Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước tăng cường sự phối hợp công tác cơ yếu, bảo mật, an toàn thông tin
- Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc tại các tỉnh Tây Nguyên về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin
- Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc tại Tỉnh ủy Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin
- Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc với một số tỉnh Tây Bắc về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin
Tham gia Đoàn công tác còn có đại diện Lãnh đạo: Trung tâm Công nghệ thông tin - Cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng; Cục Cơ yếu, Bộ Tổng Tham mưu; Cục Viễn thông và Cơ yếu, Bộ Công an; Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền; Cục Chính trị - Tổ chức; Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ mật mã; Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin; Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng, Học viện Kỹ thuật mật mã, Công ty TNHH MTV 129.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ về phía các Tỉnh ủy có: Đồng chí Hồ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai; đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương; đồng chí Huỳnh Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng của các Tỉnh ủy.
Nội dung các buổi làm việc tập trung đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, quy định, pháp luật của Nhà nước về công tác cơ yếu, bảo mật, an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh; việc triển khai thực hiện Nghị quyết 56-NQ/TW ngày 5/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045; Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 11/8/2020 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 56.
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ với Tỉnh ủy Đồng Nai
Hiện nay, nguy cơ mất an toàn và lộ, lọt thông tin bí mật quốc gia đang ngày càng tăng cao, các thế lực thù địch và tội phạm công nghệ cao sử dụng những công nghệ, kỹ thuật tinh vi đang tìm mọi cách tiến hành các hoạt động gián điệp, thực hiện thu tin, mã thám, mua chuộc,... nhằm lấy cắp bí mật quốc gia, phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình đó, các cơ quan, đơn vị tại các tỉnh luôn coi trọng công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin; các tổ chức cơ yếu được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố, kiện toàn, đầu tư theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng được an toàn, bí mật, kịp thời trong mọi tình huống.
Báo cáo tại các buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ cho thấy, các cấp ủy đảng, lãnh đạo tỉnh, các tổ chức, cơ quan sử dụng cơ yếu về cơ bản đã nhận thức được rõ vị trí, vai trò quan trọng và sự cần thiết của công tác cơ yếu đối với đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong buổi làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai, đồng chí Hồ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, Thường trực Tỉnh ủy, thủ trưởng cơ quan, chỉ huy các cấp luôn quan tâm, chỉ đạo thường xuyên; trang thiết bị chuyên ngành được triển khai đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo mật thông tin lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Lực lượng cơ yếu tại địa phương luôn đảm bảo bí mật, nhanh chóng, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống. Nhiều giải pháp công nghệ đã phát huy hiệu quả tích cực như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, bảo hiểm; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành có tích hợp chữ ký số chuyên dùng được kết nối liên thông văn bản điện tử bốn cấp (Trung ương - tỉnh - huyện - xã); Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư xây dựng đúng tiêu chuẩn giải pháp an toàn, an ninh thông tin. Các sở, ban, ngành tỉnh và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng và được trang bị thiết bị tường lửa tích hợp khả năng chống xâm nhập, phần mềm chống virus để hoạt động thông suốt bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng ký số văn bản điện tử, gửi nhận văn bản điện tử có ký số trên môi trường mạng, thực hiện theo mô hình liên thông bốn cấp.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình Phước.
Tại Tỉnh uỷ Bình Dương, hoạt động cơ yếu tại các cơ quan, đơn vị sử dụng cơ yếu ngày càng được hoàn thiện, nâng cao, đổi mới theo hướng tích cực, duy trì nghiêm chế độ bảo quản, bảo dưỡng máy mã và trang thiết bị nghiệp vụ mật mã; công tác thu hồi sản phẩm mật mã bảo đảm đúng quy định. Hằng năm, duy trì nghiêm chế độ huấn luyện nghiệp vụ thường xuyên và kiểm tra kết quả huấn luyện đối với cơ yếu cấp dưới, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ đúng quy định; cấp hàng nghìn chữ ký số chuyên dùng công vụ góp phần quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử. Duy trì hoạt động hệ thống thực hiện giám sát an toàn, an ninh mạng theo tiêu chuẩn, phát hiện và xử lý hàng nghìn kết nối độc hại, ngăn chặn nhiều cuộc rà quét, tấn công vào hệ thống website của tỉnh, trong đó có nhiều mã độc nguy cơ cao, nghiêm trọng.
Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Ban Cơ yếu Chính phủ và các hệ Cơ yếu, nhiều giải pháp, sản phẩm mật mã được triển khai đến các cơ quan, đơn vị và người sử dụng trong tỉnh như: Giải pháp bảo mật hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp trên mạng diện rộng của Đảng cho Văn phòng Tỉnh ủy, các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy và các huyện, thị, thành ủy; giải pháp bảo mật hệ thống chuyên ngành Tổ chức xây dựng Đảng và Kiểm tra Đảng cho Ban Tổ chức, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy; bảo đảm hệ thống hội nghị truyền hình, triển khai thiết bị lưu trữ an toàn dữ liệu cho cán bộ công chức tại các cơ quan, đơn vị. Các giải pháp, sản phẩm mật mã được triển khai đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác bảo mật, an ninh thông tin và công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.
Tại Tỉnh ủy Bình Phước, những năm qua luôn chú trọng xây dựng và triển khai công tác cơ yếu của địa phương. Trong đó, quan tâm xây dựng tổ chức, lực lượng, đào tạo nguồn nhân lực cơ yếu vững về tư tưởng chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ từng bước được nâng cao; quản lý và thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người làm công tác cơ yếu quân đội, công an, đảng, chính quyền. Bên cạnh đó, hệ thống kỹ thuật mật mã, trang thiết bị nghiệp vụ được triển khai đồng bộ, hiện đại. Công tác quản lý, khai thác sử dụng các thiết bị nghiệp vụ, tài liệu mật mã đảm bảo đúng quy tắc, quy trình, quy định của ngành. Ngoài ra, những hạ tầng thông tin trọng yếu; hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin cũng như thiết bị bảo mật, an toàn thông tin được quan tâm, đầu tư có trọng điểm.
Tại các buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được và những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ cơ yếu, đưa ra các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác cơ yếu trên địa bàn tỉnh, thành phố đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Số lượng biên chế cán bộ cơ yếu tại một số đơn vị các Tỉnh ủy còn hạn chế, gây khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp người thay thế khi đi công tác, nghỉ phép, ốm đau hay đi tập huấn nghiệp vụ; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ cơ yếu chưa được tổ chức thường xuyên; trình độ chuyên môn nghiệp vụ cơ yếu của cán bộ, nhân viên cơ yếu tại các đơn vị chưa đồng đều, còn kiêm nhiệm.
Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu Tỉnh ủy Bình Dương.
Kết luận tại các buổi làm việc với các Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đã đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của các Tỉnh ủy, ghi nhận và biểu dương việc thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan đến công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin trong thời gian qua.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng cũng đề nghị các Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ; quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo mật, an toàn thông tin, các quy định của pháp luật có liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước, truyền đưa các thông tin mật trên không gian mạng.
Tỉnh ủy cần chỉ đạo các cấp ủy, chỉ huy các cấp trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm, rà soát, củng cố tổ chức, đào tạo, bổ sung cán bộ làm công tác cơ yếu; phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai các sản phẩm mật mã, các giải pháp bảo mật và an toàn thông tin, triển khai chữ ký số chuyên dùng công vụ; phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai mạng liên lạc cơ yếu tại một số đơn vị cấp huyện nhằm tiến tới từng bước triển khai đồng bộ thống nhất mạng liên lạc cơ yếu trên toàn tỉnh. Quan tâm việc đưa nội dung quản lý nhà nước về cơ yếu vào chương trình giảng dạy tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chính trị của tỉnh.
Trên cơ sở nội dung các buổi làm việc, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ đánh giá rõ hơn kết quả phối hợp trong triển khai nhiệm vụ về cơ yếu, bảo mật, an toàn thông tin trong thời gian qua giữa Ban với các địa phương, từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, nhu cầu cụ thể trong thời gian tới của các bên để triển khai thực hiện.
Nguyễn Ngoan