Phát hiện các lỗ hổng trong iOS cho phép tin tặc khai thác từ xa
Theo nhà nghiên cứu bảo mật Natalie Silvanovich của Project Zero, lỗ hổng thứ nhất có định danh CVE-2019-8646, nằm trong thành phần Siri và Core Data của iOS. Lỗ hổng này có thể cho phép tin tặc truy cập từ xa nội dung của các tệp được lưu trữ trên thiết bị iOS mà không cần sự tương tác của người dùng.
Lỗ hổng thứ 2 có định danh CVE-2019-8660. Đây là lỗ hổng bộ nhớ cũng nằm trong thành phần Siri và Core Data của iOS. Nếu được khai thác thành công sẽ cho phép tin tặc tấn công từ xa, gây ra ngừng ứng dụng đột ngột hoặc thực thi mã tùy ý. Lỗ hổng phát sinh khi giải mã một đối tượng của lớp NSKnownKeyDipedia1.
Hai lỗ hổng tiếp theo có định danh CVE-2019-8647 và CVE-2019-8662, đều là lỗ hổng use-after-free cho phép tin tặc thực thi mã tùy ý từ xa mà không cần sự tương tác của người dùng.
Cụ thể, lỗ hổng CVE-2019-8647 là lỗ hổng use-after-free, cho phép tấn công từ xa thông qua ứng dụng iMessage, nằm trong Core Data của iOS. Lỗ hổng tồn tại trong quá trình giải tuần tự hóa (deserialization) khi sử dụng initArithCoder của NSArray. Lỗ hổng CVE-2019-8662 cũng tương tự như CVE-2019-8647, cho phép khai thác từ xa thông qua iMessage. Tuy nhiên, lỗ hổng này tồn tại trong thành phần QuickLook của iOS.
Lỗ hổng thứ 5 được định danh CVE-2019-8641, cho phép tin tặc tấn công từ xa, gây ra ngừng ứng dụng đột ngột hoặc thực thi mã tùy ý.
Trong số các lỗ hổng được phát hiện, có 04 lỗ hổng đã được giải quyết với phiên bản iOS 12.4 được phát hành vào ngày 22/7. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại lỗ hổng CVE-2019-8641 vẫn chưa có bản vá khắc phục.
Ngoài 5 lỗ hổng trên, một lỗ hổng khác cũng vừa được các nhà nghiên cứu của Google phát hiện và đã được giải quyết có định danh CVE-2019-8624, tác động đến hệ điều hành watchOS của Apple. Lỗ hổng này nằm trong thành phần Digital Touch của watchOS, ảnh hưởng đến Apple Watch Series 1 trở lên. Bản vá lỗ hổng được cung cấp trong watchOS 5.3.
Toàn Thắng
Theo SecurityWeek