Thiết bị bảo mật Cisco bị khai thác thông qua lỗ hổng cũ
Lỗ hổng bảo mật này có định danh CVE-2018-0296, có thể bị lạm dụng bởi kẻ tấn công từ xa và không xác thực, khiến thiết bị liên tục phải tải lại bằng cách gửi yêu cầu HTTP được tạo thủ công.
Ngoài ra, kẻ tấn công cũng có thể khai thác lỗ hổng để truy cập vào thông tin nhạy cảm trên hệ thống mà không cần xác thực. Điều này có thể đạt được thông qua các kỹ thuật truyền tải đường dẫn trên thiết bị bị ảnh hưởng. Cisco hiện đã phát đi cảnh báo và có các khuyến nghị bảo mật nhằm hạn chế tối đa rủi ro từ lỗ hổng cho khách hàng.
Lỗ hổng này trên thực tế đã được vá từ năm 2018, nhưng đột ngột quay trở lại trong tháng 12/2019 với số lượng các trường hợp báo cáo tăng đột biến, nghiêm trọng đến mức Cisco phải đưa ra thông báo đề nghị người dùng ASA và Firepower kiểm tra cũng như nâng cấp, cập nhật phần mềm để bảo đảm an toàn.
Nếu muốn xác định xem các thiết bị mà mình quản lý có bị ảnh hưởng bởi CVE-2018-0296 hay không, người dùng có thể thực hiện lệnh sau:
show asp table socket | include SSL|DTLS
Sự tồn tại của lỗ hổng sẽ được hiển thị theo trạng thái của các socket. Để tìm ra trạng thái ảnh hưởng của lỗ hổng đối với thiết bị, sử dụng lệnh sau:
show processes | include Unicorn
Tiến trình này sẽ hoạt động đối với các thiết bị có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng.
Trong trường hợp trên, để xác định chính xác có rủi ro tiềm ẩn hay không, người dùng nên kiểm tra xem phiên bản phần mềm đang chạy trên thiết bị của mình có nằm trong danh sách các phiên bản bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng hay không.
Lý do nên kiểm tra trước khi quyết định cập nhật lên phiên bản mới hơn là do lỗ hổng nằm trong khung web của các sản phẩm ASA và Firepower, vì vậy không phải tất cả các thiết bị đều bị ảnh hưởng.
Tuệ Minh