Chữ tượng hình Ai Cập Cổ đại mật mã thời sơ khai
Bản ghi chữ tượng hình thường được ghi khắc trên các ngôi mộ của các nhà quý tộc cổ đại, trên các bức tường thành.
Những người Ai Cập cổ đại quan niệm chữ viết có “phép ma quỷ”. Quan điểm này được lưu truyền và phát triển theo thời gian bao trùm lên chữ tượng hình sắc màu thần bí về sự hiểu biết bí mật và sự thật vĩnh hằng. Các nhà khoa học trên thế giới đã không tiếc công sức khám phá các bản viết tượng hình cổ Ai Cập, mong muốn tìm ra những tri thức bí truyền mà chỉ người Ai Cập cổ đại mới biết. Theo David Kahn, tác giả cuốn The Codebreakers (Những người mã thám) thì bản văn chữ tượng hình cuối cùng được tìm thấy vào năm 394.
Việc tìm hiểu chữ tượng hình trở thành trào lưu ở các nước châu Âu vào thời kỳ Phục hưng. Năm 1419, người ta đã phát hiện ra bản viết tay của cuốn sách “Hieroglyphic” của tác giả Horapollo, sống vào thế kỷ thứ 4. Còn tập sách nhan đề Thesaurus Hieroglyphicorum của tác giả J.G. Herwath von Hohenburg trong đó có nhiều bản chữ tượng hình chính thức được xuất bản vào thế kỷ thứ 17.
Việc dịch các bản viết tượng hình chỉ thành công khi các nhà khoa học dùng phương pháp mã thám. Người đã dành phần lớn cuộc đời cho việc dịch các bản viết tượng hình là Jean Francois Champollion (1790-1832), sinh tại Lot, Pháp. Champollion biết đọc khi mới lên 5 tuổi. Lúc 10 tuổi, khi được nhà toán học Jean Baptiste Fourier cho xem bộ sưu tầm cổ vật Ai Cập, Champollion đã tuyên bố rằng, lớn lên sẽ đọc được các chữ viết trên đồ vật cổ đó.
Chữ viết tượng hình cổ Ai Cập tự nó là một hệ thống mật mã độc đáo. Ban đầu người ta lập luận rằng mỗi ký hiệu thay thế cho một từ và từng chữ tượng hình biểu thị tượng trưng cho ý nghĩ. Có lẽ điều này đã làm cho chữ tương hình cổ Ai Cập mang tính thần bí. Khi khám phá các bản văn tượng hình, Champollion đã tiến hành so sánh kỹ lưỡng các ký hiệu, đếm tần số xuất hiện của mỗi ký hiệu trong các bản văn Ai Cập cổ. Ông đã tìm ra các hình giống nhau thay thế các chữ cái trong các danh từ riêng, ví dụ như chữ “p” trong từ “Ptolemy” và từ “Cleopatra” chẳng hạn. Kết luận quan trọng để khám phá chữ tượng hình xuất phát từ giả thuyết có một vài chữ tượng hình thay thế cho các âm thanh. Với việc tìm ra ký hiệu và quy luật thay thế các ký hiệu bằng các tranh đố chữ kết hợp với tri thức tích luỹ được từ các thành công và thất bại của các thế hệ đi trước, Champollion khám phá các bí mật của người cổ đại. Trong gần 10 năm, ngay trước khi qua đời, Champollion đã giải quyết được vấn đề khó khăn mà các thế hệ trước không làm được, đó là tìm ra đáp số của bài toán rắc rối mà tượng Nhân sư Sphinx đã thầm lặng giữ kín suốt hàng nghìn năm.
Về công trình dịch các bản viết tượng hình của Champollion, Kahn đã đánh giá, cũng giống như mặt trời sưởi ấm tượng thần khổng lồ Memnon, ông Champollion tài ba đã bắt các tượng đá im lặng từ ngàn xưa phải lên tiếng. Ông ta đã làm sống lại cả một nền văn minh rộng lớn qua các vết tích rơi rớt lại của các miếu hoang tàn. Cảnh xây dựng các lăng tẩm, các Kim tự tháp, cuộc sống, sinh hoạt xã hội và cả các cuộc diễu thuyền trên sông Nile... tất cả đã được ghi lại trên tường thành Luxor và Thebes được tái hiện hợp thành một bản trường ca về niềm vui sướng và nỗi khổ đau của con người từ thời thượng cổ xa xưa.
Về sau, chữ viết tượng hình Ai Cập được xác định tồn tại từ năm 3200 trước CN đến năm 400. Chữ tượng hình mang tính chất mật mã bởi chứa hai yếu tố bí mật và biến đổi. Biến đổi để giữ bí mật thông tin và bí mật cách thức biến đổi thông tin, là hai đặc điểm quan trọng của khoa học mật mã. Mật mã ban đầu là như vậy.
Nhân loại biết về quá khứ của mình một phần nhờ vào khoa học và nghệ thuật mã thám. Người ta ví mật mã và mã thám như hai anh em sinh đôi là hai mặt của một vấn đề và luôn tồn tại song hành cùng thời gian.