Sơ kết tình hình cung cấp, quản lý chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng giai đoạn 2012 - 2017

Ngày 26/10/2017, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Sơ kết tình hình cung cấp, quản lý chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (CKS) chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2012 - 2017.


Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu khai mạc Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT); Trần Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Hoàng Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy, UBND và các Sở, ban, ngành trên cả nước. Về phía Ban Cơ yếu Chính phủ có: Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban; Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban; Đại diện lãnh đạo Cục Cơ yếu các Bộ, ngành; Các cơ quan, đơn vị thuộc Ban; cơ yếu các Tỉnh, Thành phố….

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết: Dịch vụ chứng thực CKS là một trong những giải pháp kỹ thuật quan trọng để bảo đảm bí mật, xác thực và toàn vẹn dữ liệu trong các giao dịch điện tử; là nhân tố quan trọng thúc đẩy ứng dụng CNTT, cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử.

Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về việc tăng cường ứng dụng CNTT và triển khai chứng thư số, dịch vụ chứng thực CKS trên các lĩnh vực. Trong đó, giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ “Khẩn trương phát triển và nâng cao năng lực Hệ thống chứng thực CKS chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Bảo đảm cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử và CKS theo nhu cầu thực tế của cơ quan Nhà nước các cấp”.

Đồng chí Trưởng ban mong muốn Hội nghị sẽ đánh giá toàn diện kết quả đạt được trong 5 năm qua và làm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng. Đồng thời, tìm ra nguyên nhân, đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị với cấp có thẩm quyền để tiếp tục triển khai có hiệu quả dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng trong thời gian tới; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ bảo mật, xác thực và an toàn thông tin trong các giao dịch điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Hội nghị cũng là dịp để Ban Cơ yếu Chính phủ trao đổi, giới thiệu về các nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm đang thực hiện, thống nhất cơ chế phối hợp với các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các sản phẩm mật mã, các giải pháp bảo mật và an toàn thông tin của Ban Cơ yếu Chính phủ, đáp ứng yêu cầu triển khai các chương trình, dự án CNTT.


Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã đánh giá cao những kết quả mà Ban Cơ yếu Chính phủ đã đạt được trong thời gian qua trong việc cung cấp, quản lý chứng thực CKS và dịch vụ CKS phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2012 - 2017.

Đồng chí Thứ trưởng khẳng định: việc sử dụng CKS trong cơ quan nhà nước đã góp phần đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí, góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính, hình thành Chính phủ điện tử. Đồng chí cũng mong muốn, trong thời gian tới Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện hiệu quả hơn nữa việc cung cấp, quản lý chứng thư số và dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng.

Báo cáo Sơ kết đánh giá tình hình cung cấp, quản lý chứng thư số và dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng giai đoạn 2012 - 2017, do Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ trình bày nêu rõ: Cùng với việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT phục vụ cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử, thì tình hình mất an toàn, an ninh thông tin số quốc gia diễn biến phức tạp; công tác bảo mật và an toàn thông tin đã đặt ra cho ngành Cơ yếu Việt Nam nhiều nhiệm vụ mới quan trọng và khó khăn. Việc triển khai hệ thống chứng thực CKS chuyên dùng nhằm đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội đã trở nên cấp thiết.


Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó trưởng ban Ban Cơ yếu trình bày Báo cáo sơ kết tại Hội nghị

Qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện, Ban Cơ yếu Chính phủ đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ cấu tổ chức, hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển công nghệ, kỹ thuật... nhằm thúc đẩy triển khai chứng thực CKS chuyên dùng. Các Bộ, ngành và địa phương đã quyết liệt triển khai ứng dụng chứng thực CKS chuyên dùng trong các hoạt động quản lý, điều hành, tác nghiệp, đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn tiếp tục được hoàn thiện; Tỷ lệ văn bản điện tử áp dụng CKS trên tổng số văn bản điện tử chuyển qua mạng đạt cao. Cùng với đó, nhiều cơ quan đã áp dụng dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4 cho người dân và doanh nghiệp.

Ban Cơ yếu Cính phủ đã tổ chức sản xuất, cung cấp chứng thư số đáp ứng 100% nhu cầu. Đến hết tháng 9/2017, đã cung cấp gần 85 nghìn chứng thư số, triển khai cho 35 đầu mối, Bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương. Số liệu thống kê cho thấy, nếu như giai đoạn 3 năm, từ 2007 - 2009, số lượng chứng thư số cung cấp chỉ dừng lại ở con số gần 2.000 thì 3 năm sau đó, từ 2010 - 2012 đã tăng trưởng gấp 5 lần; đặc biệt 5 năm sau, từ 2013 - 2017, nhu cầu của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã tăng trưởng gấp 7 lần so với cả 2 giai đoạn trước đó. Qua công tác bảo đảm cung cấp cho thấy, năm sau luôn tăng so với năm trước, có năm tăng 200%.

Trong 30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, có 28/30 cơ quan (chiếm 93%) đã triển khai ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng; trong số 28 cơ quan này thì có 25/28 cơ quan (chiếm 89%) đã thể chế hóa việc áp dụng CKS, thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, nhằm đảm bảo công tác quản lý, triển khai sử dụng được chặt chẽ, thống nhất. Các Bộ, ngành điển hình đã triển khai ứng dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng như: Bộ Tài Chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ và một số tỉnh như: Thái Bình, Lào Cai, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Hà Giang….

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn gặp phải một số khó khăn, bất cập như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quản lý về dịch vụ chứng thực CKS chưa hoàn thiện; một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; Việc triển khai ứng dụng trong hoạt động của các cơ quan Đảng còn chậm; Vấn đề liên thông chưa được giải quyết tốt.... Trong thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập như trên, giúp các cơ quan, tổ chức thuận lợi hơn trong triển khai thực hiện.

Tại Hội nghị, đã có 6 tham luận được đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của các Bộ, ngành trình bày gồm: Bộ Tài Chính (Tổng cục Thuế; Cục Tin học và Thống kê tài chính); Bộ Y tế; UBND tỉnh Thái Bình; Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh; Sở Nội vụ Thành phố Cần Thơ. Các tham luận đều nêu bật được những kết quả đã đạt được trong 5 năm triển khai thực hiện dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng. Đồng thời, các đại biểu cũng nêu lên một số bất cập, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện.

Đa số các đại biểu tham dự đều thống nhất về mục tiêu, nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như sau: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý về giao dịch điện tử và dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng; Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai ứng dụng CKS thống nhất, đồng bộ từ Chính phủ đến chính quyền địa phương các cấp và cả hệ thống chính trị; Gắn kết ứng dụng CKS với đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới phương thức, lề nối làm việc; Tiếp tục phát triển, mở rộng hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng tiên tiến, hiện đại; Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, huấn luyện nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách, cán bộ chuyên trách; Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá, kịp thời phát hiện những bất cập, khó khăn, vướng mắc để có các biện pháp giải quyết phù hợp.


Toàn cảnh buổi Lễ

Kết luận Hội nghị, Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị. Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh Báo cáo sơ kết; Đồng thời, sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị văn bản, trong đó nêu rõ về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới và các đề xuất, kiến nghị, để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, chỉ đạo.

Cũng tại Hội nghị, 17 tập thể và 30 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai ứng dụng dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng giai đoạn 2012 - 2017 đã vinh dự được Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ tặng Bằng khen.


Đồng chí Đặng Vũ Sơn trao Bằng khen cho các Tập thể có thành tích xuất sắc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới