Mạo danh dịch vụ của Ebay đánh cắp thông tin nhạy cảm
Theo đó, kẻ tấn công tạo lập các trang web với tên miền giả mạo và logo của Ebay. Để dễ dàng tiếp cận người dùng hơn, những trang web này thường được xuất hiện đầu tiên dưới dạng quảng cáo được tài trợ mỗi khi người dùng sử dụng Google để tra cứu.
Sau khi truy cập, người dùng sẽ được chuyển hướng tới trang web giả mạo với giao diện sơ sài, đính kèm số điện thoại của các đối tượng lừa đảo. Khi gọi điện vào số điện thoại, kẻ tấn công sẽ tự nhận là nhân viên thuộc bộ phận chăm sóc khách hàng, yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin và dữ liệu nhạy cảm như họ tên, số căn cước công dân, thông tin ngân hàng... để xử lý và giải đáp các vấn đề một cách tốt nhất.
Với số lượng người mua sắm trực tuyến ngày một nhiều, nhu cầu hoàn trả cũng như giải quyết các khúc mắc về hàng hóa cũng ngày càng gia tăng. Điều này đã vô tình tạo điều kiện thuận lợi để kẻ tấn công lừa đảo tiếp cận nhiều nạn nhân hơn.
Theo đó, người dùng cần cẩn trọng khi tra cứu thông tin trên mạng, cẩn thận xác minh lại tính chính thống của trang web trước khi truy cập bằng các công cụ uy tín. Đồng thời, cần hết sức cảnh giác trước các trang web có giao diện sơ sài, tên miền lạ, hình ảnh và font chữ bị lỗi. Tuyệt đối không gọi điện vào số điện thoại lạ, không làm theo hướng dẫn của các đối tượng lạ khi chưa xác minh được danh tính. Khi phát hiện thấy trang web có dấu hiệu lừa đảo, người dùng cần nhanh chóng trình báo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền thông qua cổng thông tin điện tử để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.
M.H