Phát hiện hơn 3,2 triệu mã độc Android trong Quý III/2018
Theo dự đoán của G Data, số lượng mã độc Android có thể lên tới hơn 4 triệu cho đến hết năm 2018. Nguyên nhân do tội phạm mạng ngày càng tập trung mục tiêu vào các thiết bị di động. Đặc biệt là người dùng hệ điều hành Android, do sự phổ biến và giá thành hấp dẫn của các thiết bị chạy hệ điều hành này. Hiện nay, trung bình cứ 10 người trên thế giới sử dụng smartphone thì có tới 8 người sử dụng smartphone Android.
Thống kê số lượng mã độc trên Android của G Data từ năm 2012
Do Android là hệ điều hành mở và có thể tùy biến nên nó dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm mạng. Theo thống kê, có khoảng 80% người dùng smartphone trên thế giới đang sở hữu và sử dụng thiết bị Android mỗi ngày. Số liệu này là cơ sở để tội phạm mạng nhắm mục tiêu tấn công. Ước tính trung bình có khoảng 11,7 nghìn mẫu mã độc Android mới được phát hiện mỗi ngày. Điều này đặt ra mối đe dọa rất lớn cho nền tảng Android và người dùng nói chung - các chuyên gia bảo mật tại G Data nhận định.
Theo thống kê về thị phần các phiên bản Android trong tháng 10/2018 của Google, các phiên bản Android cũ (Gingerbread, Ice Cream Sadwich, Jelly Bean, KitKat và Lollipop) chiếm từ 0,2% tới 14.4%. Trong khi đó, các phiên bản mới gần đây như Oreo chiếm tỷ lệ khá ít ỏi, khoảng 21,5%. Việc sử dụng các phiên bản Android lỗi thời là nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn toàn thông tin người dùng.
Một tin tốt lành cho người dùng Android là mới đây Google đã lên tiếng khẳng định, tất cả các nhà sản xuất thiết bị gốc (Original Equipment Manufacturer - OEM) bắt buộc phải tăng tần suất cập nhật hệ điều hành Android 3 tháng/lần và trong ít nhất 2 năm, kể từ ngày 31/1/2019 cho thiết bị của mình. Theo đó, người dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn thông qua các bản cập nhật bảo mật được phát hành định kỳ. Nếu các OEM không chấp hành quy định mới của Google, họ sẽ phải chịu hình phạt, bao gồm bị trì hoãn hoặc từ chối cấp chứng chỉ cần thiết cho smartphone trước khi ra mắt.
Nhật Minh