Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Cơ yếu

18:00 | 12/07/2016 | AN TOÀN THÔNG TIN
Sáng 12/7/2016, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Cơ yếu (2011 - 2016) nhằm đánh giá kết quả đạt được trong thời gian qua, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất các giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Cơ yếu trong thời gian tới.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo một số Ban, Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Về phía Ban và ngành Cơ yếu Việt Nam có: Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Ban và Cục Cơ yếu các Bộ, ngành; cơ yếu các Tỉnh, thành phố, Bộ, ngành,….

 


Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đã nhấn mạnh: Ngày 26/11/2011, Luật Cơ yếu đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XIII) thông qua tại kỳ họp thứ hai và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2012, thay thế cho Pháp lệnh Cơ yếu năm 2001. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về cơ yếu. 
 

 

Luật Cơ yếu được ban hành đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động cơ yếu; là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý nhà nước về cơ yếu, góp phần xây dựng, củng cố, và phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam tiến lên chính quy, hiện đại, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
 
Luật Cơ yếu khẳng định hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với tư cách là thành viên Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về Cơ yếu, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ban Cơ yếu Chính phủ. Luật Cơ yếu cũng xác định Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia, chịu trách nhiệm quản lý chuyên ngành về cơ yếu, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về cơ yếu.
 
Trong 5 năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai Luật Cơ yếu và đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần củng cố, xây dựng và phát triển Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.

 

 

Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu khai mạc Hội nghị

 

Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Cơ yếu do Thiếu tướng Hoàng Ngọc Minh, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ trình bày tại Hội nghị cho thấy: Qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Cơ yếu, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sự phối hợp có hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, sự chủ động tích cực của Ban Cơ yếu Chính phủ và các tổ chức cơ yếu trong toàn Ngành, Luật Cơ yếu được triển khai đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc, tạo chuyển biến toàn diện đối với sự phát triển của Ban và ngành Cơ yếu; Nhận thức về hoạt động cơ yếu của cán bộ, nhân viên trong lực lượng cơ yếu được nâng cao; Tổ chức của Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu ngày càng được củng cố, hoàn thiện theo hướng đa dạng, hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin bí mật nhà nước của cơ quan Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương; Công tác quản lý nhà nước về mật mã dân sự; thực hiện giám sát an toàn thông tin trên mạng công nghệ thông tin trọng yếu, triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được đẩy mạnh. Đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực ngày càng được chú trọng; Cơ sở vật chất, kỹ thuật được tăng cường đầu tư từng bước hiện đại; Chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu ngày càng được quan tâm hơn; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cơ yếu được mở rộng, tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Cơ yếu Việt Nam. 

 

 
Thiếu tướng Hoàng Ngọc Minh, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ trình bày Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Cơ yếu tại Hội nghị
 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế như: Nhận thức về công tác bảo vệ thông tin bí mật nhà nước và việc chấp hành các quy định của pháp luật về cơ yếu của một số cán bộ, nhân viên còn chưa đầy đủ, dẫn đến nguy cơ lộ lọt thông tin bí mật nhà nước; Tiến độ xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm; Việc kiện toàn tổ chức, biên chế cơ yếu ở một số địa phương chưa đồng bộ; Việc sử dụng mật mã cơ yếu để bảo mật thông tin bí mật nhà nước lưu giữ trên các thiết bị điện tử, tin học chưa được triển khai đồng bộ đến các Bộ, ngành, địa phương;…. Trong thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện Luật Cơ yếu. Đồng thời, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu triển khai thực hiện tốt Luật Cơ yếu.
 
Tại Hội nghị, đã có 7 tham luận được đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Bộ Tư pháp; Văn phòng Tỉnh uỷ Lào Cai; Cục Cơ yếu Bộ Tổng tham mưu; Cục Cơ yếu Bộ Công an, Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao trình bày. Các tham luận đều nêu bật được những kết quả đã đạt được trong 5 năm triển khai thực hiện Luật Cơ yếu. Tham luận của đồng chí Lê Việt Trường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã lần nữa khẳng định, việc Quốc hội thông qua Luật Cơ yếu là cần thiết và kịp thời, đáp ứng được những đòi hỏi thực tiễn Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã xác lập vai trò, địa vị chính trị, pháp lý của ngành Cơ yếu Việt Nam nói chung, Ban Cơ yếu Chính phủ nói riêng.
 
Bên cạnh đó, tham luận của các đại biểu cũng nêu ra một số bất cập và vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ về vấn đề kiện toàn tổ chức, biên chế cơ yếu của các Bộ, ngành, địa phương, thực hiện chế độ, chính sách cho người làm công tác cơ yếu.
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã biểu dương cán bộ, chiến sỹ, nhân viên ngành Cơ yếu Việt Nam, trực tiếp là Ban Cơ yếu Chính phủ đã làm tốt vai trò tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu. Đồng chí nhấn mạnh, sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Cơ yếu, ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước được nâng cao, đặc biệt là nhận thức về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Ban Cơ yếu Chính phủ và công tác cơ yếu. 
 
Đồng chí Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Cơ yếu và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Luật Cơ yếu và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; rà soát các văn bản pháp luật liên quan để điều chỉnh phù hợp với Luật Cơ yếu; nghiên cứu, đề xuất kiện toàn tổ chức của Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu, chú trọng bồi dưỡng, xây dựng người làm công tác cơ yếu tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước về hoạt động cơ yếu và những nội dung liên quan đến định hướng, chiến lược phát triển trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác cơ yếu; triển khai thực hiện tốt chế độ chính sách, bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cơ yếu và người làm công tác cơ yếu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Cơ yếu
 
Cũng tại Hội nghị, 11 tập thể và 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Luật Cơ yếu đã vinh dự được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong đó có 04 tập thể và 08 cá nhân thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ. Ngoài ra, nhân dịp này, 23 tập thể và 50 cá nhân cũng được tặng Bằng khen của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ về những thành tích trong triển khai thực hiện Luật Cơ yếu.
 
Đại tướng Ngô Xuân Lịch trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho các tập thể tiêu biểu

Đại tướng Ngô Xuân Lịch trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho các cá nhân tiêu biểu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới