Trend Micro cảnh báo sự phát triển của mã độc tống tiền nguồn mở

13:57 | 14/06/2017 | HACKER / MALWARE
Gần đây, mã độc tống tiền (ransomware) nguồn mở, với các biến thể dựa trên nguồn mở Hidden Tear và TeslaCrypt, đang tiếp tục tăng nhanh khi nó cho phép tin tặc tạo và phát tán mã độc để đòi tiền chuộc dễ dàng hơn.



Phát hiện nhiều biến thể Hidden Tear
 

Hãng bảo mật Trend Micro cho biết, các biến thể mã độc tống tiền dựa trên nguồn mở Hidden Tear không quá khác so với bản gốc, tuy nhiên tác giả đã cải tiến mã để thực hiện các mục đích riêng.

Ví dụ: mã độc tống tiền May (được Trend Micro phát hiện, có tên đầy đủ RANSOM_HIDDENTEARMAY.A) là một biến thể của Hidden Tear sử dụng mã hóa AES-256 và RSA-4096. Việc mã hóa thực sự dựa trên mã nguồn Hidden Tear nhưng cách khóa lại khác.

Đầu tiên, mã độc May chọn tập tin ngẫu nhiên trong C:\Program Files\Internet Explorer, tiếp theo đọc và xáo trộn 128 bit đầu tiên của tập tin, sau đó sử dụng các bit đã xáo trộn để làm mật khẩu mã hóa cho AES. Để giữ hệ thống máy tính nạn nhân vẫn hoạt động và yêu cầu tiền chuộc dễ dàng hơn, mã độc May có thể tránh mã hóa tập tin trong các thư mục hệ thống  như: Program Files, Windows, Program Data.

Với mã độc Mooware (có tên đầy đủ RANSOM_HIDDEMEARMOWARE) là biến thể của Hidden Tear khác so với mã nguồn gốc. Mã độc sử dụng thuật toán mã hóa khác so với Hidden Tear, sử dụng phép mã hóa XOR thay vì AES. Mã độc mã hóa các tập tin trong thư mục: Desktop, Personal, MyMusic, MyPicturesCookies. Mã độc kiểm tra kết nối Internet và vô hiệu hóa các công cụ Registry, Task Manager hay CMD.



Mã độc tống tiền mới tập trung vào đồ họa và thanh toán theo gói 

TeslaCrypt là mã độc đã ngừng hoạt động vào tháng 5/2016, nhưng Trend Micro phát hiện mã độc được mở mã nguồn để tạo ra nhiều biến thể khác nhau, với giao diện và cách thức đòi tiền chuộc phức tạp hơn.



Đầu tiên là Widia (tên đầy đủ là RANSOM_WIDIALOCKER.A), một loại mã độc tống tiền khóa màn hình đang được phát triển, có thể có nguồn gốc từ Romania. Một tính năng của Widia là yêu cầu người sử dụng thanh toán tiền chuộc qua thẻ tín dụng thay vì thanh toán Bitcoin. Mặc dù thẻ tín dụng giúp người dùng thuận tiện để thanh toán tiền chuộc, nhưng nó cũng khiến tin tặc dễ bị phát hiện hơn so với Bitcoin.

Trong khi đó, BlueHowl (tên gọi đầy đủ là RANSOM_BLUEHOWL) là một trình khóa màn hình mới chứa nội dung độc hại đe dọa nạn nhân. Để thanh toán, các nạn nhân sẽ phải chọn phương thức thanh toán qua Bitcoin thông thường hoặc mã QR.

Trend Micro cảnh báo, các tác giả tạo ra mã độc đang tìm kiếm những cách mới để thu tiền từ nạn nhân bằng cách tạo ra giao diện tốt hơn, cung cấp các lựa chọn thanh toán được sử dụng rộng rãi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới