Watsonx - Mô hình AI tổng quát mới của IBM
Đặt cược vào AI
Giống như hầu hết các hãng khổng lồ công nghệ ngày nay, IBM đang đặt cược lớn vào AI. Tập đoàn này cho biết, việc ra mắt được thúc đẩy bởi những thách thức mà nhiều doanh nghiệp vẫn gặp phải khi triển khai AI tại nơi làm việc. 30% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia trả lời một cuộc khảo sát của IBM cho rằng các vấn đề về lòng tin và tính minh bạch là rào cản khiến họ không thể áp dụng AI, trong khi 42% nêu ra những lo ngại về quyền riêng tư, cụ thể là xung quanh AI tổng quát.
“AI có thể không thay thế các nhà quản lý, nhưng những nhà quản lý sử dụng AI sẽ thay thế những vị trí quản lý nhất định. Nó thực sự thay đổi cách mọi người làm việc”, Rob Thomas - Giám đốc thương mại của IBM, cho biết trong một thông cáo báo chí.
IBM khẳng định Watsonx giải quyết vấn đề này bằng cách cấp cho khách hàng quyền truy cập vào bộ công cụ, cơ sở hạ tầng và tài nguyên tư vấn mà họ cần để tạo các mô hình AI của riêng họ hoặc tinh chỉnh và điều chỉnh các mô hình AI có sẵn trên dữ liệu của riêng họ. Sử dụng Watsonx.ai, được IBM mô tả là “studio doanh nghiệp dành cho các nhà xây dựng AI”, người dùng cũng có thể xác thực và triển khai các mô hình, đồng thời giám sát quá trình triển khai sau mô hình, hợp nhất bề ngoài các quy trình công việc khác nhau của họ.
Watsonx được cho là có thể sánh ngang với các sản phẩm của Google, Amazon và Microsoft đã cung cấp ra thị trường, cụ thể là với SageMaker Studio của Amazon, trong khi của Google là Vertex AI và về phía Azure, có Azure AI Platform. Tuy nhiên, IBM khẳng định rằng Watsonx là nền tảng công cụ AI duy nhất trên thị trường cung cấp một loạt mô hình được đào tạo trước, được phát triển cho doanh nghiệp và là “cơ sở hạ tầng tiết kiệm chi phí”.
IBM đang cung cấp bảy mô hình được đào tạo trước cho các doanh nghiệp sử dụng Watsonx.ai, một vài trong số đó là mã nguồn mở. IBM cũng hợp tác với Hugging Face, công ty khởi nghiệp AI, để liên kết hàng nghìn mô hình, bộ dữ liệu và thư viện do Hugging Face phát triển.
Ba mô hình mà công ty đang làm nổi bật tại Think là fm.model.code, mô hình tạo mã; fm.model.NLP, một tập hợp các mô hình ngôn ngữ lớn; và fm.model.geospatial, một mô hình được xây dựng dựa trên dữ liệu khí hậu và viễn thám của NASA.
Tương tự như các mô hình tạo mã như Copilot của GitHub, fm.model.code cho phép người dùng đưa ra lệnh bằng ngôn ngữ tự nhiên và sau đó xây dựng quy trình viết mã tương ứng. Fm.model.NLP bao gồm các mô hình tạo văn bản cho các lĩnh vực cụ thể và liên quan đến các ngành khác. Trong khi đó, fm.model.geospatial đưa ra dự đoán để giúp lập kế hoạch cho những thay đổi về mô hình thiên tai, đa dạng sinh học và sử dụng đất, bên cạnh các quá trình địa vật lý khác.
Arvind Krishna - Giám đốc điều hành của IBM, cho biết: “Chúng tôi cho phép doanh nghiệp sử dụng mã của riêng họ để điều chỉnh những mô hình này theo cách họ muốn chạy các playbook và mã riêng. Những mô hình này dành cho các trường hợp sử dụng mà mọi người muốn có phiên bản riêng của họ, cho dù trên đám mây công cộng hay tại cơ sở của chính họ”.
Bên cạnh Watsonx.ai, dưới cùng một thương hiệu Watsonx, IBM đã tiết lộ Watsonx.data, một kho lưu trữ dữ liệu “phù hợp với mục đích” được thiết kế cho cả khối lượng công việc dữ liệu được quản lý và AI. IBM cho biết, Watsonx.data cho phép người dùng truy cập dữ liệu thông qua một điểm nhập duy nhất trong khi áp dụng các công cụ truy vấn, cộng với quản trị, tự động hóa và tích hợp với cơ sở dữ liệu và công cụ hiện có của tổ chức.
Bổ sung cho Watsonx.ai và Watsonx.data là Watsonx.governance, một bộ công cụ cung cấp các cơ chế để bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng, phát hiện sự sai lệch của mô hình, đồng thời giúp các tổ chức đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức.
Công cụ và cơ sở hạ tầng mới
Trong một thông báo liên quan đến Watsonx, IBM đã giới thiệu một sản phẩm GPU mới trong đám mây của IBM được tối ưu hóa cho khối lượng công việc điện toán chuyên sâu, cụ thể là đào tạo và phục vụ các mô hình AI.
Tập đoàn công nghệ này cũng giới thiệu IBM Cloud Carbon Calculator, một bảng điều khiển “được AI cung cấp thông tin” cho phép khách hàng đo lường, theo dõi, quản lý và giúp báo cáo lượng khí thải carbon được tạo ra thông qua việc sử dụng đám mây của họ. IBM cho biết nó được phát triển với sự cộng tác của Intel, dựa trên công nghệ từ bộ phận nghiên cứu của IBM và có thể giúp trực quan hóa lượng khí thải nhà kính trên khối lượng công việc cho đến cấp độ dịch vụ đám mây.
Có thể nói rằng cả hai sản phẩm, ngoài bộ Watsonx mới, đã làm tăng gấp đôi tiềm lực AI của IBM. Thời gian gần đây, tập đoàn đã xây dựng một siêu máy tính được tối ưu hóa cho AI dựa trên điện toán đám mây, có tên gọi là Vela. Bên cạnh đó, IBM cũng đã công bố hợp tác với các công ty như Moderna và SAP Hana để điều tra các cách áp dụng AI tổng hợp trên quy mô lớn.
IBM kỳ vọng AI có thể bổ sung 16 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030 và 30% nhiệm vụ tại văn phòng sẽ được tự động hóa trong vòng 5 năm tới. Đại diện của tập đoàn này cho biết, sản phẩm mới của IBM sẽ giảm từ 30% đến 50% các công việc liên quan từ văn phòng cổ điển đến các yếu tố của chuỗi cung ứng, hoạt động công nghệ thông tin hay các yếu tố của an ninh mạng.
Những dự đoán lạc quan đó của IBM đã có phản ứng tích cực từ thị trường chứng khoán Phố Wall. Các giải pháp tự động hóa của IBM, một phần trong phân khúc phần mềm của công ty đã tăng doanh thu 9% so với cùng kỳ năm ngoái vào Quý IV/2022. Trong khi đó, doanh thu từ các giải pháp dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, tập trung nhiều hơn vào phân tích, chăm sóc khách hàng và quản lý chuỗi cung ứng, đã tăng doanh thu 8% .
Tuy nhiên, các đối thủ còn có lý do để hạ thấp kỳ vọng. IBM có một lịch sử khó khăn với AI, họ đã buộc phải bán bộ phận Watson Health của mình với khoản lỗ đáng kể sau khi các sự cố kỹ thuật khiến mối quan hệ đối tác với khách hàng cao cấp trở nên xấu đi. Thêm vào đó, sự cạnh tranh trong không gian AI đang gia tăng; IBM phải đối mặt với sự cạnh tranh không chỉ từ những gã khổng lồ công nghệ như Microsoft và Google mà còn từ các công ty khởi nghiệp như Cohere và Anthropic có nguồn vốn lớn hỗ trợ.
Các ứng dụng, công cụ và dịch vụ mới của IBM liệu có đáp ứng được những kỳ vọng của IBM, câu trả lời vẫn còn chờ thời gian.
Nguyễn Ngoan