến thức cho các em sinh viên?
Ông Hoàng Văn Thức: Học viện KTMM tự hào là một trong những trường đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi về trong nước và quốc tế. Đây là kết quả của quá trình đào tạo chất lượng cao, chuyên sâu và thực tiễn, phù hợp với yêu cầu của ngành Cơ yếu và nhu cầu của xã hội. Học viện luôn chú trọng đến việc nâng cao trình độ cũng như phát triển kỹ năng và kiến thức cho các em sinh viên, đặc biệt là những sinh viên có năng lực xuất sắc và có đam mê với lĩnh vực ATTT.
Trong thời gian tới, Học viện sẽ có những kế hoạch đào tạo đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em sinh viên tham gia các cuộc thi quốc gia và quốc tế về ATTT. Cụ thể có thể kể đến như:
1. Tổ chức các lớp học bổ sung, nâng cao và cập nhật kiến thức mới nhất về ATTT cho các em sinh viên.
2. Tổ chức các buổi thực hành, thử thách và thi đấu trên các nền tảng ATTT uy tín và hiện đại, như HackTheBox, TryHackMe, CTFtime,...
3. Tạo cơ hội cho các em sinh viên giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, các đội thi và các tổ chức hàng đầu về ATTT trong nước và quốc tế, như VNCERT, VNPT, BKAV, WhiteHat,...
4. Hỗ trợ tài chính, vật chất và tinh thần cho các em sinh viên tham gia các cuộc thi quốc gia và quốc tế về ATTT.
5. Tổ chức các hoạt động khen thưởng, tôn vinh và truyền thông về thành tích của các em sinh viên trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế về ATTT.
6. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu liên quan đến ATTT.
7. Thường xuyên tổ chức các Hội nghị, Hội thảo quốc gia, quốc tế về bảo mật và ATTT, tạo điều kiện cho giảng viên, học viên cao học, sinh viên có cơ hội trao đổi học thuật, công bố quốc tế, trau dồi kiến thức chuyên môn.
8. Đặc biệt, dự kiến trong năm 2024, Học viện KTMM là đơn vị đăng cai lần đầu tiên chủ trì cuộc thi “Thách thức an ninh mạng Việt Nam”, tạo dựng một sân chơi lành mạnh, hiệu quả, thiết thực và góp phần phát hiện bồi dưỡng các tài năng trẻ về ATTT, an ninh mạng và bảo mật thông tin.
Học viện kỹ thuật mật mã hy vọng với những kế hoạch đào tạo đặc biệt này, sẽ góp phần đẩy mạnh phong trào học tập và nghiên cứu về ATTT trong cộng đồng sinh viên, đồng thời tạo ra những nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu của ngành Cơ yếu và đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong thời đại số và giúp sinh viên của mình đạt được nhiều thành công hơn nữa trong lĩnh vực ATTT.
3. Phóng viên Tạp chí ATTT: Tạp chí rất mong ông có thể gửi một thông điệp tích cực gửi tới phụ huynh cùng các em học sinh cuối cấp đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, nhất là các gia đình có định hướng cho con em theo học ngành an toàn thông tin?
Ông Hoàng Văn Thức: Kỳ tuyển sinh đại học là bước ngoặt quan trọng và có ý nghĩa rất lớn trong việc mở ra cánh cửa để mỗi bạn trẻ phấn đấu học tập, lựa chọn hành trang bước vào đời. Vì vậy việc chọn đúng ngành nghề là yếu tố quyết định sự thành công trong công việc và cuộc sống trong tương lai. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thường xuyên khuyên các bạn trẻ khi chọn nghề hãy tập trung vào 3 yếu tố trụ cột đó là:
1. Sự đam mê: xác định rõ mức độ đam mê trong lĩnh vực mình lựa chọn, điều này sẽ giúp chúng ta có động lực vượt qua khó khăn, cũng như thôi thúc việc tìm hiểu kiến thức trong suốt quá trình học.
2. Năng lực của bản thân: hãy xác định rõ lĩnh vực mà chúng ta hướng đến có phải là sở trường và mình có khả năng làm tốt không, có phù hợp với thực lực học tập và rèn luyện trong lâu dài của mình không?
3. Công việc đầu ra: tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp trong lĩnh vực này có mang lại nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống của mình sau này không.
Hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực an toàn thông tin chất lượng cao là rất lớn và đa dạng, là ngành tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp được làm đúng chuyên môn rất cao (sinh viên ngành ATTT tại Học viện những năm gần đây tỉ lệ ra trường có việc làm ngay là 100%) và có thu nhập tương đối cao.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường và định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho công cuộc Chuyển đổi số thành công, năm 2024, Học viện KTMM tuyển sinh các ngành: An toàn thông tin; Lập trình nhúng và di động; Hệ thống nhúng và điều khiển tự động đáp ứng 3 tiêu chí trên.
Qua buổi phỏng vấn này tôi xin chân thành cảm ơn Tạp chí ATTT, cơ quan truyền thông trong lĩnh vực ATTT đã luôn đồng hành cũng Học viện tổ chức các Hội nghị, Hội thảo và đăng tải các bài báo khoa học để tạo diễn đàn trao đổi các kết quả nghiên ứu khoa học và góp phần cho công tác phát triển nguồn nhân lực tại HV nói riêng và tại Việt Nam nói chung lên một tầm cao mới.
Cảm ơn ông, chúc ông và Học viện Kỹ thuật mật mã ngày càng phát triển và thành công trên con đường giáo dục và đào tạo!
Quốc Trường