Virus máy tính có phải là vấn đề nan giải?

16:34 | 06/04/2008 | HACKER / MALWARE
Trong giai đoạn công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay, máy vi tính đã trở thành vật dụng không thể thiếu đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Bên cạnh những tiện ích mà máy tính mang lại, nó cũng gây ra những phiền toái và nguy cơ về mất an toàn thông tin, dữ liệu khiến nhiều người “mất ăn, mất ngủ”… mà nguyên nhân chính là do các loại sâu máy tính (virus) gây ra.

Nhắc đến virus máy tính, người sử dụng thường nghĩ đây là một vấn đề nan giải. Vậy thực chất nó có là vấn đề nan giải và làm thế nào để giải quyết triệt để vấn đề này? Phóng viên (PV) Tạp chí ATTT đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Tử Quảng - Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Bách khoa (Bkis) về vấn đề này.



Ông Nguyễn Tử Quảng - Giám đốc Bkis


PV: Ông có thể đánh giá một cách tổng quát tình hình virus máy tính tại Việt Nam trong thời gian vừa qua?
Ông Nguyễn Tử Quảng: Theo khảo sát của Trung tâm an ninh mạng Bkis, năm 2007, tại Việt Nam đã xuất hiện thêm 6.752 virus mới, chúng xuất hiện hàng ngày và lây lan rất nhanh theo những con đường chính là mạng internet, lỗ hổng phần mềm, các thiết bị thẻ nhớ USB... Có khoảng 33,6 triệu lượt máy tính đã bị nhiễm virus các loại, gây thiệt hại ước tính tới hơn 2.300 tỷ đồng. Ngoài ra, với mức độ nguy hiểm, chúng còn đe dọa đến an ninh chính trị, xã hội.
PV: Hiện nay, tại hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp và người sử dụng cá nhân tại Việt Nam đều cho rằng virus máy tính là một vấn đề nan giải, không có biện pháp khắc phục hữu hiệu. Vậy theo ông, virus có thực sự là vấn đề nan giải?
Ông Nguyễn Tử Quảng: Khi máy tính bị nhiễm virus, mọi người thường tự loay hoay xử lý (cài đủ loại phần mềm diệt virus, hỏi những người xung quanh cách xử lý… kết quả vẫn không diệt được chúng), vừa mất thời gian lại không giải quyết được vấn đề. Có nhiều người điện thoại đến Trung tâm Bkis và có những câu hỏi như: “máy tính của tôi bị nhiễm virus, tôi đã thử dùng cả McAfee, NAV, Bkav, Bitdefender… mà vẫn không diệt được virus…”. Hay “Virus đã quậy phá tôi không biết bao nhiêu lần, gây nhiều tổn thất. Tôi đã sử dụng nhiều chương trình diệt virus như: Kaspersky, Panda, Norton, AVG, Windows Defender, Doctor Alex… mà không ăn thua gì”… Một số cơ quan, doanh nghiệp lại thắc mắc: Đã mua và sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền cho tất cả các máy tính, nhưng vẫn liên tục gặp sự cố do virus… Khi chuyên gia tới trợ giúp thì giải quyết và xử lý được, tuy nhiên một thời gian sau lại bị lại và vẫn trăn trở “virus là vấn đề quá nan giải”.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường là do virus mới, biến thể mới… gây nên. Để có thể diệt tận gốc virus thì người sử dụng nên liên lạc với nhà sản xuất phần mềm diệt virus, bởi vì nhà sản xuất sẽ xử lý được triệt để trong thời gian ngắn nhất, càng “loay hoay tự xử lý”, vấn đề virus có thể sẽ nặng thêm. Trong trường hợp đã dùng phần mềm có bản quyền mà vẫn bị virus thì nguyên nhân cũng thường do virus mới, biến thể mới hoặc dùng phần mềm có bản quyền, có mua kèm hỗ trợ kỹ thuật, nhưng hỗ trợ kỹ thuật chưa đúng cách, do đó không xử lý được. Theo chúng tôi, không thể giải quyết vấn đề virus theo kiểu vá víu, mà cần có giải pháp tổng thể cộng với sự hỗ trợ kỹ thuật đúng cách thì sẽ giải quyết được vấn đề nan giải này. Do đó virus không phải là vấn đề nan giải.
PV: Giải pháp tổng thể phòng chống virus mà ông đưa ra là như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Tử Quảng: Giải pháp tổng thể của chúng tôi là phải kết hợp giải pháp kỹ thuật cộng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ nhà sản xuất.
Các hãng phần mềm thường “tung hỏa mù”, đưa ra rất nhiều sản phẩm với những tên gọi khác nhau: Anti Spyware, Anti Virus, Anti Rootkit… dẫn đến người sử dụng bị nhiễu loạn thông tin, không biết lựa chọn sản phẩm nào cho phù hợp. Tuy nhiên giải pháp của chúng tôi là “Tất cả trong một”, xử lý tất cả các loại mã độc hại virus, spyware, adware, trojan, rootkit… (gọi chung là malware) trong một phần mềm diệt virus. Thực tế đã chứng minh hiệu quả của giải pháp “tất cả trong một” khi sử dụng Bkav. Và mô hình giải pháp kỹ thuật cũng không quá phức tạp như mọi người thường nghĩ, tựu chung lại, có các mô hình sau cho các cơ quan, doanh nghiệp:
- Gateway Scan: Quét virus tại Gateway, bảo vệ tại cửa ngõ của hệ thống, chặn virus tại đầu mối tập trung, bảo vệ tất cả các máy tính trong mạng của cơ quan khi truy cập Internet (SMTP, HTTP, FTP). Do vậy, giúp người quản trị nắm được tình hình virus qua cửa ngõ của hệ thống, từ đó đưa ra được chính sách phù hợp.



- LAN Scan: Quét virus tại các máy trạm trong mạng, bảo vệ hệ thống mạng bên trong, ngăn chặn các virus lây qua mạng LAN, qua lỗ hổng phần mềm, qua USB… Quản lý tập trung thống nhất, thống kê tình hình virus trong mạng, điều khiển từ xa. Qua đó giúp nhà quản lý hoạch định được các chính sách, chiến lược phòng chống virus trong cơ quan.
- Hỗ trợ kỹ thuật từ nhà sản xuất: Không phải nhà sản xuất nào cũng có đủ năng lực để xử lý những loại virus khó (lây file, siêu đa hình...). Do vậy phải lựa chọn nhà sản xuất có đủ năng lực, phản ứng kịp thời trong các tình huống khẩn cấp. Nhà sản xuất phải có công cụ và chuyên gia trực tiếp (qua mạng máy tính, điện thoại) để phân tích virus và cập nhật kịp thời, đưa ra phương án hỗ trợ tốt nhất.
PV:Với kinh nghiệm thực tế, ông đánh giá như thế nào về những kết quả sau khi áp dụng giải pháp trên?
Ông Nguyễn Tử Quảng: Trước đây, tại một số cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, virus là vấn đề được nhắc đến nhiều lần trong một tháng, thậm chí trong các cuộc họp giao ban tuần, vấn đề virus luôn được đưa ra bàn luận. Sau khi sử dụng giải pháp tổng thể BkavEnterprise, cả năm chỉ một vài lần chúng tôi phải đến xử lý trực tiếp (trường hợp rất khó lấy mẫu, siêu đa hình), nhưng mỗi lần xử lý chỉ trong thời gian ngắn. Vấn đề về virus không còn phải đề cập đến trong các cuộc họp kỹ thuật, nó tương đối ổn định như những hạ tầng kỹ thuật khác.
Với những người sử dụng là cá nhân, sau khi sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền (BkavPro) và có hỗ trợ kỹ thuật đúng cách, virus không còn là vấn đề lớn.
PV: Vậy để virus không còn là vấn đề nan giải, người sử dụng máy tính nên làm những gì thưa ông?
Ông Nguyễn Tử Quảng: Với tư cách là một chuyên gia, tôi muốn khuyên người sử dụng là: đừng làm những công việc mà mình không thạo, hãy để chuyên gia giúp (cả với người dùng cá nhân và với quản trị hệ thống). Người sử dụng nên mua phần mềm diệt virus có bản quyền hợp pháp. Lựa chọn nhà sản xuất có đủ năng lực, phản ứng kịp thời với tình hình, có hỗ trợ kỹ thuật đúng cách. Như vậy, virus sẽ không còn là vấn đề nan giải.
PV: Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới